Vì đam mê, nông dân Quảng Ngãi nuôi thứ "trăm tuổi vẫn sống thọ", giờ bất ngờ cầm tay hàng tỷ đồng mỗi năm
Từ mô hình nhỏ lẻ, nhiều nông dân Quảng Ngãi đang thành công với nghề đặc biệt này, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nghề sinh vật cảnh: Khi đam mê nở hoa thành kinh tế
Từ niềm đam mê cây cảnh, nhiều nông dân tại TP. Quảng Ngãi đã chuyển mình thành những người sản xuất – kinh doanh sinh vật cảnh chuyên nghiệp, với thu nhập cao và đóng góp tích cực cho nền nông nghiệp đô thị. Một trong những gương mặt điển hình là ông Trần Triệu Vũ (47 tuổi, phường Nguyễn Nghiêm), người đã dày công sưu tầm hàng chục cây cảnh nghệ thuật, trong đó có nhiều cây cổ thụ trăm năm tuổi. Bình quân mỗi năm, nghề cây cảnh mang về cho ông khoảng 2 tỷ đồng doanh thu, với mỗi sản phẩm có giá từ 200 triệu đồng trở lên.

Không chỉ ông Vũ, nghệ nhân Huỳnh Thái Thuận (phường Nghĩa Chánh) cũng là tên tuổi quen thuộc trong giới sinh vật cảnh Quảng Ngãi. Với 24 năm gắn bó nghề, ông sở hữu hệ thống vườn ươm rộng tới 15.000m², trưng bày hơn 500 loại cây xanh đô thị và cây cảnh trang trí. Mô hình kết hợp sản xuất – kinh doanh trực tiếp không qua trung gian đã giúp ông tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và chủ động đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Đặc biệt, nghệ nhân Nguyễn Phương Uyên (phường Trần Phú) lại lựa chọn hướng đi độc đáo hơn: biến những mảnh gốm vỡ thành chậu trồng cây cảnh mang đậm tính nghệ thuật. Với không gian sân thượng chỉ 100m², ông Uyên vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất, tạo dựng thương hiệu cá nhân và thường xuyên góp mặt tại các triển lãm sinh vật cảnh.
Gắn kết cộng đồng – mở rộng thị trường
Từ mô hình đơn lẻ, nghề sinh vật cảnh tại TP. Quảng Ngãi hiện đang phát triển theo hướng liên kết tổ, nhóm, câu lạc bộ. Câu lạc bộ Cây cảnh nghệ thuật Thiên Bút được thành lập vào tháng 8/2024 với 40 thành viên ban đầu, đến nay đã tăng lên 62. Hầu hết đều là chủ nhà vườn quy mô lớn, mỗi vườn có giá trị thương mại từ 500 triệu đến hàng chục tỷ đồng.

Các thành viên không chỉ chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây, mà còn hợp tác trong việc cung cấp giống, nguyên liệu và cùng tham gia triển lãm để quảng bá sản phẩm. Mô hình kết nối này giúp tăng sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững.
Câu lạc bộ Sinh vật cảnh xã Tịnh Long cũng là nơi quy tụ các nghệ nhân địa phương, duy trì hoạt động triển lãm thường niên trong 5 năm qua. Qua đó, tạo cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường, đồng thời hình thành mạng lưới phân phối hiệu quả hơn cho các nhà vườn.
Nông dân cần hỗ trợ để phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ
Dù tiềm năng lớn, nghề sinh vật cảnh ở Quảng Ngãi vẫn đối mặt với bài toán về nguồn nguyên liệu. Nhiều cơ sở sản xuất, dù có vườn ươm riêng, cũng chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thị trường và buộc phải nhập cây từ tỉnh ngoài. Trong khi đó, những loại cây như chuỗi ngọc, cau, hoa trang dễ trồng và phù hợp cảnh quan công trình vẫn chưa được tổ chức sản xuất quy mô tại địa phương.
Một chủ nhà vườn nhận định: "Nông dân Quảng Ngãi có đất, có tay nghề, chỉ cần được định hướng và hỗ trợ từ chính quyền, thì hoàn toàn có thể chủ động nguồn cây cảnh, giảm chi phí nhập hàng và gia tăng giá trị tại chỗ."
Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi, ông Nguyễn Lâm, cho biết: toàn tỉnh hiện có hơn 600 nhà vườn sinh vật cảnh, trong đó TP.Quảng Ngãi chiếm hơn 60 vườn lớn. Sinh vật cảnh đang phát triển theo chiều sâu, đóng vai trò là ngành kinh tế phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị và sẽ được địa phương tiếp tục hỗ trợ trong thời gian tới.