UBCKNN: Hội thảo về công nghệ tài chính Fintech lần thứ 2

Cập nhật: 15:03 | 11/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Chương trình Hội thảo Fintech ngày 06-07/07/2022 có sự tham gia của ông Koen Duchateau, Trưởng Ban Hợp tác phái đoàn châu Âu tại Việt Nam; ông Vũ Chí Dũng - Vụ Trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN, đại diện của các đơn vị thuộc Ủy ban Châu Âu, khách mời từ Tổ chức quốc tế Đức GIZ và các cán bộ của các đơn vị Bộ Tài chính, UBCKNN, các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán,…

Ngày 06-07/07/2022, trong khuôn khổ chương trình hợp tác hỗ trợ kỹ thuật TAIEX INTPA do EU phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) triển khai thực hiện, Hội thảo về “Công nghệ Tài chính Fintech” đã được tổ chức thông qua hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

Ông Koen Duchateau, trưởng ban Hợp tác phái đoàn châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Ông Koen Duchateau, trưởng ban Hợp tác phái đoàn châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

TAIEX là công cụ hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin của EU với bề dày hơn 25 năm triển khai, hoạt động theo tinh thần Nhóm châu Âu (Team Europe), tập hợp các chuyên gia tốt nhất từ EU và các quốc gia thành viên để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Ban đầu, TAIEX được thiết kế để hỗ trợ các nước láng giềng của EU, tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, đối tượng hỗ trợ đã được mở rộng để mang lại lợi ích cho các đối tác ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhanh chóng và tích cực tận dụng những hỗ trợ của TAIEX của để nâng cao năng lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Hội thảo này là sự hợp tác lần thứ tư của TAIEX với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, và là lần thứ 2 tập trung vào nội dung liên quan đến công nghệ tài chính Fintech.

Chương trình Hội thảo Fintech ngày 06-07/07/2022 có sự tham gia của ông Koen Duchateau, trưởng ban Hợp tác phái đoàn châu Âu tại Việt Nam; Ông Vũ Chí Dũng - Vụ Trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN, và đại diện của các đơn vị thuộc Ủy ban Châu Âu, khách mời từ Tổ chức quốc tế Đức GIZ, và các cán bộ của các đơn vị Bộ Tài chính, UBCKNN, các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, Tạp chí Chứng khoán. Về diễn giả, chương trình bao gồm các các diễn giả đến từ các cơ quan quản lý của Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán châu Âu (ESMA), Ngân hàng trung ương Croatia, Uỷ ban Dịch vụ tài chính và thị trường vốn (FISMA), Ngân hàng Lithuania và Hy Lạp, Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang Đức (BAFIN). Các diễn giả đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn của họ trong việc điều chỉnh tài chính số và giải quyết những thách thức liên quan, bao gồm những thách thức liên quan đến rủi ro ICT/không gian mạng, khả năng phục hồi hoạt động và vai trò của các cơ quan giám sát.

Phát biểu tại Khai mạc chương trình, ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác phái đoàn châu Âu tại Việt Nam cho biết, ngành tài chính đang trải qua một sự chuyển đổi sâu sắc, trong đó các công nghệ kỹ thuật số đang định hình lại bối cảnh của ngành và các quy trình kinh doanh để thanh toán, cho vay, bảo hiểm và quản lý tài sản. Các bên tham gia thị trường tài chính ngày càng trở nên đa dạng hơn, bao gồm các công ty khởi nghiệp và các công ty công nghệ lớn, đang tìm cách cung cấp nhiều loại dịch vụ tài chính và ngày càng cạnh tranh với các ngân hàng và tổ chức tài chính truyền thống. Những đổi mới trong công nghệ tài chính như tiền di động, cho vay ngang hàng (P2P), tư vấn bằng robot, công nghệ bảo hiểm và tài sản tiền điện tử đã xuất hiện trên khắp thế giới. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dịch vụ đám mây và công nghệ sổ cái phân tán (DLT) đã cho phép các công ty nhanh chóng tiếp cận với khách hàng và cung cấp cho họ các dịch vụ tài chính tốt hơn.

Bảng xếp hạng Fintech toàn cầu được công bố vào năm 2021 cho thấy lĩnh vực fintech đã phát triển đáng kể trong giai đoạn 2020-2021, được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19. Số lượng kỳ lân fintech đã tăng từ 61 vào tháng 4 năm 2020 lên 108 một năm sau đó và định giá tổng hợp của các kỳ lân fintech đã tăng hơn gấp đôi lên 440 tỷ USD. Fintech hiện chiếm hơn 20% tổng giá trị kỳ lân công nghệ, so với chỉ 15% một năm trước.

Toàn cảnh hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Nhiều quốc gia thành viên EU tiếp tục giữ vị trí trong 20 quốc gia hàng đầu trong Chỉ số Fintech toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các nền kinh tế mới nổi đang bắt kịp, cụ thể là thị trường tài chính kỹ thuật số của ASEAN nói riêng đang có sự phát triển vượt bậc. Đầu tư vào các công ty fintech của khu vực đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 3,5 tỷ USD trong chín tháng đầu năm 2021, gấp ba lần số tiền huy động được trong cả năm 2020. Thị trường fintech của Việt Nam cũng đang tăng trưởng nhanh chóng, mở rộng từ mức chỉ 4,4 tỷ USD vào năm 2017 lên 12,9 tỷ USD vào năm 2021. Nguồn vốn cho fintech tại Việt Nam đạt 375 triệu USD vào năm 2021, đứng Top 3 trong ASEAN. Mặc dù điều này là đáng khích lệ, nhưng việc Việt Nam được xếp hạng 70 trong Bảng xếp hạng Fintech toàn cầu vào năm 2021, giảm 19 bậc so với mức năm 2020 có nghĩa là Việt Nam còn nhiều việc phải làm trong lĩnh vực này.

Sự bùng nổ của thị trường tài chính kỹ thuật số mang lại tiềm năng to lớn, mặt khác, nó cũng có thể làm tăng sự tập trung của thị trường và làm phát sinh một số vấn đề bao gồm bảo vệ quyền riêng tư và bảo vệ người tiêu dùng, rửa tiền và tài trợ khủng bố. Sự phát triển nhanh chóng của fintech cũng thách thức sự quản lý thông thường và thúc đẩy các cơ quan chức năng phải nắm bắt những thay đổi về công nghệ trong năng lực và sự phát triển tổ chức của mình, đồng thời điều chỉnh khuôn khổ pháp lý thích ứng với sự phát triển đó.

Thay mặt UBCKNN, ông Vũ Chí Dũng, Vụ Trưởng Vụ HTQT, cho biết EU và Việt Nam trong thời gian qua đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài, cả về quan hệ ngoại giao nói chung và hợp tác trên thị trường vốn nói riêng. Tại chương trình, các chuyên gia đã chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của châu Âu trong việc xây dựng khuôn khổ quản lý với tài sản mã hoá, các cơ chế cho stablecoin, phát triển tài chính phi tập trung, quản lý rủi ro về bảo mật, an ninh mạng cũng như các kinh nghiệm về xây dựng cơ chế thử nghiệm có quản lý (sandbox)..., các thành viên tham gia hội thảo cũng đã đặt nhiều câu hỏi từ nhiều khía cạnh khác nhau và nhận được sự hỗ trợ từ phía các chuyên gia.

Vụ Trưởng Vụ HTQT bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với các chuyên gia các nước và Ủy ban châu Âu và cho rằng, những hỗ trợ thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm từ các cơ quan đồng cấp từ nhiều quốc gia khác nhau đem lại cho UBCKNN nhiều góc nhìn và bài học để có thể vận dụng vào việc cập nhật và phát triển khung pháp lý cho thị trường chứng khoán và thực hiện các cam kết quốc tế có liên quan.

Triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức vận hành thị trường, nhà đầu tư và các tổ ...

UBCKNN: Giám sát, kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường

UBCKNN sẽ đẩy mạnh giám sát thị trường chứng khoán, kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường. Đối với giám ...

UBCKNN: Hội thảo tăng cường công bố thông tin Quản trị, Môi trường, Xã hội cho các doanh nghiệp niêm yết

Chuỗi hội thảo được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức và năng lực về tài chính bền vững và công bố thông tin theo ...

T/H từ nguồn UBCKNN