Tỷ giá USD hôm nay 17/4: Biến động trái chiều
Tỷ giá USD trong nước ghi nhận diễn biến trái chiều trong sáng 17/4, trong khi đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục đối mặt với áp lực suy yếu.
Diễn biến tỷ giá USD trong nước
Tỷ giá USD sáng 17/4 ghi nhận diễn biến trái chiều tại các ngân hàng thương mại. Trong khi một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng nhẹ thì nhiều nơi đã bắt đầu hạ giá bán, sau chuỗi phiên tăng liên tục từ đầu tuần.

Theo khảo sát, Techcombank là một trong những ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh nhất, với mức tăng 20 đồng ở cả chiều mua và bán. Hiện ngân hàng này niêm yết USD ở mức 25.646 – 26.035 đồng/USD.
Tương tự, Agribank tăng nhẹ 10 đồng ở cả hai chiều, giao dịch tại mức 25.670 – 26.030 đồng/USD. Trong khi đó, Vietcombank vẫn giữ nguyên tỷ giá so với hôm qua, hiện mua vào ở mức 25.620 đồng/USD, bán ra 26.010 đồng/USD.
Ngược lại, BIDV giảm 25 đồng, hiện giao dịch ở mức 25.660 – 26.020 đồng/USD. Eximbank cũng điều chỉnh giảm nhẹ 10 – 20 đồng, xuống mức 25.640 – 26.040 đồng/USD.
Ở chiều mua, VietinBank tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu thị trường với giá mua chuyển khoản đạt 26.065 đồng/USD, không đổi so với phiên liền trước. Giá mua tiền mặt tại ngân hàng này hiện là 25.485 đồng/USD.
Theo công bố từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm hôm nay giữ nguyên ở mức 24.899 đồng/USD, tăng 8 đồng so với phiên giao dịch ngày hôm qua.
Diễn biến tỷ giá USD trên thị trường quốc tế
Chỉ số Dollar Index (DXY) – thước đo sức mạnh của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt gồm EUR, JPY, GBP, CAD, SEK và CHF – chốt phiên ngày 16/4 ở mức 99,58 điểm, tăng nhẹ 0,25 điểm so với phiên liền trước.
Dù ghi nhận mức tăng nhẹ, đồng USD vẫn tiếp tục trong xu hướng suy yếu trên thị trường quốc tế. Áp lực giảm giá kéo dài khi đồng bạc xanh đánh mất sức hấp dẫn so với cả các loại tiền tệ trú ẩn như Yên Nhật, Franc Thụy Sĩ và các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro như Euro hay bảng Anh.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ tâm lý lo ngại ngày càng tăng liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ. Việc Tổng thống Donald Trump liên tục áp đặt và điều chỉnh các mức thuế mới khiến giới đầu tư toàn cầu tỏ ra thận trọng, đồng thời chuyển hướng phân bổ dòng vốn ra khỏi tài sản định giá bằng USD do lo ngại về tính thiếu nhất quán trong thực thi chính sách thương mại.
Bên cạnh đó, khả năng đạt được các thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và các đối tác quốc tế vẫn còn bỏ ngỏ, càng làm tăng thêm áp lực giảm giá lên đồng bạc xanh trong ngắn hạn.
Tỷ giá USD/EUR ghi nhận mức giảm đáng kể, khi đồng Euro tăng 0,77% lên 1,1368 USD, chỉ thấp hơn một chút so với đỉnh ba năm 1,1473 USD thiết lập cuối tuần trước.
Tương tự, đồng Yên Nhật tiếp tục tăng giá khi USD giảm 0,53% về mức 142,47 Yên, có thời điểm chạm 142,03 – mức thấp nhất kể từ ngày 30/9. Diễn biến này phản ánh rõ ràng tâm lý nhà đầu tư đang tìm đến các tài sản an toàn, giữa lúc thị trường toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi những bất ổn vĩ mô và căng thẳng thương mại kéo dài.
Một trong những mức sụt giảm mạnh nhất ghi nhận với đồng Franc Thụy Sĩ, khi USD mất tới 1,03%, xuống còn 0,815 CHF – tiến sát mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, thiết lập trong phiên cuối tuần trước.
Một số tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ như doanh số bán lẻ tháng Ba tăng mạnh – chủ yếu nhờ nhu cầu mua ô tô tăng cao trước thềm chính sách thuế – không đủ để đảo ngược đà giảm của USD. Thị trường đang dồn sự chú ý vào bài phát biểu sắp tới của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell để tìm thêm manh mối về định hướng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, trong ngắn hạn, các yếu tố kỹ thuật cũng như bối cảnh địa chính trị sẽ tiếp tục chi phối mạnh mẽ diễn biến của đồng USD. Nhà phân tích Bechtel cho rằng, thanh khoản trên thị trường đang giảm dần do kỳ nghỉ lễ Thứ Sáu Tuần Thánh sắp tới tại Mỹ, dù thị trường ngoại hối vẫn hoạt động. Điều này có thể khiến USD biến động khó lường trong vài phiên tới.