Vi phạm pháp luật kinh tế vẫn diễn biến phức tạp

Cập nhật: 15:10 | 26/10/2020 Theo dõi KTCK trên

Sáng 26/10, Quốc hội tiếp tục phiên làm việc kỳ họp thứ 14 với phần trình bày của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020.

Vi phạm pháp luật kinh tế, tham nhũng vẫn phức tạp

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các chủ trương để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tích cực phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, trật tự, an sinh xã hội.

Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, năm 2020, đã điều tra làm rõ 40.026 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 85,69%; triệt phá 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ...

Toàn quốc xảy ra 46.710 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 2,76%, hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm, một số loại tội phạm tăng như giết người, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, tội phạm liên quan đến cờ bạc...

Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế, tuy nhiên vẫn hoạt động biến tướng cho vay qua mạng internet; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (lừa đảo, trộm cắp, cướp, cướp giật) diễn ra phức tạp...

Năm 2020 phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%).

Mặt khác, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, góp phần duy trì khí thế mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng; phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để trục lợi.

Qua công tác đấu tranh cho thấy, tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn phức tạp tại một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm (quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán…); phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi...

Còn về tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực; công tác xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe...

Đến hết tháng 9/2020, chưa thi hành án với pháp nhân thương mại

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2020.

Theo báo cáo, tổng số việc phải thi hành là 886.829 việc. Số có điều kiện thi hành án là 709.505 việc. Hiện đã thi hành xong 577.582 việc, đạt tỷ lệ 81,41%. Tổng số tiền thi hành xong đạt trên 53.779 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 40,10%. Tổng số chuyển kỳ sau là 309.247 việc, tương ứng trên 211.131 tỷ đồng.

Liên quan đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, đã thi hành xong 4.760 việc, thu được số tiền trên 32.669 tỷ đồng.

Kết quả thi hành đối với các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế có 3.605 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 80,33%, thu được số tiền là trên 15.417 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,43%.

Năm 2020, Bộ Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự đã tiếp 9.545 lượt công dân; tiếp nhận 8.580 đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó có 2.867 đơn thuộc thẩm quyền và đã giải quyết xong 2.792/2.867 việc thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 97,38%. Ngoài ra, giải quyết xong bồi thường nhà nước với 14 vụ việc.

Về thi hành án hành chính, đã thi hành xong 363/830 vụ việc, tăng 65 việc so với năm 2019. Đối với 50 việc mà người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND được Đại biểu Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, đến nay đã thi hành xong 43/50 việc.

Ngoài ra, tính đến ngày 30/9/2020, có 150.387 người bị kết án tù, tăng 5.885 người so với năm 2019.

Đáng chú ý, đến nay, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh chưa nhận được bản án, quyết định thi hành án với pháp nhân thương mại.

Truy tố oan 3 trường hợp

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, các báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao năm 2020.

Theo Ủy ban Tư pháp, mặc dù tình hình chung vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tư xã hội giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng như hiếp dâm tăng 13,52% (trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%), gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%, chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 260%.

Mặt khác, kết quả hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm, vi phạm pháp luật về chức vụ, tham nhũng.

Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm qua, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự của VKSND các cấp tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong công tác kiểm sát điều tra, VKSND các cấp đã kịp thời phát hiện, yêu cầu hủy bỏ 164 quyết định trái pháp luật của Cơ quan điều tra và ban hành 1.315 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; số kiến nghị được chấp nhận, thực hiện đạt tỷ lệ 99,5%, vượt 19,5% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội.

Trong công tác kiểm sát xét xử, số bị can bị Viện kiểm sát truy tố mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận đều vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Công tác giải quyết án tham nhũng, kinh tế được chỉ đạo quyết liệt, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tăng 5,2%.

Tuy nhiên, vẫn còn 60 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát; 3 trường hợp Viện kiểm sát truy tố oan dẫn đến Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội; 95 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt.

Theo Ủy ban Tư pháp, thi hành án dân sự, hành chính tăng cả về giá trị và tỷ lệ thi hành. Tuy nhiên, tỷ lệ thi hành án hành chính đạt thấp (43,73%), số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng.

Về thi hành án hình sự, còn xảy ra 23 trường hợp phạm nhân bỏ trốn khỏi cơ sở giam giữ. Số phạm nhân chết do tự sát tăng so với cùng kỳ năm 2019, nhất là 3 trường hợp người bị kết án tử hình và bị can bị bắt về hành vi phạm tội về ma túy tự sát tại trại tạm giam.

Chính phủ cần chỉ đạo nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán

Tại ngày làm việc đầu tiên, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng nay (20/10), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ...

Kiểm toán Nhà nước bêu tên nhiều địa phương sử dụng sai ngân sách

Đáng chú ý, tình trạng phân bổ kế hoạch vốn chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên, bố trí vốn chưa phù hợp với thực ...

Nhiều công ty con của UDIC thuộc diện giám sát đặc biệt

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có báo cáo lên Quốc hội về kết quả kiểm toán các doanh nghiệp, tổng công ty. Trong ...

Hữu Dũng

Tin cũ hơn
Xem thêm