Vì đâu lợi nhuận doanh nghiệp cao su phân hóa mạnh quý I/2022?

Cập nhật: 10:20 | 17/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Ảnh hưởng từ các khoản thu tài chính từ công ty con hay hoạt động khác như thanh lý cây cao su, đền bù đất dẫn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp cao su có sự phân hóa.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su ghi nhận tăng cả khối lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, cả nước xuất khẩu 406.803 tấn cao su, tăng 0,08%; thu về gần 715,4 triệu USD, tăng 6%; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.758,6 USD/tấn, tăng 6%.

Cho đến thời điểm hiện tại, giá cao su trên thị trường thế giới vẫn trong xu hướng tăng và đang neo ở mức cao. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su sẽ khiến giá mủ tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao. Điều này giúp Việt Nam hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất đi và giá trị thu về.

Tuy vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp có sự phân hóa chủ yếu do ảnh hưởng bởi các khoản thu tài chính từ công ty con hay hoạt động khác như thanh lý cây cao su, đền bù đất... Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp cũng ghi nhận biến động về lợi nhuận vì các khoản kể trên.

Điều này cũng thể hiện trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cao su ngay quý đầu năm 2022.

1455-doanh-nghiyp-cao-su
Ảnh minh họa.

Nhóm các doanh nghiệp cao su tăng trưởng tích cực

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) công báo báo cáo tài chính hợp nhất với doanh thu và lợi nhuận đều tăng nhẹ. Cụ thể, doanh thu thuần quý I đạt 4.893 tỷ đồng, gần như đi ngang so với doanh thu 4.850 tỷ đồng đạt được quý I năm ngoái.

Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu từ sản xuất kinh doanh mủ cao su đạt gần 3.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 61% vào tổng doanh thu và tăng 10% so với cùng kỳ. Doanh thu từ chế biến gỗ cũng tăng 9% lên mức 964 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cao su giảm 40% về mức 475 tỷ đồng. Nhờ có thêm việc nhận bồi thường gần 300 tỷ đồng, Tập đoàn báo lãi quý I đạt 1.055 tỷ đồng, tăng 29%.

Nổi bật nhất trong nhóm doanh nghiệp ngành cao su, Công ty Cao su Phước Hoà (HoSE: PHR) công bố doanh thu và lợi nhuận quý I đều tăng đột biến so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 365,5 tỷ đồng, tăng 30,5% lên 365,5 tỷ đồng.

Trong quý I, nhờ nhận tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án khu công nghiệp VSIP 3 hơn 289 tỷ đồng, doanh nghiệp báo lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, gấp 11,3 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng, gấp 11,3 lần.

Năm 2022, doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh với kỳ vọng đạt hơn 2.250 tỷ đồng doanh thu và 744 tỷ lợi nhuận sau thuế công ty mẹ. Chỉ tiêu doanh thu tăng gần 16% so với năm ngoái, trong khi lợi nhuận được dự báo tăng gần 56%. Như vậy, quý I/2022 Cao su Phước Hoà đã hoàn thành 16% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tương tự, Cao su Tân Biên (UpCOM: RTB) công bố sản lượng tiêu thụ quý đầu năm 2022 đạt 5.971 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu thuần đạt 235 tỷ đồng, tăng 33%. Giá vốn tăng thấp hơn nên lợi nhuận gộp đạt 84 tỷ đồng, tăng 64%. Biên lãi gộp cải thiện từ 29% lên 35,7%.

Cùng với đó, công ty thực hiện thanh lý cây cao su giúp lợi nhuận khác tăng mạnh từ 11,5 tỷ đồng lên 39,4 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 90 tỷ đồng, gấp 2,46 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm doanh nghiệp báo lãi “đi lùi”

Chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp trong ngành công bố doanh thu quý I tăng nhưng lợi nhuận lại giảm. Trong đó phải kể đến Cao su miền Nam (HoSE: CSM) khi công ty này ghi nhận doanh thu đạt 1.229 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 26,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 44,3 tỷ đồng về 120,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 31,5%, tương ứng giảm 37,87 tỷ đồng về 82 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Dù đã tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng do tốc độ tăng giá vốn cao hơn tốc độ tăng doanh thu dẫn tới lợi nhuận sau thuế của Cao su miền Nam đạt 8,1 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ lợi nhuận lao dốc, quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm thêm 100,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 443,3 tỷ đồng. Công ty đã phải huy động dòng tiền tài chính dương 264,1 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Trong năm 2022, công ty dự kiến doanh thu 4.954 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế dự kiến 101 tỷ đồng, tăng 83% so với thực hiện trong năm 2021.

Cao su Đồng Phú (HoSE: DPR) cũng công bố sản lượng tiêu thụ quý I đạt 2.164 tấn, tăng 29,3% so với quý I/2021. Song, giá bán bình quân giảm từ 46,5 triệu đồng/tấn xuống 42,2 triệu đồng/tấn, tức giảm 9,2%. Mặt khác, doanh thu hoạt động cho thuê bất động sản ở công ty con (Công ty CP Khu công nghiệp Bắc Đồng Nai) cũng giảm.

Do vậy, doanh thu hợp nhất quý I tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước đạt 204 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 33,17% xuống 27,3%. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính đạt 46,5 tỷ đồng, giảm 14,4%. Trừ các chi phí, công ty báo lãi sau thuế giảm 9%, đạt 46,6 tỷ đồng.

Tương tự, sản lượng tiêu thụ của Cao su Bà Rịa (UpCOM: BRR) quý I đạt 1.596 tỷ đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Song, giá bán bình quân giảm 2,5% về mức 41,89 triệu đồng/tấn. Theo đó, doanh thu tăng 32% đạt 70 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 37% xuống 11 tỷ đồng do chi phí tăng cao và hụt thu từ hoạt động tài chính cùng hoạt động khác.

Cao su Tây Ninh (HoSE: TRC) cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại sụt giảm mạnh, ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Cụ thể, doanh thu thuần đạt 120,5 tỷ đồng tăng 19,5% so với cùng kỳ. Trong kỳ, công ty chỉ ghi nhận vỏn vẹn 91 triệu đồng doanh thu tài chính (cùng kỳ 2021 ghi nhận 385 triệu đồng), trong khi đó chi phí tài chính lại tăng gấp đôi lên gần 3,1 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 48% và hơn 24% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý khoản lợi nhuận khác trong quý I/2022 ghi nhận 9,4 tỷ đồng - sụt giảm chưa bằng 1/3 khoản lợi nhuận khác đạt được trong quý I/2021, chủ yếu do tài sản cố định thanh lý sụt giảm. Kết quả sau khi trừ các khoản chi phí, Cao su Tây Ninh lãi sau thuế hơn 5 tỷ đồng giảm hơn 78% so với quý 1/2021 - mức lãi thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Triển vọng tốt trong năm 2022

Theo dự báo của các chuyên gia, triển vọng nhu cầu về cao su tự nhiên của thế giới sẽ tăng lên trong thời gian tới. Việc mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế hơn đã góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng cao su trong năm 2022. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ vẫn rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.

Triển vọng dài hạn tương đối tốt khi trong vài năm tới, cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới do nguồn cung cao su đang giảm dần. Đây là cơ hội cho xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá. Ngoài ra, việc đạt được giá cả xuất khẩu cao là do chất lượng các vườn cao su trong cả nước đang được nâng lên, đạt chuẩn quy định của ngành. Nhiều vườn cao su của công ty, thậm chí vườn cao su tiểu điền của người dân, đều được thay đổi theo hướng áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hiệp hội Cao su Việt Nam đang đẩy mạnh việc cấp nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam/Việt Nam Rubber. Đây là một trong những việc làm cần thiết bên cạnh việc nâng chất lượng trồng và chế biến cao su nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu cho cao su Việt.

Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai, để tiếp tục đạt được những kết quả khả quan hơn, đơn vị kiên định thực hiện chiến lược phát triển đơn vị trên 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường. Đồng thời, Tổng công ty Cao su Đồng Nai tăng cường sử dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên vườn cây. Những năm qua, việc sử dụng cơ giới hóa được coi là yếu tố then chốt, là “chìa khóa” quyết định năng suất, chất lượng vườn cây, tiết kiệm chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động.

Đối mặt với tình trạng ngày càng khan hiếm nguồn lao động cho ngành thì cơ giới hóa sản xuất cũng là giải pháp tối ưu mà doanh nghiệp đang thực hiện. Đơn vị phối hợp với các trường đại học để đào tạo, tuyển dụng nhân sự chất lượng phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài của mình.

Hai doanh nghiệp cao su huy động thành công gần 1.200 tỷ đồng trái phiếu

Hai công ty từng mua cổ phiếu HAGL Agrico (HNG) năm 2016 vừa huy động gần 1.200 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu.

Cập nhật KQKD quý IV của nhóm doanh nghiệp cao su

Tính chung cả năm 2021, đa phần các doanh nghiệp cao su tự nhiên đều tăng trưởng lợi nhuận mạnh, trừ trường hợp của Cao ...

Doanh nghiệp ngành cao su quý II/2020: Kinh doanh kém sắc, cổ phiếu được đà tăng

Quý II/2020 khép lại cũng là lúc các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý cũng như ...

Văn Toàn

Tin cũ hơn
Xem thêm