Ứng dụng công nghệ mới, nông dân Gia Lai cầm tới tay vài tỷ đồng mỗi năm vì "gặt được vàng" từ giống trái đặc biệt này
Nhờ áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn hữu cơ, nông dân Gia Lai thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm từ cây ăn quả.
Nông dân áp dụng mô hình hữu cơ và công nghệ cao
Những năm gần đây, nông dân tỉnh Gia Lai đã có nhiều bước chuyển mình đáng ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực cây ăn quả. Từ việc canh tác theo phương pháp truyền thống, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng mạnh thu nhập.

Tại xã Ia Rong (huyện Chư Pưh), chị Phan Thị Thu là một trong những nông dân tiên phong chuyển đổi mô hình sản xuất. Trên diện tích 7 sào, chị Thu đầu tư xây dựng nhà màng trồng dưa lưới, áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ: Sử dụng phân bón hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, dùng vôi bột để ngăn vi khuẩn trong điều kiện thời tiết ẩm ướt.
Nhờ đó, sản lượng đạt tới 4 tấn/sào/vụ, mỗi năm chị canh tác 3 vụ, tổng sản lượng lên tới 84 tấn. Với giá bán dao động từ 30.000 đến 65.000 đồng/kg, chị Thu thu lãi hơn 2 tỷ đồng mỗi năm – một con số ấn tượng với bất kỳ nông dân trồng dưa lưới nào.
Tương tự, tại xã Ia Dom (huyện Đức Cơ), anh Trần Kiên Trung cũng đang gặt hái thành công nhờ trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ. Trên diện tích 10 ha, anh chỉ dùng phân bón hữu cơ và thuốc sinh học, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ. Năm 2024, anh Trung thu hoạch trên 100 tấn sầu riêng với thương hiệu “Sầu riêng Trung Thảo”, bán ra với giá 70.000 đồng/kg, lãi gần 5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sản phẩm của anh đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, có tem truy xuất nguồn gốc và đang được hoàn thiện mã số vùng trồng – yếu tố quan trọng để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ở một địa phương khác, xã Sơn Lang (huyện Kbang), chị Bùi Thị Cẩm Hồng đang canh tác 8 sào cam Vinh và 2 sào quýt hồng theo hướng thân thiện với môi trường. Chị Hồng tận dụng vỏ cà phê, trấu, phân bò, phân gà và men vi sinh để tự sản xuất phân bón hữu cơ. Đặc biệt, thay vì thuốc bảo vệ thực vật, chị sử dụng chế phẩm sinh học tự chế để phòng trừ sâu bệnh.
Nhờ cách làm này, sản lượng cam và quýt ổn định, chất lượng cao. Sản phẩm của chị Hồng đã có mặt tại nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu... Mỗi năm, gia đình chị thu hoạch trên 15 tấn cam và 2-4 tấn quýt hồng, lãi từ 200 đến 300 triệu đồng.
Hướng đi toàn tỉnh: mở rộng vùng trồng, hướng đến xuất khẩu
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có trên 33.000 ha cây ăn quả, trong đó hơn 21.470 ha được chứng nhận canh tác theo các tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ. Tỉnh cũng đã được cấp 166 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu – một điều kiện quan trọng để trái cây Gia Lai vươn ra thị trường quốc tế.
Năm 2024, sản lượng cây ăn quả toàn tỉnh đạt hơn 522.300 tấn, với nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand, Úc và Trung Quốc.
Ông Hoàng Thi Thơ – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh – cho biết: Tỉnh Gia Lai đang đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có khoảng 90.000 ha cây ăn quả. Trong giai đoạn đến năm 2025, diện tích cây ăn quả sẽ đạt khoảng 55.000 ha, chiếm hơn 61% mục tiêu đề ra.
Để đạt được kế hoạch này, tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành các vùng thâm canh quy mô lớn, gắn với chế biến sâu và xây dựng thương hiệu trái cây Gia Lai. Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và phát triển sản phẩm OCOP cũng được xác định là chìa khóa quan trọng để nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập bền vững cho nông dân địa phương.