Tỷ giá USD ngày 5/1/2025: Đồng bạc xanh chững lại nhưng giữ vững sức hấp dẫn
Ngày 5/1/2025, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước tiếp tục duy trì sự ổn định với biên độ dao động hẹp. Trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt giảm nhẹ sau khi đạt đỉnh 2 năm, nhưng đồng USD vẫn giữ vị thế mạnh nhờ lợi suất trái phiếu cao và triển vọng kinh tế Mỹ tích cực.
Diễn biến tỷ giá USD trong nước
Tỷ giá mua vào USD
Tỷ giá mua vào USD hôm nay dao động từ 24.390 đồng/USD đến 25.559 đồng/USD, cụ thể:
- Ngân hàng TPBank niêm yết mức mua tiền mặt thấp nhất, ở mức 24.390 đồng/USD.
- Ngân hàng TPBank cũng là đơn vị niêm yết mức mua chuyển khoản thấp nhất, ở mức 24.430 đồng/USD.
- Ngân hàng HSBC dẫn đầu về mức mua tiền mặt cao nhất, đạt 25.342 đồng/USD.
- Ngân hàng VietinBank ghi nhận mức mua chuyển khoản cao nhất, đạt 25.559 đồng/USD.
Tỷ giá bán ra USD
Ở chiều bán ra, tỷ giá dao động từ 24.870 đồng/USD đến 25.551 đồng/USD:
- Ngân hàng TPBank tiếp tục giữ mức bán tiền mặt thấp nhất, ở mức 24.870 đồng/USD.
- Ngân hàng VIB niêm yết mức bán chuyển khoản thấp nhất, ở mức 25.525 đồng/USD.
- Ngân hàng NCB dẫn đầu về mức bán tiền mặt và chuyển khoản cao nhất, đều ở mức 25.551 đồng/USD.

Diễn biến tỷ giá USD trên thị trường quốc tế
Trong tuần qua, đồng USD duy trì đà tăng mạnh nhờ vào triển vọng kinh tế Mỹ khả quan và lãi suất ở mức cao. Thị trường lao động Mỹ vững chắc cùng với lạm phát cao đã góp phần nâng lợi suất trái phiếu kho bạc và thúc đẩy nhu cầu đối với đồng bạc xanh.
Các chính sách kinh tế mới dưới thời Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump như bãi bỏ quy định kinh doanh, cắt giảm thuế và áp đặt thuế quan được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và gia tăng áp lực giá. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về thời điểm thực hiện và tác động của những chính sách này đang khiến đà tăng của đồng USD có dấu hiệu chững lại.
Chỉ số DXY giảm 0,28% trong ngày 4/1, xuống mức 108,91 điểm, sau khi đạt đỉnh 2 năm ở mức 109,54 điểm trong phiên trước đó. Đà tăng của đồng USD được hỗ trợ bởi dữ liệu sản xuất tích cực của Mỹ trong tháng 12/2024, khi sản lượng và đơn đặt hàng mới đều tăng, phản ánh sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất.
Đồng EUR, mặc dù tăng nhẹ 0,39% trong ngày, chốt ở mức 1,0305 USD, nhưng đang trên đà giảm 1,22% trong tuần – mức giảm lớn nhất kể từ đầu tháng 11/2024. Triển vọng kinh tế yếu hơn của khu vực châu Âu, cùng với khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất sâu hơn Fed đã tạo áp lực lên đồng tiền chung. Các vấn đề nội tại, bao gồm cuộc chiến ngân sách của Pháp và cuộc bầu cử sắp tới ở Đức, cũng khiến đồng EUR chịu áp lực.
Đồng bảng Anh ghi nhận mức tăng 0,41%, đạt 1,2431 USD, nhưng cũng đang trên đà giảm 1,15% trong tuần, đánh dấu mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2024. Đồng tiền này đang chịu tác động từ các bất ổn kinh tế và chính trị nội bộ tại Anh.
Đồng Yên Nhật, giảm 0,26% xuống mức 157,11 JPY/USD, thấp hơn đỉnh 5 tháng đạt được vào tháng 12/2024. Đồng Yên chịu áp lực từ chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và Nhật Bản, cũng như sự thận trọng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trong việc tăng lãi suất thêm.
Sơn Tùng