"Tuổi già nhưng trí không già" - Người nông dân 70 tuổi đổi đời nhờ giống cây trồng không giống ai
Với tư duy đổi mới trong nông nghiệp, một nông dân ở Long An đã chuyển sang trồng loại cây mới ít ai chọn ở miền Tây.
Dám nghĩ, dám làm: Lối đi riêng của một người nông dân Long An
Giữa những cánh đồng lúa bạt ngàn của xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Lự – một nông dân bước sang tuổi 70 vẫn đều đặn gắn bó với ruộng vườn. Không phải với lúa hay thanh long như nhiều người cùng quê, mà là những luống hòe xanh tốt cho ra nụ hoa, nguyên liệu làm trà thảo dược được chứng nhận OCOP 3 sao.

Câu chuyện của ông Lự không chỉ là hành trình đổi đời từ đôi bàn tay trắng, mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần sáng tạo trong nông nghiệp. Thời điểm khởi đầu, gia đình ông thuộc diện khó khăn, làm nông để “đủ ăn đã là may”. Khi vợ chồng ông sinh thêm năm người con, gánh nặng cơm áo càng lớn nhưng cũng là động lực để ông tìm hướng đi mới.
Nghĩ rằng “phải làm khác người ta thì mới đổi đời”, ông Lự quyết định trồng dưa hấu giữa một cánh đồng toàn lúa. Ban đầu, người dân xung quanh cho rằng ông liều lĩnh, thậm chí… hơi "khác thường". Nhưng vụ đầu tiên thu hoạch 20 tấn dưa với giá bán tốt đã giúp ông có vốn, từ đó chuyển sang trồng các loại rau màu, nuôi gà vịt, từng bước xây được căn nhà khang trang cho gia đình.
Cây hòe – Canh bạc nông nghiệp mang lại quả ngọt
Sau một thời gian trồng thanh long rồi phá bỏ vì giá lao dốc, ông Lự tiếp tục “đi ngược đám đông” khi quyết định chuyển toàn bộ 8.000 m² đất sang trồng cây hòe – một loài dược liệu hầu như chưa ai trồng ở miền Tây Nam Bộ. “Người ta nói vợ chồng tôi điên, vì không thử nghiệm mà trồng một lần cả mấy ngàn mét vuông,” ông Lự nhớ lại.
Nhờ nghiên cứu sách vở và tìm hiểu kỹ lưỡng trên mạng, ông nắm vững kỹ thuật trồng và hiểu rõ tác dụng của hoa hòe trong y học cổ truyền – giúp hạ huyết áp, cầm máu, phòng ngừa tai biến mạch máu não. Khi trồng tại miền Nam, ông phát hiện cây hòe ra hoa quanh năm, không "ngủ đông" như ở miền Bắc, mang lại sản lượng ổn định hơn.
Tuy vậy, hành trình không trải đầy hoa hồng. Thời gian đầu, cây bị ốc sên, nấm bệnh và côn trùng phá hoại. Ông Lự sáng tạo trong cách khắc phục bằng cách tận dụng xác dừa trộn thuốc rải khắp ruộng. Dần dần, vườn hòe ổn định, cho thu hoạch đều. Trung bình mỗi ngày, ông thu 20 kg nụ hoa tươi, sau đó đem phơi, sấy và sàng lọc để chế biến thành trà.

Sản phẩm Trà hoa hòe Nguyễn Lự hiện được tiêu thụ ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Một số doanh nghiệp đã tìm đến để bàn việc hợp tác tiêu thụ lâu dài, thậm chí có cả khách nước ngoài ghé thăm vườn. Đặc biệt, toàn bộ quá trình canh tác sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học, đảm bảo yếu tố an toàn và thân thiện với môi trường.
Giờ đây, dù các con đã thành đạt và mong cha mẹ nghỉ ngơi, ông Lự vẫn lựa chọn tiếp tục lao động. “Tôi thấy một ngày trôi qua sẽ dài hơn nếu không làm gì cả. Làm nông quen rồi, nghỉ lại không chịu được,” ông cười hiền chia sẻ.