Vận động bầu cử giúp tạo sợi dây gắn kết với cử tri

Cập nhật: 13:39 | 04/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Hiện cuộc bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 bắt đầu bước vào giai đoạn các ứng cử viên tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Đây là bước rất quan trọng để cử tri đánh giá thực chất năng lực, trình độ cũng như sự gắn kết với Nhân dân của mỗi ứng cử viên, từ đó quyết định lựa chọn, bỏ phiếu để người nào trở thành ĐB dân cử.

Cơ hội hiểu rõ hơn người ứng c

Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử ĐB Quốc hội, ĐB HĐND báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm ĐB nếu được bầu và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử. Trên cơ sở đó, cử tri cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm ĐB Quốc hội, ĐB HĐND. Có thể nói, các hoạt động tiếp xúc cử tri lần này của các ứng cử viên thực sự là đợt sát hạch cuối cùng để cử tri, Nhân dân gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng qua những lá phiếu bầu trong ngày bầu cử 23/5 tới.

3733-van-dong-bau-cu
Cử tri xem niêm yết danh sách tại phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Hải Linh

Theo quy định, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử ĐB Quốc hội, HĐND cấp tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử ĐB HĐND cấp mình. UBND các cấp có trách nhiệm phối hợp trong việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương… trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tạo điều kiện cho người ứng cử tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.

Tại các hội nghị này, ngoài báo cáo tóm tắt của người ứng cử, từng ứng cử viên sẽ báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu; cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm. Theo quy định về số cuộc tiếp xúc cử tri, đối với người ứng cử ĐB Quốc hội có ít nhất là 10 cuộc; đối với người ứng cử ĐB cấp tỉnh ít nhất là 5 cuộc; đối với người ứng cử ĐB HĐND cấp huyện, cấp xã ít nhất là 3 cuộc.

Đặt mình vào vị trí của cử tri

Theo kinh nghiệm của nhiều ĐB dân cử, để có bài thuyết trình phù hợp, có độ tin cậy cao trước cử tri, ứng cử viên cần nghiên cứu trước các nhiệm vụ ĐB Quốc hội, HĐND các cấp phải thực hiện sau khi trúng cử, đối chiếu với vị trí việc làm chuyên môn hiện tại để xây dựng chương trình hành động phù hợp. Đặc biệt, ứng cử viên phải dành thời gian tìm hiểu các thông tin về địa phương nơi mình ứng cử, nhất là tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức, những vấn đề nổi cộm trong Nhân dân (nếu có)… và nếu trúng cử thì mình có thể sẽ làm gì để góp phần giải quyết những vấn đề đó. Cần có những lời hứa, kiến nghị phù hợp, thể hiện tâm huyết trách nhiệm với cử tri nơi mình ứng cử.

Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, chương trình hành động là một dạng lời hứa, một sự cam kết có tính chất cá nhân. Cam kết, lời hứa này chỉ bị ràng buộc và có khả năng thực hiện khi ứng cử viên đó trúng cử, trở thành ĐB dân cử. Vì đây là lời hứa, cam kết của cá nhân nên mỗi ứng cử viên có thể chọn các nội dung cam kết theo khả năng của mình mà không bắt buộc đồng nhất về nội dung. Tuy nhiên, nếu ứng cử viên trúng cử, cử tri và Nhân dân sẽ giám sát, đánh giá việc thực hiện lời hứa khi vận động bầu cử trong suốt quá trình hoạt động của đại biểu. Do vậy, chương trình hành động phải chứa đựng cam kết, trách nhiệm rất cao của ứng cử viên chứ không thể hứa suông, hứa rồi để đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng nhất khi xây dựng chương trình hành động, mỗi ứng cử viên phải tự đặt mình vào vị trí của cử tri ở địa bàn ứng cử. Bởi chỉ khi đặt mình vào vị trí của cử tri thì mới có thể nói đúng, nói trúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Chương trình hành động còn là định hướng hoạt động của chính ứng cử viên sau khi trở thành ĐB. Nếu trúng cử, cần thường xuyên đối chiếu hoạt động của mình với chương trình hành động đã cam kết trước cử tri, để thực hiện đúng cam kết, hoàn thành trọng trách mà cử tri đã trao cho mình.

Cử tri chính là nhân tố quyết định cuối cùng trong quá trình bầu cử, lựa chọn ra những người đại diện vào cơ quan dân cử. Ngoài việc chuẩn bị để cử tri thấy được ý nghĩa của cuộc bầu cử và tham gia tích cực, việc ứng cử viên đến được gần hơn với cử tri qua các cuộc tiếp xúc, chương trình hành động chính là một vấn đề quan trọng không kém.

Vận động bầu cử cần tuân theo hướng dẫn tại chương 5 Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND, trong đó việc xây dựng chương trình hành động là một nội dung rất quan trọng, tạo nên những sợi dây tình cảm gắn bó giữa người ứng cử và cử tri.

Nguồn kinhtedothi.vn

Tin cũ hơn
Xem thêm