VEFAC muốn tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án

Cập nhật: 09:23 | 18/04/2022 Theo dõi KTCK trên

CTCP Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC – UPCoM - Mã:VEF) vừa công bố tờ trình ĐHĐCĐ về phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để bổ sung vốn kinh doanh, nhằm đáp ứng các yêu cầu đối với nguồn vốn chủ sở hữu và đảm bảo đủ năng lực tài chính triển khai thực hiện các dự án.

Cụ thể, VEFAC sẽ phát hành thêm 852.997.376 cổ phiếu với tỷ lệ 1:5,12 (nghĩa là cổ đông sở hữu một cổ phiếu VEF tại ngày chốt danh sách sẽ được hưởng một quyền mua, và cứ một quyền mua sẽ được mua 5,12 cổ phiếu phát hành thêm), với giá 10.000 đồng/cp.

Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ của VEFAC dự kiến sẽ tăng từ 1.666 tỷ đồng lên 10.196 tỷ đồng.

Về phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành, VEFAC sẽ sử dụng 8.443 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án: dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, xã Đông Hội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội (6.975 tỷ đồng) và dự án trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia (1.467 tỷ đồng).

Thời gian thực hiện dự kiến trong vòng một năm kể từ ngày ban hành Nghị quyết ĐHĐCĐ và được Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận.

Trước đó, vào tháng 3/2021, VEFAC cũng đã muốn tăng vốn điều lệ lên hơn 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do kế hoạch tài chính của công ty có thay đổi, đồng thời để đáp ứng tỷ lệ vốn chủ sở hữu thực hiện dự án theo quy định, tháng 4/2022, doanh nghiệp đã thay đổi kế hoạch và đưa ra phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 10.000 tỷ đồng.

1250-picture171-1650182571-1761-1650182987
Phối cảnh Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia tại Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Vinhomes.

CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam tiền thân là khu triển lãm Giảng Võ, thành lập năm 1974 với nhiệm vụ là tổ chức triển lãm thành tựu kinh tế – kỹ thuật của đất nước, các sự kiện văn hóa, xã hội của thủ đô Hà Nội và các Bộ, ngành Trung ương.

Năm 2015, Công ty TNHH MTV Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam hoàn tất cổ phần hoá với vốn điều lệ là 1.666 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của VEFAC bao gồm Tập đoàn Vingroup (HoSE:VIC) (83,32%), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (10%), CTCP Phát triển Thành Phố Xanh (4,66%).

Hiện tại, VEFAC đang là chủ đầu tư của 4 dự án lớn, trong đó phải kể đến dự án khu đô thị mới Đông Anh (Vinhomes Cổ Loa) tại các xã Xuân Canh, xã Đông Hội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Tổng mức đâu tư dự kiến khoảng 34.879 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ đầu tư là 15%, còn lại là vốn vay, huy động khác. Dự án dự kiến sẽ dược thực hiện từ năm 2020 đến năm 2025.

Dự án thứ hai là trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia tại xã Đông Hội, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.336,24 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 15%, còn lại là vốn vay, huy động khác. Dự án dự kiến sẽ được khởi công từ quý IV/2020 và hoàn thành vào quý III/2024.

Dự án thứ ba là tổ hợp trung tâm dịch vụ thương mại và nhà ở Vinhomes Gallery tại số 148 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 17.439,81 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu từ là 20%, còn lại là vốn vay, vốn huy động khác.

Dự án thứ tư là khu chức năng đô thị Nam Đại Lộ Thăng Long tại phường Mễ Trì, phường Trung Văn, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 19.089,55 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 15%, còn lại là vốn vay và vốn huy động khác.

Về kết quả kinh doanh, năm 2021, doanh thu thuần VEFAC đạt 6,2 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2020. Doanh thu tài chính đạt 403 tỷ đồng, tăng mạnh 120%. Lợi nhuận sau thuế VEFAC tăng trưởng hơn 135% lên mức 328 tỷ đồng. EPS đạt 1.970 đồng.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 15/4, giá cổ phiếu VEF ở mức 213.000 đồng/cp, tương đương vốn hoá 36.700 tỷ đồng. Cổ phiếu VEF thường thuộc top những cổ phiếu có thị giá cao nhất. Trong năm 2021, VEF từng có thời điểm vượt ngưỡng 270.000 đồng/cp.

1920-vef
Diễn biến giá cổ phiếu VEF trong thời gian gần đây. (Nguồn: Tradingview).

Quỳnh Nga