Mô hình mới

Từng thất bại không ít lần, nông dân Huế chọn trồng loài quả “ da căng vị ngọt” kết hợp với rừng cây, mỗi năm cầm tay hơn 200 triệu đồng

Ngọc Linh 05/07/2025 6:00

Người nông dân Huế đã biến hơn 3.000m² đất vườn khô cằn thành khu vườn mới độc lạ, giúp gia đình ổn định thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.

Bền bỉ vượt khó trên mảnh đất ven đồi

Trong nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Thương (sinh năm 1972), một nông dân ở thôn Khe Sòng, TP. Huế đã kiên trì gây dựng kinh tế trên diện tích đất vườn và đất rừng nhiều hạn chế về thổ nhưỡng. Trải qua không ít thất bại, anh vẫn quyết tâm tìm hướng đi mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhờ đó từng bước ổn định thu nhập.

Diện tích vườn nhà anh rộng hơn 3.000m², chủ yếu là đất ven đồi khô cằn, ít dinh dưỡng. Trước đây, anh Thương từng thử nghiệm trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau nhưng không đem lại hiệu quả. Sau một thời gian dài tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều hộ nông dân thành công, đến năm 2019, anh quyết định chuyển toàn bộ sang trồng bưởi da xanh – giống cây đòi hỏi chăm sóc công phu nhưng phù hợp hơn với điều kiện địa phương.

Sau sáu năm trồng, nay vườn bưởi da xanh của anh Thương cho năng suất cao
Sau sáu năm trồng, nay vườn bưởi da xanh của anh Thương cho năng suất cao (Ảnh: huengaynay.vn)

“Ban đầu, tôi cũng khá lo lắng vì cây bưởi da xanh cần tưới nước đều đặn, bón phân đúng cách, trong khi đất đai ở đây cằn cỗi. Nhưng khi thấy cây sinh trưởng tốt, năng suất cao, tôi rất vui. Ba năm đầu chỉ chăm sóc, không thu được gì, nhưng đến năm thứ tư thì vườn bắt đầu cho quả chất lượng,” anh Thương chia sẻ.

Tận dụng tiềm năng đất rừng để phát triển kinh tế

Ngoài vườn cây ăn quả, anh Thương còn sở hữu hơn 7 ha rừng trồng keo lai. Đây là kết quả của nhiều năm dày công khai phá, chăm sóc, từ những ngày khó khăn chỉ có “cơm đùm mắm bới” đi cuốc đất, dọn cỏ.

“Lúc mới trồng rừng, tôi không có vốn thuê người làm, tự mình phải dọn từng cây tạp, đào từng hố đất. Nhiều khi cũng nản nhưng nghĩ rằng đất sẽ không phụ công người, tôi lại cố gắng”, anh Thương kể.

Cây keo lai
Cây keo lai cũng mang lại thêm thu nhập cho anh Thương

Nhờ kiên trì duy trì diện tích rừng kinh tế, gia đình anh đã có nguồn thu đáng kể từ bán gỗ keo khi đến kỳ khai thác. Không chỉ vậy, anh còn kết hợp chăn nuôi bò để tận dụng thảm cỏ và nguồn phân bón tự nhiên, tăng hiệu quả kinh tế tổng hợp.

Hiện tại, trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng từ trồng bưởi, khai thác keo và chăn nuôi. Đây là kết quả đáng ghi nhận đối với một hộ nông dân trên vùng đất đồi ven Huế.

Điển hình nông dân gương mẫu và trách nhiệm

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Nguyễn Văn Thương còn tích cực tham gia công tác cộng đồng. Bà Trần Thị Tình – Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Sòng nhận xét: “Anh Thương là một trong những nông dân tiêu biểu của thôn. Không chỉ sản xuất giỏi, anh còn là thành viên tích cực trong lực lượng an ninh cơ sở. Anh sẵn sàng hỗ trợ bà con kinh nghiệm sản xuất và đóng góp vào các hoạt động xã hội.”

Qua quá trình nỗ lực bền bỉ, anh Thương đã chứng minh rằng dù đất đai khô cằn, thu nhập ban đầu thấp, người nông dân vẫn có thể thay đổi cuộc sống nhờ quyết tâm và sáng tạo. Mô hình kết hợp trồng cây ăn quả, trồng rừng và chăn nuôi của anh đang là hướng đi mà nhiều hộ khác ở địa phương tham khảo, học tập.

Anh Thương cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư thêm hệ thống tưới tự động và mở rộng diện tích bưởi da xanh. Đồng thời, anh dự kiến tìm thêm các giống cây ăn quả phù hợp khác để đa dạng sản phẩm, giảm rủi ro về thị trường và thời tiết.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Từng thất bại không ít lần, nông dân Huế chọn trồng loài quả “ da căng vị ngọt” kết hợp với rừng cây, mỗi năm cầm tay hơn 200 triệu đồng
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO