Vì đâu Vilico (VLC) chào bán hơn 43 triệu cổ phiếu thấp hơn giá thị trường?

Cập nhật: 14:08 | 15/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Trên một số diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư bày tỏ thắc mắc về việc Vilico quyết định phát hành số lượng lớn cổ phiếu ra công chúng với mức giá thấp so với thị giá.

Vì đâu Vilico (VLC) chào bán hơn 43 triệu cổ phiếu thấp hơn giá thị trường?
Thương vụ này của Vilico nhiều khả năng sẽ đạt kỳ vọng, qua đó giúp doanh nghiệp huy động số tiền hơn 600 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Vilico sẽ dùng toàn bộ số vốn để tăng vốn góp tại Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật - một công ty liên doanh của Vilico với Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản.

Mới đây, Tổng công ty Chăn Nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico, UPCoM: VLC) đã thông qua nghị quyết HĐQT về phương án phát hành hơn 43 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực quyền là 25%, tương ứng cổ đông sở hữu 4 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới.

Số cổ phiếu trên không bị hạn chế chuyển nhượng, nhưng quyền mua cổ phiếu sẽ bị hạn chế. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 hoặc quý I/2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Đáng chú ý, giá chào bán dự kiến là 14.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 16% so với mức đóng cửa phiên cuối tuần trước (16.200 đồng/cp). So với giá bình quân trong 1 tuần gần đây, giá chào bán Vilico đưa ra cũng "rẻ" hơn đến 11%.

Trên một số diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư bày tỏ thắc mắc về việc Vilico quyết định phát hành cổ phiếu ra công chúng với mức giá thấp so với thị giá.

Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế khẳng định, động thái phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá thấp hơn thị trường là hoàn toàn bình thường, là chuyện phổ biến ngay cả trên thị trường nước ngoài. Điều đó chỉ bất thường nếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược, hoặc nhóm cổ đông "ẩn danh" nào đó.

Vị chuyên gia nói thêm, trong trường hợp của Vilico, bản thân ban lãnh đạo Vilico trước đó đã có đánh giá thận trọng về diễn biến thị trường chứng khoán đang như thế nào, liệu có đủ sức hấp dẫn cổ đông hay không?

"Theo tôi, với thị trường chứng khoán ảm đạm như hiện nay, việc doanh nghiệp phát hành dưới giá thị trường là một mức giá hợp lý cho cổ đông. Ở phía các cổ đông, với mức giá "dễ chịu", họ chắc chắn sẽ không muốn số cổ phiếu của mình bị pha loãng đi nên sẽ cân nhắc rót thêm tiền để mua vào, qua đó đảm bảo tỷ lệ cổ phiếu đang nắm giữ", vị chuyên gia bình luận.

Trên thực tế, trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 Vilico đã thông qua kế hoạch chào bán tối đã 24 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 13,93% lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 25.000 đồng/cp, để huy động 600 tỷ đồng.

Sau đó, thị giá VLC giảm mạnh theo đà giảm chung của toàn thị trường, ước tính từ 30.000 đồng/cp xuống còn một nửa như hiện nay. Vì vậy, Đại hội cổ đông thường niên 2023 tổ chức ngày 27/4 đã thống nhất thay đổi phương án phát hành cổ phiếu trên, tăng khối lượng phát hành từ 24 triệu đơn vị lên hơn 43 triệu đơn vị (tương ứng 25% lượng cổ phiếu lưu hành), đồng thời giảm giá phát hành xuống 14.000 đồng/cp như vừa đề cập.

Với mức giá hấp dẫn hơn, thương vụ này của Vilico nhiều khả năng sẽ đạt kỳ vọng, qua đó giúp doanh nghiệp huy động số tiền hơn 600 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Vilico sẽ dùng toàn bộ số vốn để tăng vốn góp tại Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật - một công ty liên doanh của Vilico với Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản.

Được biết, trong thời gian tới, Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật sẽ triển khai thực hiện dự án Tổ hợp chăn nuôi và sản xuất thịt bò mát ứng dụng công nghệ Nhật Vinabeef Tam Đảo, mục đích chăn nuôi bò thịt, cùng với các hoạt động giết mổ, chế biến, bảo quản thịt bò và các sản phẩm từ thịt bò.

Giai đoạn đầu tiên của dự án có tổng vốn đầu tư xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, trong đó 1.670 tỷ đồng dành riêng cho việc xây dựng cụm trang trại, nhà máy tại Tam Đảo.

Dự án ra đời trong bối cảnh nhu cầu thịt bò ngày một tăng, nhất là thịt bò chuẩn an toàn và có chất lượng cao thì các nguồn sản xuất trong nước lại khó đáp ứng đầy đủ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu hơn 680.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá gần 1,5 tỷ USD. Các sản phẩm nhập khẩu như thịt bò Mỹ, Úc và Nhật… ngày càng trở nên phổ biến nhờ có mùi vị và chất lượng ổn định.

Nắm bắt được xu hướng và nhu cầu của thị trường, với số vốn đầu tư "khủng", cùng sự hậu thuẫn từ Vinamilk (công ty mẹ của Vilico), dự án Vinabeef Tam Đảo đặt mục tiêu sẽ chinh phục thị trường thịt bò còn nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam và dần thay thế nguồn thịt bò nhập khẩu.

Nhìn lại hoạt động kinh doanh của Vilico, trong quý I/2023, doanh thu tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 740 tỷ đồng; khấu trừ chi phí và thuế, lợi nhuận ròng tăng 42% lên 85 tỷ đồng.

So với kế hoạch kinh doanh 2023, doanh nghiệp đã hoàn thành 35% chỉ tiêu về lợi nhuận cả năm.

ĐHĐCĐ Vilico 2022: Chuyển dự án bò thịt Tam Đảo cho công ty liên doanh với Nhật triển khai, lập kế hoạch lên sàn HOSE

Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, mã: VLC) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022 vào ngày ...

Vilico sẽ chuyển niêm yết lên HoSE, đang cùng đối tác Nhật Bản xúc tiến dự án Bò thịt

Sáng nay (ngày 8/6/2022), Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, mã: VLC) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên ...

Vinamilk và các công ty con liên tiếp công bố thêm thông tin các dự án lớn

Vừa qua, Vinamilk và công ty thành viên như Vilico, Mộc Châu Milk liên tục công bố nhiều thông tin mới liên quan đến các ...

Ánh Dương

Tin liên quan