Từ sáp nhập Kon Tum – Quảng Ngãi, Hải Dương – Hải Phòng, Gia Lai – Bình Định... thấy rõ bài toán "khó" lâu nay đang được tháo gỡ
Việc sáp nhập các tỉnh thành theo điểm này không chỉ giúp các địa phương vùng cao tiếp cận biển, mà còn tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế liên vùng.
Sáp nhập để mở rộng không gian hướng biển
Chủ trương sáp nhập hàng loạt tỉnh, thành theo trục Đông – Tây, kết nối các địa phương không có biển với các tỉnh ven biển, đang được xem là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa định hướng phát triển bền vững kinh tế biển đã được Trung ương đặt ra từ năm 2018. Cụ thể, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xác lập rõ mục tiêu đưa kinh tế biển trở thành một trụ cột của nền kinh tế quốc gia trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TS Đoàn Anh Tú (Đại học Khánh Hòa) cho rằng các phương án sáp nhập như Hải Phòng – Hải Dương, Quảng Ngãi – Kon Tum, Bình Định – Gia Lai, Đắk Lắk – Phú Yên, hay TP.HCM – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu, thể hiện rõ tính liên kết không gian biển với các vùng nội địa. Đáng chú ý, nhiều tỉnh Tây Nguyên vốn là khu vực cao nguyên không giáp biển, sắp tới sẽ có cảng biển thông qua sáp nhập với các tỉnh Duyên hải miền Trung. Sự thay đổi này mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tăng năng lực xuất khẩu, đồng thời tạo ra động lực mới cho giao thương liên vùng.
Không chỉ mở rộng không gian phát triển cho các tỉnh Tây Nguyên, việc gắn kết các địa phương vùng núi với hệ thống cảng biển còn giúp giải bài toán chiến lược dài hạn, tạo ra hành lang vận tải hướng biển phục vụ nông sản, khoáng sản và hàng hóa công nghiệp. TS Tú nhận định: “Trước đây, người ta đùa rằng đi Gia Lai hay Đắk Lắk để tắm biển là điều phi lý, nhưng sắp tới sẽ không còn là chuyện đùa nữa, bởi các địa phương này sẽ có biển”.
Liên kết vùng và bài toán trăm năm
Theo thống kê, sau sáp nhập, cả nước sẽ có 34 tỉnh, trong đó 21 tỉnh giáp biển – chiếm 62%, tăng đáng kể so với tỷ lệ 44% hiện tại. Toàn bộ 21 tỉnh ven biển mới đều sở hữu cảng biển, cho thấy việc tổ chức lại địa giới hành chính gắn liền với quy hoạch hạ tầng logistics và chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bản chất của định hướng này, theo TS Đoàn Anh Tú, không chỉ dừng ở việc mở rộng ranh giới hành chính mà còn nhằm giải quyết đồng thời các bài toán về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, bảo tồn sinh thái và đối ngoại. Ông dẫn chứng, các địa phương phía nam Lào và đông bắc Campuchia hiện gặp khó vì không có đường ra biển, khiến nông sản khó cạnh tranh. Nếu Việt Nam hình thành các trục giao thông ngang kết nối biên giới phía Tây với cảng biển phía Đông, không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa mà còn trở thành đầu mối xuất khẩu cho khu vực nội lục Đông Dương.
Sự thay đổi về địa giới tỉnh thành cũng kéo theo nhu cầu cấp thiết về hạ tầng. Hiện nay, các tuyến đường kết nối Đông – Tây như QL29 (Phú Yên – Đắk Lắk) hay QL28 (Bình Thuận – Lâm Đồng – Đắk Nông) còn hạn chế về mặt kỹ thuật, nhiều đèo dốc, mặt đường hẹp, cản trở vận chuyển hàng hóa. Khi các tỉnh được sáp nhập, áp lực và nhu cầu đầu tư vào các tuyến trục ngang sẽ tăng, buộc các địa phương phải nhanh chóng cải thiện hạ tầng để đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý hành chính.
TS Tú nhấn mạnh: “Chúng ta đã có hệ thống giao thông trục dọc vững mạnh như QL1, cao tốc Bắc – Nam, đường sắt Bắc – Nam. Bây giờ, cần thêm các tuyến trục ngang để đồng bộ hóa không gian phát triển. Muốn phát triển thì phải có điện, đường, trường, trạm – điều kiện cơ bản sẽ dễ dàng thực hiện hơn khi các tỉnh có nguồn lực chung”.
Cách mạng hành chính hướng đến tương lai
Việc sáp nhập tỉnh không chỉ là giải pháp phát triển kinh tế mà còn là một cuộc cách mạng hành chính. Theo TS Đoàn Anh Tú, định hướng đã có, phương pháp đã rõ, vấn đề còn lại là hành động quyết liệt. Ông ví von đây là bước chuyển mình lớn, giống như cách mạng – thay đổi cái cũ để mở ra cái mới. Sẽ có những cán bộ, người dân còn chưa thích nghi, nhưng thời gian và kết quả phát triển kinh tế sẽ là minh chứng rõ ràng nhất.
Việc sáp nhập các tỉnh không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy mà còn nhằm tối ưu hóa tài nguyên không gian, nâng cao khả năng thu hút đầu tư và nâng tầm vai trò của từng địa phương trong chuỗi giá trị quốc gia và quốc tế.