Báo cáo - Phân tích

VDSC: Tháng 5 là giai đoạn nhạy cảm, NĐT cần chiến lược phòng thủ rõ ràng

Anh Vũ 09/05/2025 09:32

VDSC nhận định thị trường chứng khoán tháng 5/2025 bước vào giai đoạn nhạy cảm do rủi ro thuế quan Mỹ – Việt. Dù lợi nhuận quý II dự báo tăng 14%, VDSC khuyến nghị chiến lược phòng thủ, ưu tiên cổ phiếu ít chịu ảnh hưởng từ vĩ mô.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng tháng 5/2025, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn nhạy cảm khi nhà đầu tư đối mặt với nhiều bất định mới, đặc biệt là ảnh hưởng tiềm tàng từ chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ. Những câu hỏi xoay quanh việc Việt Nam sẽ đạt được thỏa thuận thuế quan như thế nào trong quá trình đàm phán đang khiến tâm lý thị trường thận trọng và giằng co, ít nhất cho đến khi có thông tin chính thức được công bố.

Là một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ và nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam đứng trước thách thức lớn nếu môi trường thương mại toàn cầu chịu thêm cú sốc từ thuế quan. Điều này có thể tác động không chỉ đến thương mại, mà còn lan sang đầu tư, tiêu dùng, và cả định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong nửa sau của năm.

chungkhoan (42)
Tháng 5, VN-Index được kỳ vọng dao động trong vùng 1.037 – 1.379 điểm với P/E hợp lý

VDSC cho rằng, nếu mức thuế quan được thực thi ở cấp độ cao, cán cân thương mại có thể nhanh chóng đảo chiều, làm gia tăng áp lực tỷ giá và thu hẹp không gian chính sách tiền tệ nới lỏng vốn đang là động lực quan trọng thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, VDSC cũng chỉ ra một số điểm sáng hỗ trợ thị trường. Việc đưa hệ thống giao dịch KRX vào vận hành từ đầu tháng 5 là một bước tiến lớn trong cải thiện chất lượng hạ tầng thị trường. Hệ thống này không chỉ giúp gia tăng năng lực xử lý và độ an toàn cho thị trường mà còn là yếu tố then chốt đáp ứng tiêu chí nâng hạng lên thị trường mới nổi, một trong những mục tiêu chiến lược của Việt Nam trong năm 2025.

Về hoạt động doanh nghiệp, VDSC cho rằng tác động của yếu tố thuế quan đến lợi nhuận năm nay vẫn còn hạn chế. Ước tính trong quý II/2025, lợi nhuận toàn thị trường sẽ tăng 14% so với cùng kỳ. Nhóm bất động sản sẽ là động lực tăng trưởng chính nhờ nền so sánh thấp. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng và phi tài chính có thể giảm tốc do biên lãi ròng (NIM) suy giảm và niềm tin tiêu dùng yếu đi.

Theo dự báo, lũy kế EPS 4 quý gần nhất tính đến quý I/2025 đạt khoảng 103,7 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 18,5% so với cùng kỳ. VDSC cho rằng, với các yếu tố vĩ mô hiện tại, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong vùng P/E 10,0x – 13,3x, tương ứng biên độ 1.037 – 1.379 điểm.

Đánh giá về mặt định giá, mức P/E hiện tại được cho là hợp lý để tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu dài hạn. Tuy nhiên, VDSC nhấn mạnh, chiến lược phân bổ phòng thủ vẫn nên được ưu tiên trong giai đoạn hiện tại. Nhà đầu tư cần thận trọng hơn trong việc lựa chọn cổ phiếu, ưu tiên các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh ổn định và ít chịu ảnh hưởng từ yếu tố thuế quan.

Với mục tiêu vừa phòng thủ vừa tìm kiếm cơ hội, danh mục chiến lược của VDSC cho tháng 5 có sự điều chỉnh đáng chú ý: Loại bỏ VIB và VNM, thay vào đó là sự góp mặt của MBB – ngân hàng có nền tảng vốn vững chắc và hiệu quả sinh lời tốt, cùng SAB – doanh nghiệp đầu ngành với lịch sử chi trả cổ tức ổn định và ít phụ thuộc vào yếu tố chu kỳ.

Trong bối cảnh thị trường có thể biến động mạnh theo các thông tin đàm phán thương mại, VDSC cũng khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc các công cụ phái sinh như hợp đồng tương lai để phòng ngừa rủi ro, đồng thời tranh thủ tăng tỷ trọng khi thị trường điều chỉnh về các vùng hỗ trợ mạnh.

      Nổi bật
          Mới nhất
          VDSC: Tháng 5 là giai đoạn nhạy cảm, NĐT cần chiến lược phòng thủ rõ ràng
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO