Vì sao cổ phiếu BSR chưa thể niêm yết trên HOSE?

Cập nhật: 16:32 | 24/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Trong tài liệu họp cổ đông năm 2023, Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đã công bố tờ trình việc niêm yết chứng khoán. Cổ phiếu BSR đã đáp ứng các điều kiện niêm yết cơ bản trên HOSE nhưng vẫn còn một vướng mắc về điều kiện nợ phải trả quá hạn của một công ty con.

Cổ phiếu BSR đã đăng ký giao dịch cổ phiếu tại sàn UPCoM từ ngày 17/1/2018. Tính đến cuối năm 2022, BSR đạt mức vốn hóa cao thứ 5 sàn UPCoM là 41.237 tỷ đồng và khối lượng giao dịch bình quân dẫn đầu trên UPCoM với 10,41 triệu cổ phiếu/phiên.

Tuy nhiên, khối lượng cổ phiếu BSR đang đăng ký giao dịch trên UPCoM chỉ là gần 244 triệu đơn vị, trên tổng số 3,1 tỷ cổ phiếu theo vốn điều lệ.

Vì sao cổ phiếu BSR chưa thể niêm yết trên HOSE?

Cổ phiếu BSR đã đáp ứng các điều kiện niêm yết cơ bản trên HoSE nhưng vẫn còn một vướng mắc về điều kiện nợ phải trả quá hạn của một công ty con.

Trong giai đoạn 2020-2021, BSR chưa thể thực hiện việc niêm yết cổ phiếu tại sàn HNX do chưa đủ điều kiện về hồ sơ niêm yết. Đến tháng 12/2022, sau khi rà soát các điều kiện niêm yết của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), công ty đánh giá cổ phiếu BSR đã cơ bản đáp ứng các điều kiện để thực hiện đăng ký niêm yết tại HoSE.

Trong 9 điều kiện, công ty đã đáp ứng được 8 điều kiện gồm: (1) Là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 30 tỷ đồng trở lên, (2) đã được ĐHĐCĐ thông qua việc niêm yết, (3) đã giao dịch trên hệ thống UPCoM tối thiểu 2 năm, (4) tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5% và hoạt động kinh doanh của 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi, (5) tổ chức đăng ký niêm yết có tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ, (6) cổ đông là cá nhân, tổ chức có đại diện sở hữu là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành và các chức danh quản lý tương đương cam kết tiếp tục nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 06 tháng kể từ ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 06 tháng tiếp theo, ( 7 ) không bị xử lý vi phạm trong thời hạn 02 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết và (8 ) có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký niêm yết.

Cổ phiếu BSR đã đáp ứng các điều kiện niêm yết cơ bản trên HoSE nhưng vẫn còn một vướng mắc về điều kiện nợ phải trả quá hạn của một công ty con.

Lọc hóa dầu Bình Sơn cho rằng, điều kiện niêm yết là “không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết”. Báo cáo kiểm toán hợp nhất năm 2021 và 2022 có vấn đề nhấn mạnh như sau: “TAND Thành phố Quảng Ngãi đang làm các thủ tục cần thiết để chuẩn bị đưa ra xét xử vụ một số ngân hàng khởi kiện Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (công ty con của BSR) liên quan đến các khoản vay quá hạn thanh toán”.

Theo BSR, hiện tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể việc xem xét nợ phải trả quá hạn thực hiện trên báo cáo tài chính công ty mẹ hay báo cáo tài chính hợp nhất. Công ty đang tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan để làm rõ việc xem xét điều kiện niêm yết này.

Dựa trên tình hình thực tế và đánh giá các thuận lợi đối với công ty từ việc niêm yết, Lọc hóa dầu Bình Sơn trình ĐHĐCĐ xem xét, thông qua việc niêm yết toàn bộ cổ phiếu BSR trên HoSE và ủy quyền toàn bộ cho HĐQT quyết định các công việc liên quan.

Việc đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE giúp nâng cao tính minh bạch, hiệu quả quản trị công ty do yêu cầu về minh bạch hóa thông tin đối với các công ty niêm yết được quy định và giám sát chặt chẽ hơn bởi UBCK và các Sở GDCK, các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các đánh giá từ phía thị trường, nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sẽ tích cực hơn; cộng thêm hấp dẫn các nhà đầu tư thông qua việc được sử dụng các đòn bẩy tài chính. Mặt khác, biên độ giao dịch trên HoSE sẽ bớt rủi ro hơn và yếu tố này có thể giúp tăng thanh khoản và đưa cổ phiếu về vùng giá giao dịch tốt hơn.

Kế hoạch lợi nhuận 2023 đạt hơn 1.600 tỷ đồng

Về kế hoạch kinh doanh, BSR đưa ra chỉ tiêu doanh thu năm nay đạt 95.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 1.628 tỷ đồng. So với năm liền trước, các chỉ tiêu kinh doanh này giảm lần lượt 43% và 89%.

Các chỉ tiêu kể trên được xây dựng trên giả định giá dầu Brent ở mức 70 USD/thùng và tỷ giá quy đổi là 23.500 đồng/USD. Sản lượng tiêu thụ năm 2023 của BSR kỳ vọng đạt trên 5,6 triệu tấn, bao gồm các sản phẩm chủ lực như xăng RON 95, RON 92, Diesel, Jet A1, LPG...

Với riêng công ty mẹ, Lọc hóa dầu Bình Sơn đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 95.371 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 1.721,5 tỷ đồng. Công ty cũng có kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 3% bằng tiền mặt, tương ứng số tiền phải chi ra vào khoảng 930 tỷ đồng.

Nhà máy còn dự kiến chi gần 1.623 tỷ đồng cho các dự án đầu tư, trong đó gần 955 tỷ đồng để sử dụng cho việc nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất và gần 579 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị và tài sản cố định.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, công ty sẽ trích ra 2.170 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 7% bằng tiền mặt (tương đương mỗi cổ phiếu được nhận 700 đồng). Phần còn lại sẽ được dùng để trích các quỹ và giữ lại để chuyển sang năm sau.

Hiện BSR đang có triển khai Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng mức đầu tư điều chỉnh gần 1,3 tỷ USD, phương án thu xếp vốn cũng bị thay đổi lên 60% vốn chủ sở hữu và 40% nguồn vốn vay. Công ty còn phải thu xếp vốn cho các dự án khác khoảng 2.900 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025.

Với nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, lãnh đạo BSR cho biết sẽ trích thêm 4.451 tỷ đồng vào Quỹ đầu tư phát triển. Đồng thời giữ lại 7.881 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để bổ sung vốn chủ sở hữu dưới hình thức trích bổ sung Quỹ đầu tư phát triển/chia cổ tức.

HĐQT BSR cũng dự kiến trình cổ đông giao cho HĐQT nghiên cứu xây dựng phương án tăng vốn điều lệ phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn và các quy định hiện hành, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Novaland thay đổi thành viên HĐQT theo lộ trình tái cấu trúc, cổ phiếu NVL tăng trần

Novaland đang hiện thực hoá đề án tái cấu trúc theo hướng "HĐQT chuyên trách hoạt động độc lập với ban điều hành theo hướng ...

ĐHĐCĐ bất thường của Louis Capital: Hé lộ nhiều bất ngờ

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023, Ban lãnh đạo Louis Capital đã đưa ra nhiều quyết định thay đổi hình ảnh ...

Chứng khoán BIDV (BSC) muốn đổi tên, kế hoạch lãi gấp 3,8 lần năm 2022

Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, mã chứng khoán BSI) vừa công bố tài liệu họp ...

Khánh Vân