Vàng SJC điều chỉnh tăng không quá 100.000 đồng/lượng

Cập nhật: 09:42 | 29/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Ghi nhận vào lúc 9h20 ngày 29/6, giá vàng trong nước tăng giảm trái chiều, tăng giảm không quá 100.000 đồng/lượng tại các hệ thống trên cửa hàng. Trên thị trường thế giới, giá vàng tiếp tục giảm và mất mốc 1.820 USD/ounce.

Giá vàng hôm nay 28/6/2022: Thị trường lao dốc không phanh

Vàng trong nước "rớt" giá theo thị trường thế giới

Giá vàng hôm nay 29/6/2022: Chịu nhiều áp lực, vàng vẫn ở ngưỡng an toàn

Cụ thể, tại Tập đoàn Doji, vàng SJC được điều chỉnh tăng thêm 50.000 đồng/lượng cho cả hai chiều giao dịch. Trong khi đó, giá mua và giá bán tại hệ thống PNJ giảm 100.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm khảo sát, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và doanh nghiệp Phú Quý cùng niêm yết giá vàng SJC đứng yên cho cả hai chiều mua và bán. Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 68,05 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 68,77 triệu đồng/lượng.

Các loại vàng nữ trang khác giảm trong sáng nay. Cụ thể, giá vàng 24K giảm 100.000 đồng/lượng, vàng tây 18k giảm 70.000 đồng/lượng và vàng 14K giảm 60.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua - bán.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giá vàng giảm và dao động trong quãng hẹp trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (29/6), vì triển vọng lãi suất cao hơn thách thức sức hấp dẫn của kim loại quý trong khi rủi ro suy thoái thúc đẩy vàng.

Trong phiên giao dịch sáng ngày 29/6, giá vàng giao ngay giảm thêm 0,08% xuống 1.818,8 USD/ounce vào lúc 6h42 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 8 cũng giảm 0,08% xuống 1.819,75 USD.

Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của RJO Futures cho biết vàng đang mắc kẹt trong phạm vi hẹp và sẽ tiếp tục dao động ở một phạm vi trong thời gian tới. "Thị trường sẽ chỉ bứt phá thành một hướng sau khi nhận được thêm dữ liệu kinh tế và thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)", ông Haberkorn nói thêm.

Phát biểu tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Bồ Đào Nha, Chủ tịch Christine Lagarde cho biết ngân hàng sẽ hành động từ từ nhưng dứt khoát để đạt được bất kỳ sự suy giảm nào về lạm phát trong trung hạn.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng sẽ có bài phát biểu vào thứ Tư (29/6).

Vàng đã gần như không đổi bất chấp sự tăng giá của đồng USD, yếu tố thường làm giảm sức hút của vàng đối với người mua ở nước ngoài. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Matt Simpson của City Index cho hay vàng vẫn là thị trường của các nhà giao dịch - dễ dàng giảm và thay đổi nhanh chóng khi có ít tin tức.

Trên trang web chính thức, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã ban hành một đợt trừng phạt mới liên quan đến Nga nhằm cấm nhập khẩu vàng của quốc gia này.

Trên các thị trường kim loại khác, giá bạc giao ngay giảm 1,5% xuống 20,82 USD/ounce, theo Reuters. Giá bạch kim ổn định ở mức 907,99 USD trong khi giá palladium tăng 0,3% lên 1.875,71 USD.

Khi vàng Nga trở thành mục tiêu trừng phạt tiếp theo

Đầu tuần này, hành động theo cam kết của Nhóm G7 nhằm tăng cường trừng phạt Nga do chiến dịch quân sự tại Ukraine, hơn 100 mục tiêu tiếp theo và vàng Nga, đã bị áp đặt dưới các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ. Trong đó, lệnh cấm nhập khẩu vàng có xuất xứ từ Nga, ngoại trừ vàng ở bên ngoài nước Nga đã được thực thi. Nga sản xuất khoảng 10% lượng vàng được khai thác trên toàn cầu mỗi năm và đây là hoạt động xuất khẩu phi năng lượng lớn nhất của nước này. Vàng là một tài sản quan trọng đối với ngân hàng trung ương Nga, biện pháp này được cho sẽ có ảnh hưởng toàn cầu, khiến vàng Nga không thể được giao dịch trên thị trường quốc tế chính thức và tạo ra tác động to lớn đối với khả năng huy động ngân sách của Nga.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đến nay đã khiến vàng từ Nga - nước khai mỏ vàng lớn thứ nhì thế giới - về cơ bản bị "cấm cửa" tại châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, động thái mới nhất từ G7 sẽ đánh dấu sự cắt đứt hoàn toàn giữa Nga với hai trung tâm giao dịch vàng lớn nhất thế giới là London và New York. London vốn là một trong những điểm đến quan trọng nhất của vàng Nga. Trong năm ngoái, vàng Nga chiếm 28% tổng nhập khẩu vàng của Anh và mang về cho Nga kim ngạch 15 tỷ USD – theo dữ liệu từ UN Comtrade.

Tuy nhiên, khác với dự đoán, sau lệnh này, giá vàng thế giới có tăng nhưng khá dè dặt... Nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda cho rằng, 1.800 USD/ounce là mốc giá vàng cần theo dõi trong tuần này. "Vàng đang trượt khỏi một số mốc kỹ thuật chủ chốt. Tôi nghĩ giá vàng cần phải giữ được mốc 1.800 USD/ounce" để bán tháo không xảy ra. Giá vàng đã tích luỹ thời gian gần đây và không thể bứt phá vì đồng USD tăng giá" ông Moya nói.

Còn theo chuyên gia Everett Millman của Gainesville Coins, để bứt phá, giá vàng cần vượt mốc 1.850 USD/ounce, tiếp đến là 1.900 USD/ounce. Ông cũng tin rằng, nếu suy thoái xảy ra, giá vàng có thể vượt 1.900 USD/ounce một cách nhanh chóng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Linh Linh