Vàng - Tỷ giá

Tỷ giá Yên Nhật 8/4: "Sóng ngầm" quốc tế, thị trường trong nước ra sao?

Ân Thiên 08/04/2025 07:41

Tỷ giá Yên Nhật trong nước duy trì ổn định ngày thứ ba liên tiếp. Trên thị trường quốc tế, USD/JPY biến động mạnh do tâm lý lo ngại toàn cầu và rủi ro chính sách thuế từ Mỹ.

Tỷ giá Yên Nhật tại các ngân hàng trong nước

Theo ghi nhận sáng ngày 8/4/2025, tỷ giá đồng Yên Nhật tại 39 ngân hàng thương mại trong nước không có bất kỳ thay đổi nào so với phiên liền trước. Đây là phiên thứ ba liên tiếp thị trường duy trì trạng thái “đi ngang”.

yen-nhat(1).png
Tỷ giá Yên Nhật trong nước không có nhiều biến động

Ở chiều mua vào, VietBank vẫn là ngân hàng có mức mua tiền mặt Yên Nhật cao nhất với 173,63 VND/JPY, trong khi VietinBank tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về mua chuyển khoản với 179,40 VND/JPY. Mức giá mua thấp nhất vẫn thuộc về PVcomBank, với 164,00 đồng cho tiền mặt và 165,00 đồng cho chuyển khoản.

Ở chiều bán ra, PVcomBank duy trì mức giá bán tiền mặt cao nhất là 185,00 VND/JPY, trong khi SCB vẫn giữ mức bán chuyển khoản cao nhất là 182,20 VND/JPY. Trong khi đó, mức bán thấp nhất vẫn ghi nhận tại Indovina (172,50 VND/JPY, tiền mặt) và OCB (174,21 VND/JPY, chuyển khoản).

Tỷ giá Yên Nhật trên thị trường quốc tế

Trên thị trường quốc tế, tỷ giá USD/JPY sáng 8/4 ghi nhận mức 147,86, tăng 0,66% so với ngày hôm trước. Tuy nhiên, trước đó, cặp tỷ giá này đã lao dốc về 144,53, mức thấp nhất trong nhiều tuần, tương đương mức giảm gần 8% so với đỉnh thiết lập hồi tháng 1.

Theo Invezz, sự suy yếu của USD/JPY là phản ứng trực tiếp trước làn sóng lo ngại về rủi ro toàn cầu leo thang. Chỉ số “Fear & Greed” của CNN Money rơi xuống mức 4 – mức thấp nhất trong nhiều năm, trong khi chỉ số biến động VIX tăng mạnh lên 38, tăng hơn 17% chỉ trong phiên đầu tuần. Điều này cho thấy tâm lý hoảng loạn đã quay lại thị trường tài chính toàn cầu, thúc đẩy dòng tiền tìm đến tài sản trú ẩn như đồng Yên Nhật.

Ngoài yếu tố tâm lý, sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng tạo áp lực lên USD/JPY. Trong khi Fed đang đối mặt với áp lực phải hạ lãi suất để ứng phó với đà suy giảm kinh tế, thì BoJ lại đang cân nhắc nâng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát trong nước.

Căng thẳng leo thang sau khi chính quyền Washington thông báo áp thuế 25% lên xe ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản và mức thuế đối ứng 24% lên toàn bộ hàng hóa Nhật. Động thái này không chỉ gây lo ngại trong lĩnh vực xuất khẩu, mà còn làm dấy lên áp lực điều chỉnh chính sách của BoJ, vốn đang đứng trước bài toán tăng trưởng và lạm phát.

Với Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật – tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 141,5 tỷ USD/năm, phần lớn là xe hơi – mức thuế cao sẽ đẩy giá xe Nhật lên và khiến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm nghiêm trọng.

Về kỹ thuật, tỷ giá USD/JPY đã xuyên thủng mốc hỗ trợ quan trọng 146,60, đánh dấu bằng việc hình thành mô hình “death cross” – khi đường trung bình động 50 ngày cắt xuống dưới đường 200 ngày. Đây là tín hiệu mạnh cho thấy xu hướng giảm có thể tiếp diễn.

Nếu áp lực bán vẫn duy trì, nhiều chuyên gia dự báo USD/JPY sẽ tiếp tục lùi về vùng hỗ trợ kỹ thuật tại 140, mức đáy từng được xác lập vào tháng 9/2024. Nếu vùng này bị xuyên thủng, một chu kỳ giảm giá mới có thể hình thành cho cặp tỷ giá USD/JPY trong thời gian tới.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Tỷ giá Yên Nhật 8/4: "Sóng ngầm" quốc tế, thị trường trong nước ra sao?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO