Mô hình mới

Từng là hàng thải nay lại là “vàng quý”, nông dân An Giang biến tấu giống trái này ra sản phẩm đặc biệt, bán lúc nào cũng có lãi

Bạch Băng 23/07/2025 10:59

Một nông dân ở An Giang đã thành công với mô hình chế biến trà uống từ nông sản dư thừa.

Từ trái bị loại đến ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp

nông dân chính hiệu, anh Nguyễn Tấn Đậu (39 tuổi, xã Giồng Riềng, An Giang) thấu hiểu nỗi vất vả của người làm nông, nhất là khi nông sản không có đầu ra ổn định. Gắn bó với vườn mãng cầu xiêm của gia đình rộng 3.000m² với 300 gốc, anh nhận thấy cứ vào mùa rộ, thương lái chỉ chọn trái đẹp, phần còn lại hư hao rất nhiều.

“Trái xấu bị bỏ lại gây lãng phí lắm, trong khi mãng cầu xiêm có nhiều công dụng cho sức khỏe. Tôi nghĩ tại sao không chế biến chúng thành trà?”, anh Đậu chia sẻ về cơ duyên khởi nghiệp từ nông sản bị bỏ đi.

Anh Đậu bên vườn mãng cầu nhà mình
Anh Đậu bên vườn mãng cầu nhà mình

Năm 2020, anh bắt đầu tìm hiểu cách sơ chế, bảo quản, thử nghiệm các phương pháp sấy khô khác nhau. Được Hội Nông dân xã tư vấn và bạn bè hỗ trợ, anh từng bước hoàn thiện quy trình từ chọn nguyên liệu, sơ chế, sấy, đóng gói, đến xây dựng thương hiệu. Sau nhiều lần điều chỉnh, trà mãng cầu 2 Đậu chính thức ra mắt thị trường và nhận được phản hồi tích cực.

Sản phẩm OCOP từ nông dân và chuỗi giá trị bền vững

Trà mãng cầu 2 Đậu được chế biến hoàn toàn từ phần thịt mãng cầu xiêm tươi, không dùng chất bảo quản hay phẩm màu. Điều quan trọng là phải chọn trái đúng độ chín: Nếu quá già khi sấy sẽ bị đen, quá non thì trà có vị chát, ảnh hưởng đến hương vị.

Mặt hàng của anh Đậu được cung ứng ra thị trường
Mặt hàng của anh Đậu được cung ứng ra thị trường

Mỗi công đoạn từ rửa, gọt, xắt lát, thái sợi đến sấy khô đều được thực hiện cẩn thận. Anh Đậu đặc biệt nhấn mạnh vai trò của khâu sấy vì nó quyết định màu sắc, độ khô và mùi hương của trà.

“Làm trà tốn công, nhưng nếu mình làm kỹ thì khách uống sẽ quay lại”, anh nói.

Sản phẩm nổi bật ở thiết kế bao bì giấy thân thiện với môi trường, đảm bảo tính thẩm mỹ và cam kết chất lượng. Trà có công dụng thanh lọc cơ thể, tăng đề kháng, hỗ trợ giấc ngủ, đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Hiện mỗi tháng cơ sở sản xuất khoảng 100 kg trà, bán giá 500.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/tháng.

Ngoài việc cải thiện thu nhập gia đình, anh Đậu còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương với mức thu nhập 100.000–200.000 đồng/ngày. Trà mãng cầu 2 Đậu hiện được phân phối qua đại lý, siêu thị và sàn thương mại điện tử, mở rộng khả năng tiếp cận người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Định hướng mở rộng và lan tỏa mô hình cho nông dân địa phương

Không dừng lại ở việc sản xuất nhỏ lẻ, anh Nguyễn Tấn Đậu đang tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu. Anh đã cải tạo lại vườn, trồng thêm 500 gốc mãng cầu xiêm trên diện tích 5.000 m² nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, chủ động cung ứng cho cơ sở sản xuất.

Trong tương lai, anh dự định kết nối các hộ nông dân có đất trống, cùng tham gia trồng mãng cầu, hình thành chuỗi sản xuất bền vững, nâng cao giá trị cho cây trồng vốn bị xem là “khó bán”. Mô hình không chỉ giúp giảm thất thoát nông sản, mà còn tạo hướng đi mới cho người trồng trong việc tận dụng nguồn nông sản dư thừa một cách hiệu quả.

Chính quyền địa phương và các cấp hội nông dân đã ghi nhận đóng góp của anh Đậu, hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay và quảng bá sản phẩm. Đây là minh chứng sống động cho tinh thần chủ động, sáng tạo của người nông dân thế hệ mới, biết ứng dụng công nghệ chế biến, tạo sản phẩm giá trị gia tăng từ chính những thứ tưởng như bỏ đi.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Từng là hàng thải nay lại là “vàng quý”, nông dân An Giang biến tấu giống trái này ra sản phẩm đặc biệt, bán lúc nào cũng có lãi
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO