Tỷ giá USD hôm nay 7/5: Diễn biến khác biệt tại trong nước và quốc tế
Tỷ giá USD trong nước ngày 7/5 tiếp tục xu hướng đi ngang với các điều chỉnh nhẹ ở cả hai chiều mua vào và bán ra, trong khi trên thị trường quốc tế, đồng bạc xanh suy yếu do tâm lý hoài nghi về đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Diễn biến tỷ giá USD trong nước
Sáng ngày 7/5/2025, tỷ giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm nhẹ so với ngày hôm qua. Đáng chú ý, ở cả hai chiều mua vào và bán ra, mức điều chỉnh đều dao động trong biên độ từ 5–20 đồng/USD tại nhiều ngân hàng.

Ở chiều mua vào, mức giá cao nhất hiện nay thuộc về OCB, với giá 25.850 VND/USD mua tiền mặt và 25.900 VND/USD chuyển khoản – không thay đổi so với hôm qua. Trong khi đó, mức mua vào thấp nhất vẫn duy trì tại VIB, ở mức 25.340 VND/USD cho tiền mặt và 25.400 VND/USD cho chuyển khoản.
Về chiều bán ra, ngân hàng VIB tiếp tục giữ mức thấp nhất thị trường với giá bán 25.760 VND/USD cho cả hai hình thức. Ở chiều ngược lại, TPBank là đơn vị bán tiền mặt USD cao nhất với 26.181 VND/USD, trong khi NCB đứng đầu về giá bán chuyển khoản với 26.184 VND/USD – mức tăng nhẹ 9 đồng so với hôm qua.
Một số ngân hàng khác như Techcombank, Sacombank và MSB cũng ghi nhận điều chỉnh giảm giá bán USD từ 5–15 đồng/USD, trong bối cảnh thị trường đang có dấu hiệu ổn định và tâm lý giao dịch thận trọng hơn.
Tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước hiện là 24.938 đồng/USD, giảm 6 đồng so với phiên giao dịch ngày hôm qua.
Diễn biến tỷ giá USD trên thị trường quốc tế
Trên thế giới, chỉ số Dollar Index (DXY) – thước đo sức mạnh của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt gồm EUR, JPY, GBP, CAD, SEK và CHF – giảm 0,48 điểm xuống còn 99,23. Đây là mức giảm đáng kể phản ánh tâm lý hoài nghi ngày càng tăng của giới đầu tư toàn cầu.
Theo Reuters, thị trường đang chờ đợi các tín hiệu chính thức từ chính quyền Tổng thống Donald Trump liên quan đến các thỏa thuận thương mại đang được đàm phán, đặc biệt với Trung Quốc. Tuy nhiên, sự im lặng kéo dài đã tạo ra áp lực tâm lý lên các nhà giao dịch, trong bối cảnh thời hạn 90 ngày tạm hoãn thuế quan đang tiến gần mà không có thông báo cụ thể nào.
Ông Eugene Epstein, Giám đốc phụ trách khu vực Bắc Mỹ tại Moneycorp, nhận định: “Mặc dù tồn tại nhiều kỳ vọng tích cực, nhưng việc thiếu minh bạch từ chính phủ khiến thị trường trở nên lo lắng. Nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ liệu có thật sự đạt được bước tiến trong các cuộc đàm phán thương mại hay không”.
Tác động từ tâm lý này đã khiến đồng USD giảm mạnh so với các đồng tiền chính. Cụ thể, USD mất 0,59% giá trị so với Yên Nhật, rơi xuống mức 142,815 JPY/USD. Đồng Đài tệ cũng giảm nhẹ sau chuỗi tăng giá mạnh, hiện giao dịch ở mức 29,919 TWD/USD – giảm 2,6%.
Đồng Euro tiếp tục đà phục hồi khi tình hình chính trị tại Đức có tín hiệu ổn định hơn. Việc ông Merz giành được đủ số phiếu để trở thành Thủ tướng Đức đã hỗ trợ đồng tiền chung châu Âu tăng thêm 0,28%, lên mức 1,13455 USD.
Bên cạnh yếu tố địa chính trị, các dữ liệu kinh tế mới từ Mỹ cũng gây áp lực lên đồng bạc xanh. Cụ thể, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại trong tháng 3 đã tăng vọt 14%, lên mức kỷ lục 140,5 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa trước thời điểm chính sách thuế quan mới của ông Trump có hiệu lực.