Giáo dục:

Tuyệt chiêu giúp bài thi lịch sử được điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia

Cập nhật: 10:11 | 14/05/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Môn lịch sử luôn là môn khó nhằn nhất đối với mọi học sinh, nhưng nếu bạn biết các tuyệt chiêu dưới đây thì điểm thi của bạn sẽ cải thiện rõ rệt trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.  

tuyet chieu giup bai thi lich su duoc diem cao trong ky thi thpt quoc gia Thi vào ngành Giáo dục thể chất, thí sinh phải kiểm tra phát âm
tuyet chieu giup bai thi lich su duoc diem cao trong ky thi thpt quoc gia Chỉ tiêu và danh sách những trường quân đội có tuyển thí sinh nữ

Sai lầm cần tránh khi học môn Lịch Sử trong kỳ thi THPT quốc gia

Gần như 90% học sinh mắc sai lầm trong cách học những môn Xã hội. Các bạn cho rằng những môn này là môn học thuộc nên chỉ cần mang ra học thuộc là được. Nhưng với những con chữ chi chít cộng với mốc sự kiện lịch sử làm cho các bạn bị sợ, rối và không thể nào ghi nhớ được. Để đạt kết quả tốt môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia, các bạn cần phải tránh những sai lầm sau:

- Thứ nhất, không học vẹt. Tức là cố gắng nhồi nhét những con chữ, con số vào đầu một cách không hệ thống, không khoa học.

- Thứ hai, không học tủ. Chắc hẳn bạn không còn xa lạ với từ "tủ đè" khi học tủ đúng không nào? Chính vì thế đừng học tủ nếu không muốn bị tủ đè bẹp trong kỳ thi quan trọng này.

- Thứ ba, không học nhảy giai đoạn. Lịch sử là một môn học có những giai đoạn lịch sử, mốc lịch sử cụ thể. Chính vì thế bạn không nên đang học ở giai đoạn 1911-1920 chưa xong mà nhảy sang học giai đoạn 1945-1954 nếu không bạn sẽ bị hỏng kiến thức và chẳng khác nào vo gạo không đổ nước mà lại mang đi nấu cả.

Ngoài ra bạn còn không được nóng vội và thiếu kiên nhẫn.

tuyet chieu giup bai thi lich su duoc diem cao trong ky thi thpt quoc gia

Tuyệt chiêu giúp bài thi lịch sử được điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia

Tuyệt chiêu giúp bài thi lịch sử được điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia

1.Học sinh phải có cái nhìn tổng thể về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới trong chương trình ôn thi đại học.

Khi học, yêu cầu đầu tiên là các em phải có phương pháp phân kì lịch sử, phải vẽ được bức tranh lịch sử gồm nhiều giai đoạn với tên gọi và những đặc điểm riêng của từng giai đoạn. Tiếp đó, với mỗi giai đoạn, các em lại đi sâu nắm những nội dung và sự kiện chính, có ý nghĩa quan trọng. Nếu không làm tốt được điều này ngay từ lúc bắt đầu học thì học sinh dễ rơi vào “mê cung” những sự kiện, nội dung chồng chéo mà không định vị được vị trí từng nội dung, từng sự kiện nằm trong giai đoạn nào của lịch sử Việt Nam.

* Ví dụ, theo tôi, tổng quan Lịch sử Việt Nam từ 1919-2000 có thể được phân kì thành 5 giai đoạn lớn:

- Giai đoạn 1919-1930: thời kì vận động thành lập Đảng.

- Giai đoạn 1930-1945: đấu tranh giành chính quyền.

- Gian đoạn 1945-1954: bảo vệ chính quyền và tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

- Giai đoạn 1954-1975: Cách mạng XHCN miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

- Giai đoạn 1975 đến năm 2000.

* Ở cấp độ thứ hai, trong từng giai đoạn, chúng ta lại phải xác định các nội dung chính. Ví dụ: trong giai đoạn 1919-1930 không được quên các nội dung sau:

- Chính sách khai thác thuộc địa lần thứ II của thực dân Pháp

- Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam

- Phong trào yêu nước theo khuynh hướng vô sản gắn liền với vai trò của Nguyễn Ái Quốc.

- Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng.

* Ở cấp độ thứ 3, khi triển khai nội dung về phong trào yêu nước của giai cấp vô sản gắn với vai trò của Nguyễn Ái Quốc, cần nắm các nội dung sau:

- Hoàn cảnh tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc.

- Quá trình đi tìm đường (1911-1920).

- Quá trình chuẩn bị về chính trị tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng (1921-1929).

Nếu nắm vấn đề theo “cây” sơ đồ như trên sẽ rất dễ hiểu, dễ học, dễ nhớ. Nhưng trên thực tế, rất nhiều học sinh lại học theo hướng “từ dưới lên”, tức là học từ các sự kiện và từng giai đoạn cụ thể mà không có cái nhìn tổng thể và móc xích chúng lại với nhau.

Các sự kiện lịch sử thường có liên quan logic với nhau, sự kiện này là nguyên nhân dẫn đến sự kiện kia. Nếu chúng ta hiểu quy luật này thì học Lịch sử rất dễ.

2. Lịch sử là một dòng chảy với những sự kiện liên tục, diễn ra theo trình tự thời gian

Các sự kiện lịch sử thường có liên quan logic với nhau, sự kiện này là nguyên nhân dẫn đến sự kiện kia. Nếu chúng ta hiểu quy luật này thì học Lịch sử rất dễ. Còn nếu học kiểu nhảy cóc, học vẹt, thiếu sự liên kết thì rất khó nhớ.

* Ví dụ: Tại sao có sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam? Là do công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp làm xuất hiện các giai cấp trong xã hội Việt Nam. Không chịu được ách áp bức bóc lột, các giai cấp lần lượt đứng lên chống lại thực dân Pháp. Xuất hiện phong trào đấu tranh yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản nhưng phong trào này nhanh chóng thất bại. Tiếp đó, ngọn cở đấu tranh thuộc về giai cấp vô sản. Và sau khi giai cấp vô sản xác định được sứ mệnh của mình rồi thì có nhu cầu xuất hiện một tổ chức chính trị của giai cấp vô sản. Từ đó dẫn đến sự ra đời của nhiều tổ chức khác nhau như: Đông dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn và cuối cùng là hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ấy để thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.

3. Học sinh phải nắm được những sự kiện chính và trả lời được các câu hỏi đối với từng nội dung học: diễn ra ở đâu, thời gian nào, diễn ra làm sao và ý nghĩa của sự kiện như thế nào?

* Ví dụ: đề thi hỏi về chiến dịch Biên giới năm 1950, các em phải bám sát và trả lời được các câu hỏi: âm mưu thủ đoạn của địch là gì? chủ trương kế hoạch của ta? diễn biến, kết quả và ý nghĩa?

4. Học thuộc trên cơ sở quan trọng là phải hiểu, phải xâu chuỗi được các sự kiện thành một câu chuyện lịch sử, có trình tự, có nguyên nhân – kết quả thoả đáng, có giá trị và ý nghĩa trong tiến trình lịch sử nói riêng và trong cuộc sống nói chung, khi ấy bạn sẽ thấy câu chuyện lịch sử ấy rất hấp dẫn.

5. Học sinh phải vẽ được sơ đồ của từng giai đoạn lịch sử, sau đó mới triển khai các nội dung chi tiết.

Học Sử phải chú ý phương pháp đồng đại: trình bày một sự kiện nhưng đặt nó trong bối cảnh trong nước và quốc tế như thế nào? Các nội dung học phải được hệ thống thành các ý chi tiết, làm được điều này, sẽ giúp học sinh ăn điểm khi làm bài thi.

* Ví dụ: đề thi hỏi về vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với sự thành lập Đảng? Học sinh cần xây dựng được đề cương sau: hoàn cảnh trong nước và thế giới; quá trình tìm đường; quá trình chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức…

6. Khi ôn thi Lịch sử cần phải viết ra giấy

Với mỗi nội dung ôn tập cần được chi tiết hoá theo kiểu sơ đồ như đã nói ở trên, xem có bao nhiêu ý, có bao nhiêu sự kiện quan trọng cần nắm. Nếu học sinh hiểu bài, viết ra được các ý và nhớ các sự kiện theo trình tự, logic, móc xích thì sẽ không bao giờ quên bài. Tránh học theo kiểu chỉ ôm sách đọc lơ mơ, gây cảm giác mệt mỏi, chán nản, kém hứng thú.

Khi tìm đọc sách tham khảo phải chú ý xem nguồn gốc của sách vì hiện có nhiều sách có nội dung rất xa với kiến thức trong sách giáo khoa, chưa kể những cuốn sách Lịch sử viết chất lượng không tốt. Học sinh chỉ nên dùng sách tham khảo với các kiến thức nâng cao trên cơ sở đã nắm vững được kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Nếu không thì việc đọc sách tham khảo cũng không có hiệu quả, chỉ làm phân tâm và rối trí thêm.

Học xong, các em phải kiểm tra tính hệ thống của toàn bộ nội dung đã học bằng cách viết ra theo hệ thống cây thư mục, xem thử bức tranh lịch sử có đoạn nào bị “khuyết” không, nếu có tức là còn nội dung mà mình nắm chưa vững, cần bổ sung vào.

Điều đặc biệt cần ghi nhớ là tất cả những nội dung đã được đưa vào sách giáo khoa đều quan trọng như nhau, các em cần phải nắm chắc. Bỏ bất kì một nội dung nào cũng đều làm kiến thức của các em bị thiếu hụt, dẫn đến nhận thức vấn đề không chắc. Hiện nay, ngay cả nhiều giáo viên khi dạy cho học sinh cũng vô tình khuyến khích các em học “tủ” khi cho rằng: nội dung nào thi năm ngoái rồi thì năm nay sẽ không ra đề nữa, điều đó là không nên.

* Ví dụ: không học nội dung về xây dựng CNXH ở miền Bắc thì làm sao hiểu là miền Bắc đã hậu thuẫn vững chắc, là nhân tố quan trọng cho chiến thắng của cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ?

Khi tìm đọc sách tham khảo phải chú ý xem nguồn gốc của sách vì hiện có nhiều sách có nội dung rất xa với kiến thức trong sách giáo khoa, chưa kể những cuốn sách Lịch sử viết chất lượng không tốt.

7. Cách làm bài để được điểm cao

- Nguyên tắc đầu tiên là phải đọc thật kĩ đề bài, gạch chân những cụm từ quan trọng trong đề để xác định xem hỏi gì. Đây là nguyên tắc quan trọng số một, vì nếu định hướng này sai ngay từ đầu thì phần làm bài cũng sẽ sai.

- Tiếp theo là lập dàn ý cho câu trả lời. Đề cương phần trả lời càng chi tiết thì kết quả đem lại càng cao. Ngoài ra, động tác này cũng giúp học sinh khi trả lời không bị sót ý.

- Chọn câu dễ làm trước, tuy nhiên phải tập trung cho những câu nhiều điểm. Bởi nếu bạn có tập trung viết rất tốt một câu, mà câu ấy lại được ít điểm, mà bỏ qua các câu khác thì số điểm của bạn cũng chỉ được tối đa theo “barem” chấm của câu ấy.

- Cân đối thời gian làm bài, phân phối đều thời gian cho các câu. Điều này có thể thực hiện rất đơn giản bằng cách lấy thời gian làm bài chia cho số điểm để ra thời gian tối đa bạn có thể dành cho một câu.

- Khi làm bài đi thẳng vào vấn đề, tránh trường hợp trình bày lan man, dài dòng. Hỏi gì trả lời đúng nội dung ấy.

* Ví dụ: đề thi hỏi về ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng CSVN, bạn không cần trình bày hoàn cảnh ra đi tìm đường cứu nước, vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với sự thành lập Đảng… Vì bạn có mất thời gian trình bày rất hay nhưng cũng không được điểm với nội dung mà đề thi không yêu cầu.

- Khi làm xong nên kiểm tra lại bài thi một lần cuối để chắc rằng các sự kiện, các con số được nêu trong bài là chính xác. Cần tuyệt đối chú ý, những gì không chắc chắn thì không nên đưa vào nội dung bài thi, đặc biệt là những con số, thời gian…

Một số lỗi cần tránh khi làm bài thi đại học môn Lịch sử

- Xác định nội dung trả lời không đúng, hỏi một đằng trả lời một nẻo vì bị sai ngay từ khâu xác định đề thi hỏi về vấn đề gì.

* Ví dụ: đề thi hỏi về quá trình chuẩn bị chính trị, tư tưởng và tổ chức của Nguyễn Ái Quốc cho sự ra đời của Đảng CSVN. Nhiều thí sinh lại trình bày lan man về quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Các em nên trả lời đi thẳng vào vấn đề theo cách sau: “sau khi tìm được chân lí cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành một cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ để truyền bá chủ nghĩa Mác Lê nin, tích cực chuẩn bị những điều kiện về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng, quá trình đó thể hiện qua những sự kiện như sau….”.

- Trả lời sót ý do vội làm bài ngay, không vạch ra dàn ý chi tiết. Lỗi này rất phổ biến nên dẫn đến tình trạng nhiều bạn làm xong câu 2 rồi mới viết thêm phần bổ sung ý của 1.

- Cách trình bày không rõ ràng, viết lan man, chung chung, bài thi dài hai, ba trang nhưng không nêu được ý chính.

- Năm tháng và sự kiện nhớ không chính xác nên viết “bừa” vì nhiều thí sinh nghĩ rằng: viết nhiều còn hơn là thiếu.

- Đầu voi đuôi chuột, nghĩa là câu thì trả lời dài lê thê, câu thì không còn thời gian nên trả lời rất ngắn, cụt ý.

Lương Đức (tổng hợp)