Vì sao các quốc gia trên thế giới đổ xô đi làm đường sắt cao tốc vào thời điểm này?
Từ Trung Quốc, Nhật Bản đến châu Âu, đường sắt cao tốc đang trở thành lựa chọn chiến lược.
Từ hậu COVID-19 đến chiến lược xanh toàn cầu
Từ châu Á đến châu Âu, từ các nền kinh tế phát triển đến quốc gia mới nổi, thế giới đang chứng kiến làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào đường sắt cao tốc. Không đơn thuần là phương tiện di chuyển tốc độ cao, đường sắt cao tốc đang trở thành biểu tượng của phát triển hạ tầng bền vững, của chuyển đổi năng lượng và cạnh tranh công nghệ quốc tế.
Sau đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia nhận ra sự phụ thuộc vào hàng không và vận tải đường bộ là điểm yếu trong hệ thống logistics. Đường sắt cao tốc nổi lên như một lựa chọn thay thế hiệu quả: tốc độ cao, vận hành ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu và các biến động dịch tễ. Đặc biệt, nhiều chính phủ đã sử dụng các gói phục hồi kinh tế hậu COVID-19 để đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông xanh, trong đó đường sắt cao tốc là trụ cột.

Một trong những ưu điểm lớn của đường sắt cao tốc là lượng phát thải CO₂ thấp. Theo nghiên cứu tại châu Âu, lượng phát thải trên mỗi hành khách/km của tàu cao tốc thấp hơn máy bay tới 80–90%. Khi kết hợp với nguồn điện tái tạo, đường sắt cao tốc trở thành phương tiện “xanh” hàng đầu trong chiến lược trung hòa carbon mà nhiều quốc gia cam kết thực hiện vào giữa thế kỷ XXI.
Kết nối kinh tế vùng và cạnh tranh địa chính trị
Ngoài vai trò môi trường, đường sắt cao tốc còn là công cụ quan trọng trong tái cấu trúc không gian kinh tế. Việc rút ngắn thời gian di chuyển giữa các đô thị lớn và vùng vệ tinh trong phạm vi 200–800 km giúp hình thành các “vùng đô thị một giờ” – nơi cư dân có thể sống xa trung tâm mà vẫn làm việc trong lõi đô thị, từ đó giảm áp lực nhà ở và hạ tầng tại các thành phố lớn.
Trung Quốc là hình mẫu điển hình với mạng lưới hơn 40.000 km ĐSCT đã giúp nước này tạo ra hàng chục cực tăng trưởng kinh tế mới. Tại châu Âu, các tuyến như Paris – Lyon, Milan – Rome hay Madrid – Barcelona cho thấy rõ hiệu ứng lan tỏa vùng.
Không chỉ là công cụ kinh tế, đường sắt cao tốc đang trở thành địa bàn cạnh tranh địa chính trị. Trung Quốc sử dụng các dự án tại Lào, Indonesia, Iran như một phần chiến lược “Vành đai và Con đường”. Nhật Bản, Pháp, Đức đáp trả bằng cách gắn công nghệ cao với hỗ trợ ODA và các điều khoản tài chính ưu đãi. Ấn Độ cũng đã bắt tay Nhật triển khai tuyến cao tốc đầu tiên tại Mumbai – Ahmedabad.
Sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc không chỉ giúp phát triển kinh tế, mà còn thể hiện năng lực quản trị, trình độ công nghệ và mức độ kết nối lãnh thổ – những yếu tố cốt lõi của một cường quốc trong thế kỷ XXI.
Công nghệ, chi phí và những rủi ro đi kèm
Một trong những động lực khiến nhiều nước đẩy mạnh phát triển đường sắt cao tốc là chi phí xây dựng ngày càng hợp lý. Với công nghệ nội địa hóa, Trung Quốc đã đưa chi phí xây dựng ĐSCT xuống còn 17–20 triệu USD/km, thấp hơn đáng kể so với mức 30–50 triệu USD/km tại Nhật, Mỹ.
Cùng với đó, mô hình đầu tư cũng linh hoạt hơn, từ PPP (đối tác công – tư) đến các hành lang kinh tế tích hợp ga tàu, trung tâm thương mại và bất động sản. Mô hình “cùng đầu tư – cùng khai thác” mà Pháp và Nhật triển khai đang giúp tăng hiệu quả tài chính, rút ngắn thời gian hoàn vốn.
Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng thành công. California (Mỹ) loay hoay hơn một thập kỷ chưa hoàn thiện tuyến ĐSCT đầu tiên do thiếu đồng thuận và đội vốn. Indonesia vướng phải các vấn đề kỹ thuật và tài chính với tuyến Jakarta – Bandung hợp tác với Trung Quốc. Ngay tại châu Âu, tiêu chuẩn kỹ thuật chưa thống nhất khiến kết nối xuyên biên giới gặp khó khăn.
Rõ ràng, thách thức của đường sắt cao tốc không nằm ở công nghệ, mà là tầm nhìn quy hoạch, năng lực điều phối và kiểm soát chi phí. Một dự án thành công đòi hỏi sự kiên định từ chính phủ, sự hợp tác giữa các bộ ngành, và sự tham gia lâu dài của cả khu vực công lẫn tư nhân.