Mô hình mới

Tưởng đổ sông đổ bể, nông dân Kiên Giang nuôi thứ "nhỏ nhỏ, cứng cứng" giờ mỗi năm bất ngờ thu cả tỷ đồng

Nguyễn Trang 17/05/2025 6:00

Nông dân Hà Tiên (Kiên Giang) đang đổi đời nhờ mô hình nuôi trồng mới, kiếm về được khoản thu nhập ổn định mỗi năm.

Biến biển cả thành sinh kế bền vững

Nằm cách đất liền từ 18 đến 28 km, xã đảo Tiên Hải (TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) từng là vùng đất xa xôi, ít được biết đến. Thế nhưng, sau hơn 4 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, vùng biển này đang chuyển mình mạnh mẽ. Với 16 đảo nổi và 2 đảo chìm, Tiên Hải không chỉ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là nơi nhiều nông dân đổi đời nhờ phát triển kinh tế biển.

Cơ sở hạ tầng của xã Tiên Hải đã được cải thiện đáng kể: các tuyến đường được bê tông hóa, hệ thống điện chiếu sáng toàn xã, nhà cửa ngày càng khang trang. Sự phát triển của ngành du lịch cũng góp phần nâng cao đời sống người dân khi toàn xã đã có 16 cơ sở lưu trú phục vụ hơn 70.000 lượt khách trong năm 2024. Nhưng quan trọng hơn cả là biển không chỉ mang đến du khách, mà còn mang đến cơ hội làm giàu cho người nông dân nơi đây.

Ông Phan Văn Đắc - thành viên Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch ấp Hòa Phầu, xã Thuận Yên (TP. Hà Tiên) thu hoạch nghêu
Ông Phan Văn Đắc - thành viên Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch ấp Hòa Phầu, xã Thuận Yên (TP. Hà Tiên) thu hoạch nghêu (Ảnh: Báo Kiên Giang)

Tại xã ven biển Thuận Yên, cách trung tâm Hà Tiên không xa, người dân đang đổi đời nhờ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi nghêu. Điển hình là ông Ong Vĩnh Kim – Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản và du lịch ấp Hòa Phầu, người đã gắn bó với nghề nuôi nghêu hơn 10 năm. Ông Kim cho biết: "Trước đây người ta ví nuôi nghêu như đem tiền đổ biển. Bây giờ thì khác, đầu tư vốn ít, ít tốn công mà thu lời cao. Gia đình tôi thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm từ nuôi nghêu".

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng biển

Xã Thuận Yên được xác định là vùng ven biển có nhiều lợi thế về nuôi trồng thủy sản. Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng này, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết riêng về phát triển kinh tế biển. Ông Cao Hùng Mạnh – Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản xuất và thu nhập. Các mô hình kinh tế biển như nuôi nghêu, nuôi tôm, cua, cá kết hợp đánh bắt truyền thống đang mang lại hiệu quả rõ rệt.

Chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, xã đã thu hoạch được gần 16 tấn tôm, cua, cá, hơn 45 tấn nghêu và hơn 8,5 tấn hải sản đánh bắt. Những con số này là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng biển. Ông Mạnh khẳng định: “Từ con nghêu, con tôm, nhiều hộ đã thoát nghèo và bắt đầu làm giàu trên mảnh đất quê hương mình”.

Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình còn kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và làm du lịch cộng đồng, góp phần đa dạng hóa nguồn thu và tạo việc làm cho lao động địa phương. Mô hình này đang ngày càng được nhân rộng, không chỉ ở Thuận Yên mà còn tại các xã ven biển khác của TP. Hà Tiên.

Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển

Thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Hà Tiên đang tích cực triển khai các chương trình hành động cụ thể. Nhiều dự án quan trọng được thành phố đầu tư như tuyến đường ven biển, khu nghỉ dưỡng cao cấp Mũi Nai, khu nhà ở nghỉ dưỡng Tiên Hải… Hạ tầng từng bước được hoàn thiện để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển dài hạn.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Tiên – ông Trần Hải Quốc nhấn mạnh: “Thành phố xác định kinh tế biển là mũi nhọn phát triển. Trong đó, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững sẽ là định hướng cốt lõi”. Theo ông, sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân là yếu tố then chốt để Hà Tiên không chỉ phát triển mạnh về kinh tế biển mà còn đảm bảo an sinh xã hội và bảo tồn hệ sinh thái vùng ven biển.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Tưởng đổ sông đổ bể, nông dân Kiên Giang nuôi thứ "nhỏ nhỏ, cứng cứng" giờ mỗi năm bất ngờ thu cả tỷ đồng
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO