"Vàng đen" trở lại: Giá nông sản này tăng cao nhất 9 năm, nông dân Tây Nguyên trúng lớn
Đang là chính vụ hồ tiêu tại Đắk Lắk – nơi được mệnh danh là “vương quốc vàng đen” của Tây Nguyên. Những trụ tiêu cao vút, nặng trĩu hạt đỏ xen lẫn xanh đung đưa dưới nắng cháy, báo hiệu một mùa thu hoạch đầy hy vọng trong bối cảnh giá tiêu tăng cao nhất từ năm 2016 đến nay.
![]() | Giá rớt thảm, nhưng loại hạt nông sản này của Việt Nam vẫn được thế giới săn lùng |
![]() | Loại nông sản từng "hái ra tiền", giờ rớt thảm: Nông dân khóc ròng vì mất giá kỷ lục |
Giữa cái nắng hanh hao của mùa khô cao nguyên, những rẫy tiêu ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đang rộn ràng bước vào vụ thu hoạch. Dưới những trụ tiêu cao 6 - 7m, người nông dân bắt đầu ngày mới bằng việc trải bạt, dựng thang, rồi leo vắt vẻo trên cây hàng giờ để hái từng chùm hạt tiêu chín đỏ.

Chị Cao Thị Thu, một hộ trồng tiêu lâu năm tại xã Ea Tiêu, chia sẻ: "Hái tiêu cực lắm, nhiều khi đứng thang suốt buổi sáng, nắng gắt, người cũng rã rời. Nhiều khi còn té thang, trầy xước tay chân là chuyện thường." Cũng theo chị Thu, việc thu hoạch tiêu đòi hỏi nhiều nhân công, nhưng lại khó thuê người do tính chất công việc vất vả và nguy hiểm.
Thế nên, mức công nhật của nghề hái tiêu cao hơn nhiều loại nông sản khác – dao động từ 260.000 đến 300.000 đồng/ngày. “Ai chịu khó, không sợ độ cao thì mùa thu hoạch này cũng kiếm được kha khá,” anh Trần Nhân Hải – người hái tiêu thuê tại xã Quảng Hiệp – nói.
Không chỉ được mùa, năm nay giá hồ tiêu cũng tăng đột biến, đem lại hy vọng lớn cho người trồng. Theo chị Nguyễn Thị Lan (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), giá tiêu hiện tại đã lên tới 160.000 đồng/kg – mức cao nhất kể từ năm 2016. “Năm đó, giá tiêu từng chạm mốc hơn 200.000 đồng/kg. Nhưng sau đó rớt thảm, có thời điểm chưa tới 50.000 đồng/kg. Nhà nào không có nguồn thu khác thì chỉ có bỏ vườn,” chị Lan kể.
Gia đình chị Lan may mắn vẫn duy trì được vườn tiêu xen cà phê. Nhờ sự phục hồi của thị trường hồ tiêu, năm nay cả gia đình có thể yên tâm tái đầu tư chăm sóc vườn, sau nhiều năm cầm chừng.
Tuy nhiên, giá tăng không đồng nghĩa với việc mở rộng diện tích ồ ạt. Theo ông Nguyễn Cảnh Danh – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cư Kuin, chính quyền khuyến cáo bà con chỉ nên tái canh diện tích hiện có theo hướng hữu cơ, bền vững, tránh lặp lại bài học “vỡ trận” những năm 2018 – 2020.
Đắk Lắk – “Thủ phủ” hồ tiêu của Việt Nam
Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 32.800 ha trồng hồ tiêu, trong đó huyện Cư Kuin dẫn đầu với hơn 4.700 ha tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh. Với năng suất bình quân đạt trên 3,2 tấn/ha và sản lượng mỗi năm vượt 15.000 tấn, khu vực này được ví như “trái tim” của ngành hồ tiêu Việt Nam.
Trong bối cảnh giá tiêu toàn cầu đang biến động theo hướng có lợi, ngành hồ tiêu Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng được đánh giá là có nhiều tiềm năng bứt phá, nhất là khi hướng đến thị trường xuất khẩu chất lượng cao, sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
“Chúng tôi đang phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu để xây dựng chuỗi giá trị hồ tiêu bền vững. Từ việc liên kết người trồng với doanh nghiệp, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đến chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn,” ông Danh cho biết thêm.

Người ta vẫn gọi hồ tiêu là “vàng đen” vì giá trị kinh tế cao và khả năng đem lại lợi nhuận lớn. Nhưng để giữ được vườn tiêu khỏe mạnh, năng suất cao, người trồng phải đối mặt với không ít rủi ro như sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt, thiếu nhân công, và giá cả bấp bênh.
Để cây tiêu tiếp tục “đẻ ra vàng”, người nông dân Đắk Lắk đang dần chuyển mình. Họ học cách sử dụng chế phẩm sinh học thay vì thuốc hóa học, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, và liên kết với hợp tác xã để tránh phụ thuộc vào thương lái ép giá.
Đây chính là hướng đi cần thiết giúp ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển ổn định, bền vững và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong tương lai gần.
Đắk Lắk đang vào mùa thu hoạch hồ tiêu trong tâm thế khác biệt – vừa mừng vì giá tăng, vừa cẩn trọng sau nhiều bài học quá khứ. Khi nghề trồng tiêu đang dần "chuyển mình" theo hướng bền vững, sự trân trọng của người tiêu dùng và định hướng đúng đắn của ngành nông nghiệp sẽ là yếu tố quan trọng để “vàng đen” tiếp tục giữ vị thế là một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Hạ Vy