Mô hình mới

Tự trồng – tự bán – tự mở tour: Mô hình dâu tây hữu cơ sáng tạo giúp chị nông dân Gia Lai đổi đời

Kim Dung 22/04/2025 21:00

Chị Nguyễn Thị Kim Loan (Gia Lai) thành công với mô hình dâu tây hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái, giải bài toán đầu ra và nâng thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.

Dâu tây hữu cơ – lựa chọn từ đam mê nông nghiệp sạch

Xuất phát từ niềm yêu thích nông nghiệp bền vững, chị Nguyễn Thị Kim Loan (làng Châm Prông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã bắt đầu trồng dâu tây từ năm 2019 trên diện tích 2 sào. Sau khi thấy giống dâu Hana Nhật Bản phù hợp với khí hậu và đất đai địa phương, chị mở rộng diện tích trồng lên hơn 1ha chỉ sau một năm.

dautay(1).jpg
Chị Nguyễn Thị Kim Loan (Gia Lai) thu về gần 400 triệu đồng từ mô hình này

Chị Loan áp dụng kỹ thuật canh tác hữu cơ hoàn toàn, sử dụng phân chuồng ủ hoai, đạm cá, tinh dầu tỏi và men sinh học để bón cho cây. Nhờ đó, vườn dâu phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, cho ra trái to, ngọt, giòn và an toàn cho sức khỏe. Dâu tây ra quả từ giữa tháng 12 đến tháng 4, trùng mùa lễ Tết, giúp sản phẩm bán được giá cao.

Giá bán dao động từ 200.000–400.000 đồng/kg, sản phẩm luôn được thương lái đến tận vườn thu mua. Trung bình mỗi năm, chị thu về gần 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Kết hợp du lịch trải nghiệm: Tăng giá trị, mở đầu ra

Ban đầu, chị Loan chỉ nghĩ đến việc bán lẻ dâu qua mạng xã hội. Nhưng khi chia sẻ hình ảnh vườn dâu hữu cơ lên Facebook, nhiều người tìm đến tham quan và tự hái dâu, giúp chị vừa tiêu thụ nhanh sản phẩm, vừa tiết kiệm công thu hoạch.

Tận dụng cơ hội, chị phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, mở cửa cho các hộ gia đình và trường học đưa học sinh đến tham quan, thu hoạch dâu tại vườn. Mô hình nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh và giáo viên, bởi trẻ nhỏ được tiếp xúc thực tế và sử dụng sản phẩm sạch ngay tại vườn.

Chị Phan Thị Xoan, giáo viên mầm non tại TP. Pleiku, chia sẻ: “Trẻ em vô cùng hào hứng khi được trải nghiệm hái dâu. Phụ huynh cũng yên tâm vì sản phẩm đảm bảo an toàn.”

Hiệu quả bền vững từ mô hình nông nghiệp hữu cơ

Bên cạnh sản xuất quả tươi, chị Loan còn tự nhân giống dâu từ cây mẹ để trồng cho vụ sau và bán cây giống cho các hộ dân khác. Mỗi năm, nguồn thu từ cây giống cũng mang lại thu nhập đáng kể. Ngoài ra, chị xen canh đậu phộng sau mỗi mùa thu hoạch để cải tạo đất, giúp duy trì độ tơi xốp và cân bằng dinh dưỡng.

Chị chia sẻ kinh nghiệm: “Dâu trồng trên đất mới sẽ phát triển tốt hơn đất cũ. Vì vậy tôi luôn xoay vòng cây trồng để đảm bảo đất không bị bạc màu.”

Theo ông Trần Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng, mô hình của chị Loan phù hợp với định hướng phát triển du lịch canh nông của địa phương, vừa tạo sinh kế, vừa quảng bá hình ảnh nông nghiệp sạch Gia Lai.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Tự trồng – tự bán – tự mở tour: Mô hình dâu tây hữu cơ sáng tạo giúp chị nông dân Gia Lai đổi đời
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO