Tưởng chừng khó giữ, nông dân Quảng Nam hồi sinh thành công thứ "đặc sản" bị lãng quên, mỗi hecta giờ thu cả trăm triệu
Nhờ chính sách hỗ trợ đúng hướng, nông dân Quảng Nam phục hồi đặc sản truyền thống thành mô hình kinh tế hiệu quả.
Vùng chè hồi sinh từ cơ chế hỗ trợ đúng hướng
Từng là vùng đồi khô cằn của huyện Đại Lộc (Quảng Nam), xã Đại Thạnh giờ đây được biết đến là cái nôi của đặc sản chè xanh An Bằng – loại chè nổi tiếng với vị chát hậu ngọt, đậm hương núi đồi. Trải qua thời gian dài bị mai một, cây chè nay đã được nông dân và chính quyền địa phương phục hồi mạnh mẽ nhờ chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn và trang trại.

Tại thôn An Bằng, gia đình bà Bùi Thị Hương là một trong những hộ đi đầu. Sở hữu 3.500m² vườn chè với nhiều gốc chè 40–50 năm tuổi, bà Hương đã nhận được khoản hỗ trợ hơn 30 triệu đồng từ chương trình để đầu tư giếng khoan, hệ thống tưới tự động và phân bón cải tạo đất. Nhờ đó, vườn chè phát triển xanh tốt, có thể thu hoạch quanh năm thay vì chỉ hai lứa như trước kia.
“Mỗi năm tôi thu về hơn 100 triệu đồng từ việc bán chè tươi. Cây chè giờ không chỉ là cây truyền thống mà còn là cây làm kinh tế thực thụ,” bà Hương chia sẻ.
Nông dân hưởng lợi kép: giảm chi phí, tăng thu nhập
Cũng như bà Hương, ông Phạm Bảy – một nông dân khác ở Đại Thạnh đã đầu tư cải tạo hàng nghìn mét vuông vườn chè nhờ chính sách hỗ trợ. “Chỉ cần bật công tắc, hệ thống tưới hoạt động tự động, tiết kiệm công sức mà hiệu quả lại cao,” ông Bảy cho biết. Với lợi thế vùng gò đồi, ông tận dụng nguồn hỗ trợ để khoan giếng sâu, chủ động nước tưới trong mùa khô – yếu tố từng là thách thức lớn với cây chè ở địa phương.

Tại thôn Tây Lễ, ông Huỳnh Văn Dũng có hơn 1.000m² chè xen canh cây ăn quả. Từ khi vườn chè có đủ nước, cây phát triển khỏe, đẻ nhánh đều và cho năng suất ổn định. Dù chưa đầu tư chế biến sâu, việc bán chè tươi đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân như ông Dũng.
Với các hộ đang làm hồ sơ xin hỗ trợ như ông Đoàn Ngọc Hà – chủ vườn chè 2.500m² sự đồng hành của chính quyền được xem là động lực giúp nông dân mạnh dạn đầu tư. “Chè An Bằng không cần chăm sóc cầu kỳ, trồng một lần có thể thu hoạch cả chục năm. Nay được tiếp cận cơ chế mới, tôi sẽ cố gắng cải tạo thêm để vườn chè đẹp hơn, sạch hơn,” ông Hà nói.
Phát triển vùng chè bền vững: Không chỉ là chuyện nước tưới
Theo bà Lê Thị Xuân Nương – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh toàn xã hiện còn khoảng 30 hộ trồng chè xanh với tổng diện tích khoảng 15ha. Trong đó, 8 hộ đã được hỗ trợ từ Nghị quyết 35, chủ yếu tập trung tại thôn An Bằng. Các hộ được hỗ trợ đầu tư giếng, hệ thống tưới, phân bón và vật tư để cải tạo vườn chè.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ có diện tích lớn nhưng trồng trên đất nương rẫy không gắn với vườn nhà nên chưa đủ điều kiện tiếp cận chính sách. Đây là thách thức cần tháo gỡ nếu muốn mở rộng quy mô vùng chè An Bằng và biến cây chè thành cây chủ lực.
Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân nhận thức rõ lợi ích của kinh tế vườn, đồng thời hỗ trợ thủ tục tiếp cận chính sách. Một trong những mục tiêu quan trọng là thu hút các cơ sở chế biến để nâng cao chuỗi giá trị cho sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu chè An Bằng gắn với du lịch sinh thái và văn hóa địa phương.