Tỷ giá USD hôm nay 3/5: HSBC và Sacombank duy trì vị thế top mua vào
Tỷ giá USD tại các ngân hàng trong nước ngày 3/5 tiếp tục ổn định, với Sacombank và HSBC duy trì vị thế top mua vào, trong khi thị trường quốc tế ghi nhận đồng USD giảm sâu do áp lực từ dữ liệu việc làm Mỹ và chính sách thuế quan.
Diễn biến tỷ giá USD trong nước
Trong phiên giao dịch ngày 3/5/2025, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì trạng thái ổn định so với ngày hôm trước, chỉ ghi nhận những điều chỉnh nhẹ tại một số ngân hàng ở chiều bán ra.

Ở chiều mua vào, Sacombank tiếp tục dẫn đầu thị trường với mức giá mua tiền mặt cao nhất là 25.900 đồng/USD, trong khi mức thấp nhất vẫn thuộc về VietBank, duy trì ở 24.136 đồng/USD đối với tiền mặt và 24.166 đồng/USD với hình thức chuyển khoản.
Chiều bán ra ghi nhận mức tăng nhẹ tại một vài ngân hàng. TPBank là đơn vị điều chỉnh giá bán tiền mặt lên mức cao nhất thị trường là 26.203 đồng/USD, ngang bằng với LPBank và OceanBank – những ngân hàng đã giữ mức đỉnh này trong nhiều phiên trước. Trong khi đó, NCB nâng nhẹ giá bán chuyển khoản lên 26.203 đồng/USD, vượt qua mức niêm yết của phần lớn các ngân hàng còn lại.
Ngược lại, mức giá bán thấp nhất tiếp tục được giữ vững bởi VIB, với mức 25.760 đồng/USD cho cả hình thức tiền mặt và chuyển khoản, không thay đổi so với phiên trước.
Ở một diễn biến khác, HSBC duy trì mức mua cao thứ hai thị trường ở 25.886 đồng/USD, đồng thời giữ giá bán ổn định tại 26.120 đồng/USD – thấp hơn so với mặt bằng chung của khối ngân hàng thương mại trong nước.
Diễn biến tỷ giá USD trên thị trường quốc tế
Chỉ số Dollar Index (DXY) – thước đo sức mạnh của đồng USD so với sáu đồng tiền chủ chốt gồm EUR, JPY, GBP, CAD, SEK và CHF – kết thúc phiên giao dịch ngày 2/5 ở mức 99,81 điểm, đánh dấu mức giảm 1,49 điểm so với phiên trước đó.
Đồng USD mất giá trên diện rộng trong phiên nhưng đã phần nào thu hẹp đà giảm so với Euro và Yên Nhật sau khi báo cáo việc làm tháng 4 tại Mỹ cho kết quả tích cực hơn dự báo. Theo Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế tạo thêm 177.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 4 – vượt mức kỳ vọng 130.000 từ giới phân tích, dù thấp hơn mức điều chỉnh giảm của tháng 3 là 185.000 việc làm.
Báo cáo này củng cố quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại trong các cuộc họp chính sách sắp tới và chưa vội cắt giảm trước mùa hè. Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng dữ liệu việc làm chưa phản ánh đầy đủ tác động của các mức thuế mới được áp dụng từ đầu tháng 4.
Ông Jeff Schulze, Giám đốc chiến lược kinh tế tại ClearBridge Investments, nhận định: “Báo cáo tháng này chưa cho thấy toàn bộ tác động của thuế quan. Các số liệu được thu thập trong tuần ngay sau Ngày Giải phóng, nên vẫn còn quá sớm để cảm nhận hết ảnh hưởng. Đây có thể chỉ là sự yên tĩnh tạm thời trước một giai đoạn khó khăn mà thị trường lao động sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.”
Sau khi dữ liệu được công bố, đồng USD có xu hướng thu hẹp đà giảm so với Yên Nhật, nhưng vẫn giao dịch thấp hơn trong ngày. Tỷ giá USD/JPY giảm 0,6%, còn 144,52. Trong khi đó, đồng Euro tiếp tục giữ đà tăng, giao dịch ở mức 1,1326 USD, tăng 0,3%.
Trên thị trường kỳ hạn lãi suất, kỳ vọng về khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 6 đã giảm xuống còn 50%, thấp hơn so với mức 60% trước khi báo cáo việc làm được công bố. Hiện thị trường chỉ còn định giá khoảng 85 điểm cơ bản cắt giảm lãi suất trong năm 2025 – tương đương ba lần giảm 25 điểm – so với mức 100 điểm cơ bản được kỳ vọng trước đó.
Mặc dù dữ liệu việc làm có phần tích cực, triển vọng trung hạn của đồng USD vẫn đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt nếu tác động tiêu cực từ các hàng rào thuế quan bắt đầu bộc lộ rõ trong các chỉ số kinh tế sắp tới.