Vì sao phớt lờ “lệnh” Chính phủ?
Trong tổng số hơn 400 doanh nghiệp phải công bố thông tin, chỉ có ba doanh nghiệp thực hiện đầy đủ. Hầu hết các “ông lớn” tập đoàn, tổng công ty không có bất kỳ thông tin nào về hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của Chính phủ.
Nghị định 81 ra đời nhằm minh bạch hóa, tăng cường hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), theo đó bắt buộc DNNN phải công bố thông tin như: chiến lược phát triển của DN, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm của DN, báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm và ba năm, báo cáo tài chính sáu tháng và một năm… Thậm chí, DN sẽ phải công bố cả chế độ tiền lương, tiền thưởng của mình.
Cố tình bưng bít thông tin
Đó là thực tế hiện nay ở hầu hết các DNNN. Sự việc gần đây liên quan đến hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhưng không có một thông tin nào được hé lộ. Điều này ảnh hưởng đến việc giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của DN.
Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng công bố thông tin là về tình hình tài chính, cơ cấu và sắp xếp lại DNNN, do đó việc chậm trễ công bố thông tin ảnh hưởng đến kế hoạch tái cơ cấu các TĐ, TCT nhà nước và các DNNN trực thuộc Bộ, ngành.
Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến ngày 31/7 mới có 110/432 DN thực hiện công bố thông tin, trong đó công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) và đầu tư phát triển (ĐTPT) năm 2016 (thời hạn không muộn hơn 31/3 theo quy định của Nghị định 81) mới có 67/432 DN thực hiện.
Về công bố thực hiện kế hoạch SXKD hàng năm và ba năm gần nhất tính đến năm báo cáo (thời hạn công bố không muộn hơn ngày 20/6), mới có 35/432 DN thực hiện. Công bố báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới DN trong năm 2015 (thời hạn công bố không muộn hơn ngày 31/3 năm 2016), mới có 57/432 DN thực hiện.
Công bố báo cáo tài chính 2015 (thời hạn không muộn hơn ngày 31/5), mới có 44/432 DN thực hiện. Và công bố báo cáo tiền lương, tiền thưởng 2015 (thời hạn công bố không quá 31/3), mới có 75/432 DN thực hiện.
Thậm chí, trong số 31 Tập đoàn, TCT nhà nước được lệnh công bố, chỉ có duy nhất TCT Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) thực hiện công bố 6/7 báo cáo đến thời hạn công bố. Dù chưa đủ, nhưng đây là đơn vị duy nhất thực hiện nghiêm túc Nghị định và chỉ đạo của Chính phủ.
Nghị định 81 ra đời nhằm minh bạch hóa, tăng cường hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước
Mới đây Bộ KH & ĐT đã “gọi” tên nhiều “ông lớn” lờ công bố thông tin như PetroVietnam, Tổng công ty Thuốc lá (Vinataba), Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Cà phê (Vinacafe), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Thiết bị y tế, những đơn vị chưa thực hiện bất cứ một nội dung nào về công bố thông tin theo quy định.
Ngay cả các tập đoàn kinh tế, tổng công ty hàng đầu như Điện lực (EVN), Hàng hải (Vinalines), Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) hay ba ông lớn viễn thông là Viettel, Mobifone, Vinaphone… cũng không thực hiện đầy đủ nghị định của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc công khai danh tính là chưa đủ, công việc này cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn với các chế tài nghiêm khắc, vì thực tế, áp đặt kỷ luật thị trường với khu vực DN này không phải là việc dễ dàng.
Nhanh chóng cổ phần hoá DNNN
Thực tế, công bố thông tin đối với các DNNN là cần thiết bởi thời gian qua, hiện tượng một số giám đốc tự trả tiền lương cho mình cao một cách bất thường vẫn đang xảy ra.
Đơn cử như thu nhập khủng của lãnh đạo công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang, lãnh đạo ngành điện… trong khi đó báo cáo doanh thu của những DN này liên tục lỗ để xin hỗ trợ từ Chính phủ.
Hay mới đây, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí chi 500 triệu đồng để lo sinh nhật bố của “sếp”, những điều tiếng xung quanh quy trình bổ nhiệm nhân sự của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khải Sài Gòn (Sabeco),… đang làm thất thoát ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Đáng nói là hậu quả mà những DN này gây ra lại là Nhà nước phải đứng ra gánh chịu bằng cách giãn nợ, giảm nợ, chuyển nợ cho đơn vị khác hoặc bảo lãnh nợ… Còn những người có liên quan, như đại diện chủ sở hữu, người quản lý DNNN gần như không chịu ảnh hưởng bởi sự khắt khe và công bằng của thị trường.
Theo các chuyên gia, chính sự quản lý lỏng lẻo cũng như các cơ chế giám sát, phòng ngừa rủi ro với khu vực DN này kém hiệu quả nên dẫn tới tình trạng DN không sợ Nghị định.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng cho rằng DN chưa muốn công khai thông tin bởi bản thân họ còn quá nhiều cái được cho là nhạy cảm, bí mật. “Đó có thể là các “quỹ đen” để ngoài sổ sách, có những “cơ chế” lợi ích ngầm, thậm chí chi tiêu vô tội vạ”, một chuyên gia cho hay.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều kiến nghị là phải thay đổi chính sách, phải đặt DNNN vào nền kinh tế thị trường và sử dụng “bàn tay thép” đối với những DN không tuân thủ Nghị định, đây là vấn đề cốt lõi để giải quyết vấn đề.
Đối với các trường hợp DN phớt lờ Nghị định, các chuyên gia cho rằng ngoài việc xử phạt hành chính theo quy định, cần phải quy trách nhiệm người đứng đầu với những hình thức cao nhất có thể như buộc thôi việc hoặc thậm chí xử lý hình sự.
Tuy nhiên, biện pháp xử lý trách nhiệm chỉ là trước mắt, biện pháp căn cơ vẫn phải là thu hẹp khu vực DN nhà nước, tăng cường cổ phần hóa, khi đó, các DN sẽ phải chịu áp lực từ cổ đông và từ thị trường.
Công khai, minh bạch thông tin về DNNN là một trong những cơ sở để giám sát, đánh giá sức khỏe của DN. Đặc biệt, khi chúng ta đang thúc đẩy việc cổ phần hóa, sắp xếp DNNN thì minh bạch thông tin DN là yêu cầu số một, chỉ khi đó mới mong tiến trình này “nhúc nhích”.
Theo Thời báo Kinh doanh