Tỷ giá tăng cao, doanh nghiệp "kẻ cười, người khóc"

Cập nhật: 15:42 | 11/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Theo chia sẻ của tỷ phú Trần Đình Long, Tập đoàn Hòa Phát phải bỏ ra hơn 200 tỷ đồng để trích lập rủi ro biến động tỷ giá do đà tăng của đồng USD.

Trong sáng ngày 11/4, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tại khách sạn Melia Hà Nội. Khi được cổ đông hỏi về kết quả kinh doanh, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, ước tính quý I/2024 doanh thu đạt khoảng 31.000 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 2.800 tỷ đồng.

Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 ở mức 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 46% so với năm 2023. Như vậy, kết quả kinh doanh quý I/2024 lần lượt đóng góp 22,1% doanh thu và 28% lợi nhuận theo kế hoạch năm.

Tỷ giá tăng cao, doanh nghiệp
Chủ tịch Trần Đình Long, Tập đoàn Hòa Phát.

Về siêu dự án nhà máy Dung Quất 2, tỉ phú Trần Đình Long cho biết sau khi hoàn thành, doanh thu của Hòa Phát có thể lên đến 200.000 tỉ đồng. Tỉ trọng doanh thu của mảng thép sẽ chiếm 95% tổng doanh thu, tăng lên từ mức trung bình 85 - 90% những năm qua.

Theo tiến độ, Hòa Phát sẽ sản xuất thép HRC tại Dung Quất 2 vào cuối năm 2024. Khi chạy đủ công suất có thể sản xuất 2,7 triệu tấn thép HRC. Năm 2025, Hòa Phát có thể sản xuất hơn 2 triệu tấn HRC tại Dung Quất 2, cộng cả Dung Quất 1 vào có thể đạt hơn 5 triệu tấn.

Theo ông Long, thời gian tới sẽ tập trung toàn lực vào "quả đấm thép" Dung Quất 2 nên nhiều hạng mục đầu tư khác sẽ thu hẹp. Trong đó, chưa có chiến lược phát triển thương hiệu của sản phẩm thịt bò. Không mở rộng quy mô sản xuất với ống và thép mạ tôn vì do dễ làm và chỉ cần đầu tư quy mô nhỏ. Chưa nghiên cứu về nhôm, bỏ ngỏ sản xuất bô xít và nhôm tại Đắk Nông. Đồng thời trong 5 - 10 năm tới sẽ tập trung làm bất động sản khu công nghiệp (vì 30 năm nay làm khá tốt) còn không mở rộng mảng nhà ở (chỉ tập trung hoàn thiện những khu vực đã đủ pháp lý như khu đô thị Phố Nối).

Tại đại hội, trước tình hình tỷ giá đang leo thang, cổ đông bày tỏ băn khoăn và hỏi về sự tác động đến doanh nghiệp. Ông Trần Đình Long trả lời có ảnh hưởng và bị ảnh hưởng rất lớn. Hòa Phát nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung sẽ đều bị ảnh hưởng. Số liệu ước tính quý I/2024 sẽ phải trích lập dự phòng tỷ giá khoảng 200 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, nguyên liệu của Hòa Phát đến chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, trong khi thị trường tiêu thụ chính lại là nội địa, đồng thời vẫn duy trì tỷ trọng vay nước ngoài nhất định trong cơ cấu nợ vay, Hòa Phát phải lãi và nợ bằng USD. Điều này đồng nghĩa với rủi ro cao về lỗ chênh lệch tỷ giá trong điều kiện tỷ giá tăng và lãi trở lại khi tỷ giá giảm.

Cập nhật mới nhất, tỷ giá USD trong nước vào sáng nay tại các NHTM giữ nguyên giá ở cả 2 chiều mua - bán. Cụ thể, Vietcombank có mức mua vào là 24,760 và mức bán ra là 25,130 giữ nguyên so với phiên giao dịch ngày 10/4. Giá mua và bán USD hiện tại nằm trong khoảng từ 23,400 – 25,300 VND/USD.

Tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng nay tăng so với phiên trước đó. Tại thị trường Hà Nội, lúc 5 giờ 15 phút, đồng USD giao dịch (mua - bán) ở quanh mức 25,486 – 25,566 VND/USD tăng 112 VND ở chiều mua vào và 102 VND chiều bán ra so với phiên giao dịch ngày 10/4.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán BIDV (BSC), Hòa Phát là đại diện của nhóm thép, nhóm ngành phân bón và tiện ích sẽ chịu áp lực từ tỷ giá. Theo đó, DPM, DCM nguyên liệu đầu vào được tính bằng đồng USD, doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng nhỏ. Tương tự với nhóm tiện ích, NT2 có giá khí đầu vào được tính theo đồng USD do đó sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện và giảm tính cạnh tranh với các loại hình năng lượng khác.

Chiều ngược lại, nhóm ngành thủy sản sẽ được hưởng lợi tích cực, cụ thể là VHC, ANV, IDI, FMC, MPC, CMX, ACL khi giá của hầu hết các mặt hàng thủy sản được quote và giao dịch theo đồng USD.

Bên cạnh đó, nhóm hóa chất với DGC cũng được dự báo tích cực nhờ doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, nhập khẩu nguyên liệu chiếm tỷ trọng nhỏ hơn. Cùng chiều, nhóm dầu khí (cổ phiếu PVT) và nhựa (cổ phiếu AAA) cũng được BSC đánh giá tích cực.

Nhóm dệt may cũng được nhóm phân tích kỳ vọng hưởng lợi, tiêu biểu là cổ phiếu TNG, TCM, STK, HTG do khi thị trường xuất khẩu và khách hàng chính của đại đa phần các doanh nghiệp may mặc là từ Mỹ, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp đều phải nhập nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài theo chỉ định của khách hàng nên nhìn chung tác động từ tỷ giá tăng lên KQKD không nhiều.

Nhóm gỗ với đại diện là PTB có phần lớn doanh thu mảng gỗ và đá là xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu và thu về đồng USD, trong khi nguyên liệu đầu vào chủ yếu là tự chủ trong nước nên tỷ giá tăng sẽ tương đối có lợi cho doanh nghiệp.

Nhóm đá thạch anh nhân tạo, đặc biệt là VCS cũng có thể tích cực nhờ chênh lệch tỷ giá tác động lên doanh thu lớn hơn chi phí lãi vay. Nhóm săm lốp với DRC cũng có doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, nhập khẩu nguyên liệu chiếm tỷ trọng nhỏ hơn.

Diễn biến cùng chiều chứng khoán thế giới, VN-Index chìm trong sắc đỏ

Trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán tiếp tục quán tính giảm điểm. Tuy nhiên, cuối phiên, VN-Index đã có tín hiệu ...

Chọn cổ phiếu giữa bối cảnh biến động tỷ giá

BSC cho rằng nhà đầu tư cần theo dõi các nhóm ngành, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi và cẩn trọng với các ...

Dòng tiền cá mập giao dịch với thanh khoản thấp, VN-Index tiếp tục "downtrend"

Kết phiên 11/04, VN-Index tiếp tục "downtrend" nhẹ, thanh khoản giao dịch của dòng tiền cá mập duy trì ở ngưỡng thấp.

Minh Hiếu