Tỷ giá USD hôm nay 31/3/2025: DXY dao động quanh ngưỡng 104 điểm
Tỷ giá USD trong nước ngày 31/3 duy trì ổn định dù chỉ số Dollar Index (DXY) dao động quanh ngưỡng 104 điểm sau một tuần biến động. Đồng bạc xanh suy yếu nhẹ khi thị trường thận trọng với chính sách thuế quan mới của Mỹ và dữ liệu lạm phát cho thấy nhiều áp lực đối với triển vọng kinh tế.
Diễn biến tỷ giá USD trong nước
Sáng ngày 31/03, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.843 đồng/USD, không thay đổi so với phiên liền trước. Diễn biến này cho thấy sự ổn định của tỷ giá trung tâm trong bối cảnh thị trường quốc tế đang có nhiều biến động.

Tại khối ngân hàng thương mại, tỷ giá USD không có nhiều biến động lớn nhưng có sự phân hóa giữa các đơn vị. Tại Vietcombank – ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn – tỷ giá niêm yết tiếp tục được giữ nguyên ở mức 25.370 đồng/USD (mua vào) và 25.760 đồng/USD (bán ra), không đổi so với hôm qua.
Ở chiều mua vào, mức giá thấp nhất ghi nhận tại VietBank, khi ngân hàng này mua tiền mặt USD với giá 24.070 đồng và mua chuyển khoản ở mức 24.100 đồng/USD. Đây là các mức mua thấp nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay.
Trong khi đó, PVcomBank đang là đơn vị mua tiền mặt USD với giá cao nhất thị trường, đạt 25.600 đồng/USD. Ở mảng chuyển khoản, VietinBank dẫn đầu với giá mua lên tới 25.820 đồng/USD – mức cao nhất trong hệ thống.
Về chiều bán ra, mức giá thấp nhất hiện được niêm yết tại ngân hàng HSBC, khi cả hai hình thức bán tiền mặt và bán chuyển khoản đều ở mức 25.700 đồng/USD. Ngược lại, PVcomBank đang là ngân hàng bán tiền mặt USD với giá cao nhất, lên tới 26.020 đồng/USD. Đối với hình thức bán chuyển khoản, ngân hàng MB niêm yết ở mức cao nhất là 25.800 đồng/USD.
Diễn biến tỷ giá USD trên thị trường quốc tế
Tỷ giá USD trên thị trường quốc tế đã trải qua một tuần đầy biến động, trong bối cảnh nhà đầu tư liên tục điều chỉnh kỳ vọng trước những thông tin trái chiều về chính sách thuế quan của Mỹ. Chốt phiên cuối tuần ngày 30/3, chỉ số Dollar Index (DXY) – đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt – đứng ở mức 104,01 điểm, giảm nhẹ so với cuối tuần trước.
Đồng USD khởi đầu tuần giao dịch tích cực, khi DXY tăng 0,22% lên 104,31 điểm nhờ dữ liệu kinh tế khả quan. Cụ thể, chỉ số PMI tổng hợp – phản ánh hoạt động sản xuất và dịch vụ tại Mỹ – tăng từ 51,6 điểm trong tháng 2 lên 53,5 điểm trong tháng 3. Đây là tín hiệu mở rộng khu vực tư nhân, với đóng góp lớn từ ngành dịch vụ, một phần nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi hơn vào đầu mùa xuân. Ngoài ra, những phát ngôn linh hoạt từ Tổng thống Donald Trump về chính sách thuế quan cũng tạo động lực tăng giá cho đồng USD.
Tuy nhiên, đà tăng nhanh chóng bị kìm hãm khi bước sang ngày 26/3, DXY quay đầu giảm 0,05% xuống 104,21 điểm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tâm lý thận trọng của thị trường trước những tín hiệu chưa rõ ràng liên quan đến kế hoạch áp thuế nhập khẩu của chính quyền Mỹ.
Sang ngày 27/3, đồng USD bất ngờ bật tăng trở lại 0,48%, chạm mức 104,67 điểm khi các nhà giao dịch kỳ vọng vào thông báo quan trọng từ Tổng thống Trump liên quan đến thuế nhập khẩu ô tô và hàng loạt biện pháp thuế “có đi có lại” dự kiến công bố trong tuần tới. Tuy nhiên, cùng thời điểm, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Minneapolis – ông Neel Kashkari – bày tỏ lo ngại rằng các chính sách thuế mới có thể làm gia tăng áp lực lạm phát, đồng thời khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, buộc Fed phải cân nhắc lại chính sách lãi suất.
Tới ngày 28/3, tâm lý lo ngại tiếp tục chi phối thị trường khi đồng bạc xanh giảm 0,27%, về mức 104,28 điểm. Những kỳ vọng về sự linh hoạt trong chính sách thuế quan của ông Trump tạm thời bị lu mờ bởi rủi ro leo thang từ các biện pháp đáp trả thương mại, đặc biệt khi kế hoạch thuế mới dự kiến được công bố vào ngày 2/4.
Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số DXY giảm thêm 0,32% xuống 104,01 điểm. Các chuyên gia phân tích tại Bank of America, bao gồm Athanasios Vamvakidis và Claudio Piron, nhận định đồng USD khó có khả năng mạnh lên trong ngắn hạn. Theo họ, triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều bất ổn, trong khi việc thực thi các chính sách thuế quan mới sẽ cần thêm thời gian và có thể mở ra không gian cho các cuộc đàm phán quốc tế.
Ngoài ra, các dữ liệu kinh tế được công bố gần đây cũng gây áp lực lên đồng USD. Cụ thể, lạm phát cơ bản trong tháng 2 tăng 0,4% – vượt kỳ vọng – trong khi lạm phát tiêu đề tăng 0,3%, đúng với dự báo. Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ trong tháng cũng ghi nhận mức phục hồi, trong khi kỳ vọng lạm phát 12 tháng do Đại học Michigan khảo sát đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm qua. Những yếu tố này càng khiến thị trường cảnh giác với các quyết định điều hành sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Sơn Tùng