Vì đâu cổ phiếu VKC Holdings phải rời HOSE?

Cập nhật: 10:50 | 29/03/2023 Theo dõi KTCK trên

HNX đã có thông báo về việc huỷ bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của VKC Holdings. Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/3, cổ phiếu VKC giảm sàn 100 đồng về 1.300 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 235.000 đơn vị.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo về việc huỷ bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của Công ty CP VKC Holdings (HNX: VKC). Nguyên nhân bị huỷ bắt buộc là do VKC Holdings có tổng số lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2022 và Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt đã từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính 2022 của công ty, thuộc trường hợp huỷ bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e và điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Ngày huỷ niêm yết kể từ 25/4/2023 với số lượng cổ phiếu là 20 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu VKC bị hủy
Kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trong Báo cáo kiểm toán VKC năm 2022

Kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trong Báo cáo kiểm toán năm 2022

Trong Báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (VietValues), đơn vị kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán do không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp.

Trong đó, đơn vị kiểm toán này chưa thu thập được đầy đủ thư xác nhận bằng hình thức phúc đáp trực tiếp về số dư, tính đúng đắn của số dư tại các khoản mục nợ phải thu ngắn hạn của khách hàng, phải thu dài hạn của khách hàng, trả trước cho người bán ngắn hạn, phải thu ngắn và dài khác, phải thu về cho vay dài hạn, đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, phải trả người bán ngắn hạn.

Tại cuối năm 2022, trên khoản mục dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, VKC Holdings ghi nhận hơn 68 tỷ đồng. Tuy nhiên kiểm toán không thu thập được các bằng chứng về số tiền trích lập này. Đồng thời, VietValues cũng không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để kết luận việc trích lập dự phòng của công ty có đầy đủ theo nguyên tắc "thận trọng" quy định tại chuẩn mực kế toán hay không.

VKC Holdings đang không xác định giá trị hợp lý của khoản đầu tư với số tiền 36 tỷ đồng. Kiểm toán cũng không đánh giá liệu có cần thiết để trích lập dự phòng các khoản đầu tư này hay không.

VietValues chỉ ra, khoản mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn mô tả dòng tiền chi ra từ đợt phát hành trái phiếu đúng theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường nhưng không đúng theo bản công bố thông tin (mua lại toàn bộ vốn góp thuộc sở hữu của Louis Land tại Công ty TNHH Toccoo Việt Nam) với số tiền 80,8 tỷ đồng. Kiểm toán xác định các khoản chi không đúng mục đích với số tiền gần 34,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cũng tại mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn mô tả CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã AGM – sàn HoSE) sử dụng tài sản liên quan đến khu đất tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang để đảm bảo khoản phát hành trái phiếu cho công ty. Kiểm toán nhận định tài sản này chưa được thực hiện ký 3 bên giữa Angimex và tổ chức với tư cách là bên nhận đảm bảo.

VietValues cũng nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của VKC Holdings. Tại cuối tháng 12/2022, khoản lỗ thuần lũy kế của công ty 216,9 tỷ đồng, các khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 115,93 tỷ đồng. Công ty cũng có một số khoản vay nợ ngắn hạn và nợ tiền lãi vay, trái phiếu đã quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính hơn 178 tỷ.

VKC Holdings nói gì?

Theo lý giải của VKC Holdings, Công ty đã gặp nhiều biến cố trong năm 2022. Số lỗ này chủ yếu do chi phí xử lý hàng tồn kho kiểm kê thiếu không rõ nguyên nhân, chi phí lãi vay và lãi trái phiếu, chi phí xử lý tài sản cố định không được hình thành và chi phí dự phòng phải thu khó đòi. Trong khi đó doanh thu giảm mạnh do thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Quay trở lại với Báo cáo tài chính năm 2022 (kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến), tính tới 31/12/2022, VKC Holdings đang ghi nhận lỗ lũy kế 216,9 tỷ đồng, vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Như vậy, lỗ lũy kế đã vượt vốn điều lệ.

Thêm nữa, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay của Công ty là 366,7 tỷ đồng, chiếm 90,3% tổng nguồn vốn và bằng 85,9 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, đáng chú ý có nợ trái phiếu 200 tỷ dài hạn đến hạn trả. Lô trái phiếu này đáo hạn ngày 9/6/2023, lãi suất 12%/năm.

Trước đó, ngày 9/9/2022, VKC Holdings đến hạn thanh toán lãi của lô trái phiếu VKCH2123001 cho trái chủ, Công ty đã cố gắng thu xếp tài chính để thanh toán cho trái chủ, nhưng đến ngày 29/9/2022 vẫn chưa thu xếp được tài chính và ra thông báo tạm hoãn thanh toán lãi cho trái chủ vì nhiều nguyên nhân.

VKC Holdings cho biết ngay sau khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt, các ngân hàng mà VKC Holdings đang có quan hệ tín dụng đánh giá rủi ro của lô trái phiếu VKCH2123001 là rất cao, nên các ngân hàng này đã ngưng cung cấp tín dụng cho Công ty. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Thêm nữa, nợ vay ngắn hạn là 401 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn là 285,1 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đang sử dụng 115,9 tỷ đồng nợ ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn, có dấu hiệu mất cân đối kỳ hạn.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/3, cổ phiếu VKC giảm sàn 100 đồng về 1.300 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 235.000 đơn vị.

Vì đâu cổ phiếu VKC Holdings phải rời HOSE?
Diễn biến giá cổ phiếu VKC từ đầu năm 2023 đến nay (Nguồn: TradingView)
Tự doanh bán ròng khá khiêm tốn phiên 28/3, tâm điểm tại cổ phiếu EVF và chứng chỉ quỹ

Phiên giao dịch ngày 28/3, bộ phần tự doanh công ty chứng khoán bán ròng hơn 21 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó ...

Nhận định chứng khoán ngày 29/3/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 29/3/2023. Tạp ...

Thị trường chứng khoán ngày 29/3/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Cải thiện dòng tiền, VN-Index nhích dần lên mốc 1.060; Thibidi muốn hủy niêm yết toàn bộ cổ phiếu THI; PVMachino thoái vốn khỏi Nippon ...

Nguyên Nam