Từng phụ thuộc 65% vào dầu Nga, quốc gia này bất ngờ quay lại nhập khẩu sau thời gian ‘cai nghiện’ ngắn ngủi
Sau thời gian ngắn tạm dùng, một quốc gia từng phụ thuộc 65% dầu Nga bất ngờ quay trở lại nhập khẩu, bất chấp các lệnh trừng phạt phương Tây.
Theo Oilprice, Công ty lọc dầu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ – Turkiye Petrol Rafinerileri (Tupras) đã quyết định quay trở lại mua dầu thô Ural của Nga sau một thời gian ngắn tạm dừng do các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Động thái này khiến giới quan sát bất ngờ, nhất là khi quốc gia này từng tuyên bố dừng toàn bộ việc mua dầu vượt mức giá trần của G7.

Sự trở lại lần này được thúc đẩy bởi yếu tố quan trọng: giá dầu Nga đã giảm xuống dưới mức trần do G7 áp đặt, khiến nó trở thành nguồn cung hấp dẫn về mặt tài chính. Cụ thể, giá dầu Ural của Nga đã rơi xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng – mức trần mà các nước phương Tây áp đặt nhằm hạn chế dòng tiền của Moscow kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.
Tupras đã nhanh chóng tận dụng cơ hội, tiếp tục ký hợp đồng nhập khẩu khi giá dầu Nga chạm đáy – mức thấp nhất kể từ năm 2023.
Tháng 2/2025, Tupras từng phát đi tuyên bố mạnh mẽ rằng sẽ dừng hoàn toàn việc mua mọi loại dầu và sản phẩm từ Nga nếu không tuân thủ mức giá trần. Thậm chí, công ty còn tuyên bố chuyển hướng nhập khẩu sang những quốc gia xa xôi như Brazil để giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung từ Moscow.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một kịch bản khác: khi giá dầu Nga giảm sâu, tính toán kinh tế buộc Tupras phải quay lại thị trường này.
Theo dữ liệu từ hãng phân tích Vortexa và Reuters, hiện Tupras đã tiếp tục các chuyến hàng dầu Ural từ Nga kể từ đầu tháng 4, trùng thời điểm giá dầu giảm mạnh trên thị trường quốc tế.
Tupras vốn là một trong những người mua dầu Nga lớn nhất thế giới sau năm 2022. Trong năm 2023, công ty này nhập khẩu trung bình 225.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Nga, tương đương 65% tổng lượng dầu nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Con số này tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước khủng hoảng: từ mức 122.000 thùng/ngày vào năm 2021, lên 178.000 thùng/ngày năm 2022, và đạt đỉnh năm 2023.
Tupras hiện vận hành 4 nhà máy lọc dầu lớn, trong đó có Izmit và Izmir – 2 cơ sở lọc dầu quy mô hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty trực thuộc tập đoàn đa ngành Koç Holding, có trụ sở tại Istanbul.
Giá dầu Ural đã giảm mạnh trong thời gian gần đây, xuống mức dưới 50 USD/thùng – thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến nhiều quốc gia, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, quay lại nhập khẩu dù từng tuyên bố ngừng mua.
Việc dầu Nga giảm giá cũng khiến các tàu chở dầu phương Tây quay trở lại thị trường này. Hiện 43% số chuyến hàng dầu Nga trong tháng đã được vận chuyển trên các tàu do phương Tây sở hữu hoặc bảo hiểm – điều từng bị cấm nếu giá dầu vượt trần 60 USD/thùng.
Quyết định "quay xe" của Tupras cho thấy một thực tế: khi áp lực chi phí và giá cả gia tăng, yếu tố kinh tế có thể chi phối cả các cam kết chính trị.
Bất chấp lệnh trừng phạt, việc giá dầu Nga giảm sâu khiến nước này tiếp tục giữ vị thế trên thị trường quốc tế, đặc biệt là ở các thị trường "thân thiện" hoặc trung lập. Theo chiến lược mới của Nga đến năm 2050, quốc gia này đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu và duy trì sản lượng dầu ở mức cao ổn định.
Diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ không phải là trường hợp duy nhất. Trong bối cảnh giá dầu biến động mạnh, lệnh trừng phạt thiếu đồng thuận, nhiều quốc gia có thể tiếp tục "linh hoạt" trong chiến lược năng lượng của mình, nhất là khi giá cả là yếu tố sống còn trong cân bằng kinh tế quốc gia.
Việc các doanh nghiệp năng lượng như Tupras quay lại thị trường Nga cho thấy giới đầu tư, doanh nghiệp vẫn đang tính toán kỹ lưỡng các lợi ích tài chính trước các ràng buộc địa chính trị.