Tuyến đường sắt cao tốc hơn 860.000 tỷ đồng, áp dụng công nghệ chuẩn châu Âu, giờ thành công vượt xa mọi dự báo ban đầu
Tuyến đường sắt cao tốc này dài 1.300 km đã trở thành biểu tượng hạ tầng hiện đại của quốc gia này.
Tuyến đường sắt cao tốc thành công nhất thế giới
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải dài hơn 1.300 km, là một trong những dự án hạ tầng tham vọng và thành công nhất mà Trung Quốc từng thực hiện. Khởi công năm 2008 và khai trương tháng 6/2011, dự án này kết nối thủ đô Bắc Kinh và trung tâm kinh tế Thượng Hải, hai thành phố quan trọng bậc nhất của Trung Quốc.

Với tổng vốn đầu tư hơn 220 tỷ nhân dân tệ (khoảng 860.000 tỷ VNĐ thời điểm đó), đây từng là tuyến đường sắt cao tốc đắt nhất thế giới. Dù vậy, tuyến nhanh chóng chứng minh hiệu quả vận hành, khi chỉ sau vài năm đã đạt sản lượng khai thác và doanh thu vượt xa kỳ vọng.
Tốc độ thiết kế tối đa của tuyến lên đến 350 km/h, vận tốc khai thác thương mại ổn định từ 300–350 km/h. Thời gian di chuyển giữa hai thành phố lớn nhất Trung Quốc được rút ngắn còn khoảng 4 giờ 20 phút, thay vì 12–14 giờ bằng tàu thường.
Ngay từ năm 2015, tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải đã đạt điểm hòa vốn và bắt đầu tạo lợi nhuận. Tính riêng năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tuyến ghi nhận 215 triệu lượt hành khách, lập kỷ lục toàn cầu về lưu lượng hành khách trên một tuyến đường sắt cao tốc.
Từ “cỗ máy in tiền” đến doanh nghiệp niêm yết
Với hơn 200–220 đoàn tàu hoạt động mỗi ngày, vận chuyển trung bình nửa triệu lượt khách, tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải đã trở thành “cỗ máy in tiền” hiếm hoi trong mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc. Năm 2019, doanh thu tuyến đạt khoảng 31 tỷ nhân dân tệ, lợi nhuận ròng vượt 11 tỷ nhân dân tệ (hơn 40.000 tỷ VNĐ).
Một dấu mốc đáng chú ý là việc công ty vận hành tuyến – Công ty Cổ phần Đường sắt Cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải chính thức IPO trên sàn Thượng Hải tháng 1/2020. Đây là lần đầu tiên một tuyến cao tốc được tách riêng thành doanh nghiệp niêm yết công khai. Thương vụ IPO gây chú ý lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế và nội địa.
Về mặt kỹ thuật, tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải cũng thiết lập nhiều chuẩn mực mới. Hơn 70% chiều dài tuyến xây trên cầu cạn cao, giảm tác động dân cư và bảo đảm tốc độ ổn định. Tuyến được trang bị công nghệ tín hiệu CTCS-3, tương đương chuẩn ETCS cấp độ 2 của châu Âu, giúp quản lý vận hành tự động hóa toàn tuyến.
Các đoàn tàu Fuxing CR400AF và CR400BF chạy trên tuyến là thế hệ tàu cao tốc tiên tiến nhất Trung Quốc, đạt vận tốc thương mại 350 km/h, tích hợp tiện nghi và các công nghệ hiện đại như hệ thống kiểm soát điều hòa, giảm rung lắc, quản lý tiêu thụ năng lượng hiệu quả.
Tác động sâu rộng về kinh tế – xã hội
Không chỉ mang lại doanh thu ấn tượng, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải còn có tác động xã hội lớn. Tuyến đã góp phần giảm mạnh lượng hành khách phụ thuộc đường hàng không trên trục Bắc – Nam sầm uất nhất Trung Quốc, đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế dọc tuyến.
Các thành phố như Tế Nam, Nam Kinh, Từ Châu đã tận dụng hạ tầng cao tốc để phát triển mạnh bất động sản, logistics, du lịch và dịch vụ. Nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ đúng giờ hơn 95% và trải nghiệm hành khách tốt đã góp phần củng cố uy tín của tàu cao tốc Trung Quốc.
Mô hình này cũng cho thấy điều kiện tiên quyết để đường sắt cao tốc đạt hiệu quả bền vững: nhu cầu hành khách lớn, thu nhập dân cư đủ cao để chi trả và tần suất khai thác dày đặc. Trong khi một số tuyến cao tốc miền Trung, miền Tây Trung Quốc vẫn thua lỗ, phải nhận hỗ trợ ngân sách, thì tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải là ví dụ tiêu biểu về tính khả thi kinh tế.
Sau hơn một thập kỷ vận hành, tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải đã trở thành biểu tượng toàn cầu về năng lực phát triển hạ tầng hiện đại, chứng minh vai trò trung tâm của đường sắt cao tốc trong cải thiện kết nối vùng, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.