Chính sách - Đầu tư

Vân Đồn có đủ sân bay, cao tốc, cảng biển – giờ chỉ chờ 'cơ chế đặc khu' để bứt phá

Nguyễn Trang 23/05/2025 15:08

Với vị trí chiến lược, hệ sinh thái biển đảo và hạ tầng đồng bộ, Vân Đồn đang được đề xuất xây dựng thí điểm thành Đặc khu kinh tế.

Từ khu kinh tế ven biển đến kỳ vọng Đặc khu kinh tế

Vân Đồn, huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh đang được kỳ vọng trở thành Đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam – một mô hình thử nghiệm cho tầm nhìn phát triển bền vững, hội nhập và đột phá. Với vị trí chiến lược, sở hữu tiềm năng thiên nhiên độc đáo, Vân Đồn hội tụ đủ điều kiện để trở thành điểm nhấn mới trong bản đồ kinh tế quốc gia.

Vân Đồn
Vân Đồn đang đứng trước cơ hội mới để phát triển toàn diện

Vân Đồn hiện là một trong 19 khu kinh tế ven biển được quy hoạch trên cả nước, nổi bật bởi sự kết nối giao thông đồng bộ giữa đường bộ (cao tốc Hạ Long – Vân Đồn), đường không (sân bay Vân Đồn), và đường biển với vùng vịnh có hơn 600 đảo đá và đảo đất lớn nhỏ. Những yếu tố này tạo ra không gian phát triển đa ngành, từ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, logistics, tài chính, cho tới nông nghiệp sạch và công nghiệp nhẹ.

Sau hơn 17 năm từ khi KKT Vân Đồn được thành lập, tốc độ phát triển vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Các ngành kinh tế chủ lực chưa tạo được sức bật đủ lớn; thiếu dự án động lực, cơ chế chính sách còn chưa nổi bật và chưa phát huy được tính tự chủ. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là thời điểm cần thiết để trao cho Vân Đồn cơ chế mới – cơ chế của một đặc khu kinh tế với chính sách thí điểm, mở đường cho phát triển đột phá.

Những bước đi chiến lược để chuyển mình

Thực hiện chỉ đạo theo văn bản số 13840-CV/VPTW ngày 17/3/2025 của Thường trực Ban Bí thư, Quảng Ninh đang gấp rút hoàn thiện Đề án cơ chế chính sách thí điểm phát triển KKT Vân Đồn với định hướng rõ ràng: tập trung gỡ các điểm nghẽn thể chế, phân quyền sâu rộng, tạo đòn bẩy chính sách và môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

bản đồ Vân Đồn
Vân Đồn có vị trí đặc biệt trên biển

Đề án đề xuất tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ cho người đứng đầu Đặc khu kinh tế Vân Đồn; đồng thời cho phép vận hành theo mô hình quản trị linh hoạt, lấy hiệu quả làm thước đo. Cùng với đó, là hàng loạt chính sách ưu đãi vượt trội về thuế, đất đai, tài chính và tiếp cận tín dụng, nhằm thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như casino, giải trí phức hợp, y tế chất lượng cao, giáo dục quốc tế và logistics đa phương thức.

Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương cho phép Vân Đồn vận dụng các mô hình đầu tư mới như PPP linh hoạt, thúc đẩy huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội. Việc số hóa thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh công bằng là một trong những tiêu chí được nhấn mạnh trong đề án.

Động lực phát triển liên vùng và quốc tế

Trở thành Đặc khu kinh tế, Vân Đồn sẽ không chỉ đóng vai trò động lực của Quảng Ninh mà còn là điểm kết nối quan trọng giữa kinh tế nội tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đồng thời là trạm trung chuyển quốc tế trong hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng.

Hướng tới mục tiêu này, Quảng Ninh đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết: từ quy hoạch không gian phát triển, hạ tầng giao thông, quy hoạch vùng nguyên liệu cho công nghiệp sạch, cho đến xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh – thông minh. Đặc biệt, khu vực ven biển và các đảo tại Vân Đồn đang được nghiên cứu trở thành trung tâm du lịch cao cấp gắn với thiên nhiên và văn hóa bản địa.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Vân Đồn có đủ sân bay, cao tốc, cảng biển – giờ chỉ chờ 'cơ chế đặc khu' để bứt phá
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO