Vì đâu VinFast "đánh rơi" 84 tỷ USD vốn hoá?

30/08/2023 13:00

Phiên 29/8 (giờ Mỹ) chứng kiến pha "quay xe" của cổ phiếu VFS, khiến đại gia xe điện VinFast đánh mất 83 tỷ USD vốn hoá, giảm xuống vị trí thứ ba về quy mô các hãng xe toàn cầu.

Cổ phiếu VFS đứt chuỗi tăng điểm

Chuỗi 6 phiên tăng mạnh liên tiếp khiến cổ phiếu VFS đứng trước áp lực chốt lời lớn. Điều đó được thể hiện khá rõ trong phiên phiên giao dịch trước giờ mở cửa (Pre-market) khi mã này “quay đầu” giảm 12% từ mức đỉnh mới thiết lập, xuống còn 72,6 USD/cp.

Đáng nói, trong các phiên giao dịch vừa qua, trước giờ giao dịch chính thức, cổ phiếu của VinFast luôn “phi nước đại”. Như vậy, diễn biến trái chiều này có thể là một chỉ báo cho thấy, nhiều khả năng, VFS sẽ không còn giữ được đà tăng.

Không nằm ngoài dự đoán, bắt đầu phiên giao dịch ngày 29/8, các nhà đầu tư ồ ạt thoát hàng, cổ phiếu VFS mở cửa ở mức 74.52 USD/cp, giảm 9,5% so với mức đóng cửa ngày 28/8.

Chỉ trong 10 phút đầu tiên, cổ phiếu VFS đã giảm đến hơn 20%, xuống dưới mức 66 USD/cp. Sau đó, mặc dù đã có bước phục hồi nhẹ nhưng mã này chỉ lên được ngưỡng 70 USD/cp, không đủ để khiến bảng điện đổi màu sang xanh.

Thế giằng co kéo dài khoảng 30 phút nhưng cổ phiếu của VinFast vẫn không thể bứt phá. Kết quả là, từ đó đến cuối phiên, mã này liên tục trượt dốc, rơi xuống các mức 60, 55 rồi 50.

Diễn biến giá cổ phiếu VFS trong phiên giao dịch ngày 29/9

Chốt phiên giao dịch ngày 29/9, cổ phiếu VFS đóng cửa ở mức 46.25 USD/cp - mức giá gần như thấp nhất ghi nhận trong phiên giao dịch. Với việc “trượt dốc” 43,84% so với phiên giao dịch liền trước, VFS là mã giảm mạnh nhất sàn Nasdaq. Chuỗi tăng điểm bùng nổ cũng vì thế mà chấm dứt.

Theo đó, vốn hoá của VinFast cũng “bốc hơi” 83,83 tỷ USD, xuống còn 107,4 tỷ USD. Dù đã tụt lại khá xa so với Toyota, nhưng VinFast vẫn giữ vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thị trường. Tuy nhiên, hãng xe điện Việt Nam đang chịu sự đe doạ rất lớn từ Porsche, khi vốn hoá của hãng siêu xe này đã tăng lên mức 101,43 tỷ USD.

Vị trí thứ 3 của VinFast đang bị đe doạ bởi Porsche

Cùng với diễn biến của cổ phiếu VFS, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã giảm 27 tỷ USD, xuống còn 38 tỷ USD. Không có gì ngạc nhiên khi nhà sáng lập VinFast cũng là người có khối tài sản giảm nhiều nhất thế giới đêm qua, theo cập nhật của Forbes. Ông Vượng tụt 14 bậc trên bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh và trở về với vị trí người giàu thứ 4 châu Á, sau khi vừa vươn lên vị trí thứ 2 vào ngày hôm qua.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lùi xuống vị trí thứ 30 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh của Forbes

Đáng chú ý, đà giảm của cổ phiếu VFS diễn ra trái ngược với xu hướng chung của thị trường chứng khoán Mỹ. Trong phiên giao dịch ngày 29/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã tăng thêm 293 điểm, tương đương 0,85% và đóng cửa với 34.853 điểm.

Chỉ số S&P 500 đi lên 1,45%, chốt phiên với 4.498 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,74%, đạt 13.944 điểm. Như vậy, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều vượt lên mức bình quân trượt 50 ngày (MA 50) trong phiên giao dịch vừa qua.

Cũng cần nói thêm, khối lượng giao dịch của cổ phiếu VFS trong phiên vừa qua đạt 10,68 triệu đơn vị, vẫn duy trì ở mức cao so với khối lượng cổ phiếu được tự do chuyển nhượng (free float). Như Kinhtechungkhoan.vn đã từng phân tích, giới đầu tư đang vẫn đang “quay vòng” giao dịch cổ phiếu VFS khá nhanh. Trong khi tỷ lệ giao dịch tự do (free float) của cổ phiếu VinFast rất thấp, điều này có thể kéo theo sự giao dịch của các nhà đầu cơ và gây ra các biến động cực độ (tăng sốc, giảm sâu).

Theo các chuyên gia, trong các thương vụ đầu cơ thông thường, khi các nhà đầu cơ rút đi hoặc chốt lời, sức nóng của một cổ phiếu sẽ nhanh chóng “nguội dần” và thị giá của cổ phiếu đó sẽ khó duy trì được mức cao.

Đây là diễn biến mà phe “bán khống” đang trông chờ. Cũng như Kinhtechungkhoan.vn từng thông tin về tình hình bán khống cổ phiếu của VinFast, dữ liệu từ S3 Partners cho thấy, các nhà bán khống đã thua lỗ gần 1 triệu USD (trên giấy tờ) kể từ khi VinFast chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq. Tuy nhiên, với việc giá cổ phiếu VFS mất gần 44%, phe “bán khống” có thể đã bù đắp được phần nào khoản lỗ nói trên, thậm chí bắt đầu ghi nhận lợi nhuận.

Hà Lê

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vì đâu VinFast "đánh rơi" 84 tỷ USD vốn hoá?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO