VCSC: VN-Index có tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2021

Cập nhật: 11:11 | 08/09/2022 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa đưa ra báo cáo tổng kết thị trường trong tháng 8/2022. Sau quãng thời gian “ảm đạm” nửa đầu năm, VN-Index đã tích cực trở lại, tăng trưởng ở hầu hết các nhóm ngành, chỉ số, giá trị giao dịch…

Chỉ số VN-Index (VNI) đạt mức cao nhất trong 11 tuần. Duy trì xu hướng tăng từ cuối tháng 7, chỉ số VNI đã chạm mốc 1.295 điểm - mức cao nhất trong 11 tuần vào ngày 26/8 (mức cao nhất trong phiên giao dịch). Áp lực chốt lời gia tăng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tái khẳng định quan điểm cứng rắn nhằm kiềm chế lạm phát đã khiến thị trường quay đầu giảm. Dù vậy, chỉ số VNI đã lấy lại đà tăng và khép lại tháng 8 ở mức 1.281 điểm (tăng 6,1% MoM), mức tăng theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 10/2021. Tính từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã giảm 14,5%, có diễn biến kém tích cực hơn các thị trường lân cận như JCI của Indonesia (+ 9,1%), SET của Thái Lan (-1,1%) và PCOMP của Philippines (-7,6%).

Chỉ số thị trường chứng khoán VN tăng trở lại trong tháng 8

Chỉ số thị trường chứng khoán VN tăng trở lại trong tháng 8 (Nguồn: Báo cáo VCSC)

Hầu hết các nhóm ngành đều tăng, ngoại trừ ngành Y tế. Ngành tiêu dùng không thiết yếu (+12,3%) có diễn biến tích cực nhất dẫn dắt bởi MWG (+21,3%) và FRT (+26,4%). Nhóm Chứng khoán/Đầu tư (+11,8%) xếp thứ hai, với sự đóng góp chính của SSI (+12,4%), VND (+13,6%) và VCI (+19,1%). Trong khi đó, PVD (+ 35,1%) và PVS (+ 20,9%) đã giúp ngành Năng lượng tăng 9,5% trong tháng 8. Ngược lại, ngành Y tế giảm 2,1% chủ yếu do TNH (-12%) và IMP (-5,4%) giảm mạnh.

Biến động giá cổ phiếu theo nhóm ngành trong tháng 8 (Ảnh: Báo cáo VCSC)
Biến động giá cổ phiếu theo nhóm ngành trong tháng 8 (Ảnh: Báo cáo VCSC)

Giá trị giao dịch tăng trở lại mức cao nhất trong 4 tháng. Giá trị giao dịch trung bình (GTGD TB) trên tổng cả 3 sàn đã tăng 35,6% MoM đạt 792 triệu USD/ngày với GTGD TB của HSX tăng 35,3% MoM, đạt 673 triệu USD/ngày - mức cao nhất trong 4 tháng qua. Tính chung 8 tháng 2022, GTGD TB trên tổng cả 3 sàn giảm 2,3% YoY xuống 899 triệu USD trong khi GTGD TB trên sàn HSX không đổi so với cùng kỳ.

Khối ngoại mua ròng trở lại trong tháng 8. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 42,7 triệu USD trong tháng 8 trên tổng cả 3 sàn, trong đó mua ròng 47,1 triệu USD trên sàn HSX. Các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất bao gồm SSI (+27,6 triệu USD), PVD (+20,2 triệu USD) và HDB (+19,4 triệu USD). Ngược lại, các mã FUEVFVND (-32,9 triệu USD), KBC (-21,2 triệu USD) và DGC (-15,9 triệu USD) bị bán ròng mạnh nhất. Trong 8T 2022, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 160 triệu USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam (mua ròng 104 triệu USD trên sàn HSX), 5,2 tỷ USD trên SET của Thái Lan và 4,6 tỷ USD trên JCI của Indonesia; tuy nhiên, khối này đã bán ròng 1,0 tỷ USD trên sàn PCOMP của Philippines.

Thanh khoản tăng, khối ngoại mua ròng trở lại (Ảnh: Báo cáo VCSC)
Thanh khoản tăng, khối ngoại mua ròng trở lại (Nguồn: Báo cáo VCSC)

Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 7,5% cho năm 2022 và 6,7% cho năm 2023 so với dự báo 5,8% và 6,5% tương ứng đưa ra trong tháng 6/2022. Diễn biến này được hỗ trợ bởi đà phục hồi tích cực của lĩnh vực Dịch vụ. Tuy nhiên, WB lưu ý rằng triển vọng tăng trưởng sẽ tiếp tục đối mặt với rủi ro ngày càng cao do tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu.

Số liệu kinh tế - xã hội trong tháng 8/2022 cho thấy đà phục hồi ổn định với lạm phát được kiểm soát. Trong tháng 8, chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) (+15,6% YoY) và tổng doanh thu bán lẻ (+50,2% YoY) tăng trưởng ổn định trong khi lạm phát vẫn được kiểm soát với CPI bình quân chỉ ở mức 2,58% trong 8 tháng 2022.

Triển vọng: Fed có thể thông báo tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 20-21/9, nhưng VCSC cho rằng diễn biễn này đã được thị trường phản ánh. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại có thể gây ra một số thách thức cho hoạt động thương mại của Việt Nam trong những tháng tới. Tính đến cuối tháng 8, P/E trượt của VN-Index đạt 13,7 lần, thấp hơn so với JCI của Indonesia là 15,9 lần, SET của Thái Lan là 16,7 lần và PCOMP của Philippines là 17,0 lần.

Các chỉ số chính trong nhóm ASEAN - Các dữ liệu và định giá chính
Các chỉ số chính trong nhóm ASEAN tính đến cuối T8/2022 (Ảnh: Báo cáo VCSC)

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Nguyễn Tâm