Mô hình mới

Từng trồng sắn lỗ nặng, nông dân Quảng Trị đổi sang trồng cây “ít ai để ý”, giờ lãi hơn trăm triệu mỗi năm

Ngọc Linh 25/05/2025 20:53

Trồng thứ này giúp nông dân Quảng Trị cải thiện thu nhập, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả và giữ được sự ổn định kinh tế.

Từ cây phụ sang cây chủ lực nhờ hiệu quả rõ rệt

Những ngày giữa tháng 5, nếu đi qua các xã Cam Nghĩa và Cam Chính (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), không khó để bắt gặp hình ảnh những vườn riềng xanh ngắt, cao quá đầu người, trải rộng khắp sườn đồi. Cây riềng từng chỉ là loại cây phụ trồng ven bờ, nay đã trở thành lựa chọn chính của nhiều nông dân địa phương nhờ hiệu quả kinh tế ổn định, ít sâu bệnh và dễ tiêu thụ.

Người dân thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, cắt tỉa củ riềng chuẩn bị bán cho thương lái
Người dân thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, cắt tỉa củ riềng chuẩn bị bán cho thương lái (Ảnh: Báo Quảng Trị)

Ông Trần Ngọc Hiệp (56 tuổi) ở thôn Bảng Sơn là một trong những người tiên phong phát triển mô hình trồng riềng thương phẩm.

Trên diện tích 6 sào, ông trồng khoảng 400 bụi riềng mỗi sào, thu về trên 3 tấn củ/sào. Với giá bán từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 20 triệu đồng/sào mỗi năm, mức thu nhập vượt trội so với cây sắn, hồ tiêu hay cao su già cỗi.

Theo ông Hiệp, cây riềng rất phù hợp với chất đất đỏ ba dan vùng Cùa, dễ trồng, không tốn công chăm sóc và hầu như không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật nhờ tinh dầu tự nhiên chống sâu bệnh. Ngoài giá trị từ củ, lá riềng cũng được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi và làm giống tái canh.

Tại xã Cam Chính, ông Trần Triền ở thôn Mai Đàn cho biết đã chuyển sang trồng riềng từ ba năm nay sau khi cây sắn bị dịch bệnh khảm lá và không còn hiệu quả. “Riềng dễ trồng, ít chi phí, lại bán được giá nên mỗi sào cho thu nhập trên 15 triệu đồng, giúp gia đình tôi có thêm khoản ổn định lo cho cuộc sống,” ông chia sẻ.

Cây riềng lan rộng – tín hiệu mới cho cơ cấu cây trồng vùng gò đồi

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là bài toán sống còn với nông dân vùng đồi núi Quảng Trị khi các loại cây truyền thống như sắn, hồ tiêu hay cao su gặp nhiều rủi ro về sâu bệnh và giá cả bấp bênh. Trước thực tế đó, cây riềng với sức sống bền bỉ, năng suất ổn định và đầu ra tương đối tốt đã được người dân vùng Cùa lựa chọn thay thế trên diện rộng.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền – Trưởng thôn Mai Đàn, hiện có hơn 30/100 hộ dân trong thôn trồng riềng với quy mô phổ biến từ 2 – 3 sào/hộ. “So với sắn hay hồ tiêu, cây riềng không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư ban đầu nhưng cho thu nhập tốt hơn. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh nhiều nông dân gặp khó với cây trồng truyền thống,” bà nói.

Xã Cam Nghĩa hiện có khoảng 15 ha diện tích trồng riềng, chủ yếu trong vườn nhà. Năng suất trung bình đạt 24 – 25 tấn/ha sau 1 năm, nếu kéo dài đến 18 tháng, có thể đạt tới 38 – 40 tấn/ha. Theo ông Lê Song Hào – Phó Chủ tịch UBND xã, cây riềng từng được trồng nhỏ lẻ, phục vụ tiêu dùng cá nhân nhưng đã bùng nổ trong 5 năm gần đây khi người dân chủ động chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả.

“Đầu ra hiện nay vẫn khá ổn định, giá dao động từ 7.000 – 8.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để bảo đảm không dư thừa, xã đang khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích vượt quá 25 ha. Chúng tôi muốn đảm bảo sự cân đối giữa cung – cầu, tránh tình trạng trồng ồ ạt rồi mất giá,” ông Hào thông tin.

Hướng đi cần bền vững: hỗ trợ thị trường, giữ ổn định đầu ra

Sự chuyển đổi sang trồng riềng cho thấy tinh thần chủ động và linh hoạt của nông dân vùng Cùa trong việc thích ứng với biến động thị trường nông sản. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là sự phụ thuộc vào thương lái thu mua nhỏ lẻ và thiếu chuỗi tiêu thụ ổn định.

Chính quyền địa phương và người dân đều kỳ vọng trong thời gian tới, các cấp ngành sẽ quan tâm hơn đến việc xây dựng thương hiệu, cấp mã vùng trồng, xúc tiến kết nối doanh nghiệp để sản phẩm riềng vùng Cùa có thể mở rộng thị trường, nhất là vào chuỗi cung ứng chế biến và siêu thị.

Trong khi đó, người trồng riềng như ông Hiệp, ông Triền hay hàng chục hộ dân khác ở Cam Chính, Cam Nghĩa vẫn đang tiếp tục gìn giữ từng gốc riềng xanh để duy trì nguồn thu nhập đều đặn – một thành quả có được từ sự chịu khó, bền bỉ và khả năng thích nghi của nông dân trong thời kỳ sản xuất nhiều biến động.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Từng trồng sắn lỗ nặng, nông dân Quảng Trị đổi sang trồng cây “ít ai để ý”, giờ lãi hơn trăm triệu mỗi năm
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO