Kiến thức

Tuyến đường sắt cao tốc lựa chọn 100% công nghệ Shinkansen của Nhật Bản, liệu có thể trở thành "biểu tượng tiên phong" cho quốc gia giáp Trung Quốc này

Tuấn Anh 09/07/2025 19:29

Tuyến đường sắt cao tốc dài hơn này là dự án đầu tiên ứng dụng công nghệ Shinkansen Nhật Bản tại đây.

Mumbai – Ahmedabad: Bước đi chiến lược trên trục đường sắt cao tốc đầu tiên của Ấn Độ

Ấn Độ – quốc gia có hệ thống đường sắt khổng lồ nhưng lạc hậu đang nỗ lực thoát khỏi hình ảnh "tàu chậm" với dự án đường sắt cao tốc Mumbai – Ahmedabad, tuyến cao tốc đầu tiên trong lịch sử nước này. Dài 508 km, tuyến đường kết nối hai trung tâm kinh tế phía Tây là Mumbai (thủ đô tài chính) và Ahmedabad (thủ phủ bang Gujarat), đi qua hành lang phát triển năng động nhất Ấn Độ, nơi đóng góp khoảng 20% GDP quốc gia.

Đường sắt cao tốc Ấn Độ
Đây là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ

Dự án có tốc độ thiết kế lên tới 320 km/h, rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ hơn 7 tiếng còn khoảng 2 giờ. Toàn tuyến có 12 nhà ga, nối qua các địa phương quan trọng như Surat, Vadodara, Anand... – hứa hẹn tạo ra cú hích lớn cho kinh tế vùng và thay đổi hành vi đi lại của hàng triệu người dân.

Không chỉ là hạ tầng giao thông, tuyến Mumbai – Ahmedabad được xem là biểu tượng chiến lược trong mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh cả hai nước cùng mong muốn cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á.

Công nghệ Shinkansen và những kỳ vọng đổi thay

Điểm nhấn nổi bật của tuyến đường sắt cao tốc này là việc ứng dụng toàn bộ công nghệ Shinkansen của Nhật Bản, bao gồm tàu E5 Series, đường ray tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống tín hiệu, cầu cạn và hầm ngầm. Đây là lần đầu tiên biểu tượng kỹ thuật của Nhật được triển khai tại Nam Á.

Shinkansen Nhật Bản
Công nghệ Shinkansen Nhật Bản được lựa chọn

Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế JICA, tài trợ tới 81% tổng vốn dự án, tương đương 14 tỷ USD, dưới hình thức ODA lãi suất 0,1%, thời hạn vay 50 năm và ân hạn 15 năm – một gói tài chính ưu đãi hiếm có. Các tập đoàn như JR East, Nippon Signal và các nhà thầu Ấn Độ như L&T cũng tham gia sâu vào việc xây dựng và vận hành dự án.

Dự án còn có ý nghĩa chính trị – kinh tế khi cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc đã triển khai tuyến cao tốc Jakarta – Bandung tại Indonesia, Nhật Bản muốn chứng minh rằng công nghệ của họ tuy đắt hơn nhưng an toàn, bền vững và hiệu quả dài hạn hơn.

Từ kỳ vọng đến thực tế: Tiến độ và thách thức

Dù được kỳ vọng hoàn thành vào năm 2022 nhân dịp kỷ niệm 75 năm độc lập của Ấn Độ, đến nay dự án đã chậm 6 năm, dự kiến hoàn tất vào năm 2028. Lý do chính là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại bang Maharashtra – nơi đặt thành phố Mumbai. Nhiều nông dân phản đối việc bị thu hồi đất, lo ngại mất sinh kế, trong khi chính quyền địa phương chậm trễ trong bồi thường, gây chậm tiến độ nghiêm trọng.

Tính đến giữa năm 2024, hơn 60% mặt bằng đã được bàn giao, chủ yếu thuộc bang Gujarat. Các đoạn cầu cạn, hầm xuyên biển dài 7 km gần Mumbai, các nhà ga hiện đại và trung tâm huấn luyện kỹ sư tại Vadodara đang dần hình thành. Tuy nhiên, sự thiếu đồng thuận xã hội, tranh cãi chính trị, và rào cản pháp lý vẫn là những thách thức lớn cần vượt qua.

Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục coi đây là “dự án biểu tượng” cho chính sách “Ấn Độ mới”, kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo hạ tầng mà còn khẳng định tư duy và năng lực thực thi của một quốc gia hiện đại.

Nếu thành công, tuyến Mumbai – Ahmedabad sẽ là mô hình mẫu cho các tuyến cao tốc khác như Delhi – Varanasi, Mumbai – Nagpur… mở ra chương mới cho hạ tầng Ấn Độ – hiện đại hơn, kết nối hơn và bền vững hơn.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Tuyến đường sắt cao tốc lựa chọn 100% công nghệ Shinkansen của Nhật Bản, liệu có thể trở thành "biểu tượng tiên phong" cho quốc gia giáp Trung Quốc này
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO