Xu hướng

Từ ảnh ảo đến giọng nói giả, từ AI Agent đến smartphone thông minh: Trí tuệ nhân tạo đang tái cấu trúc thế giới?

Đông Quân 22/04/2025 10:16

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra hơn 34 triệu ảnh mỗi ngày, thúc đẩy sáng tạo nhưng cũng kéo theo sự gia tăng của deepfake và các hành vi gian lận số.

34 triệu ảnh AI mỗi ngày: Khi thế giới tràn ngập hình ảnh do máy tạo ra

Từ cuối năm 2022 đến cuối 2024, trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo ra hơn 15 tỷ hình ảnh trên Internet, theo thống kê của Everypixel. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 34 triệu ảnh được sinh ra bởi các mô hình AI, tương đương 1,4 triệu ảnh/giờ hoặc hơn 23.000 ảnh/phút.

trí tuệ nhân tạo
Con người đang sử dụng trí tuệ nhân tạo trong gần như tất cả mọi lĩnh vực đời sống

Stable Diffusion là công cụ phổ biến nhất trong lĩnh vực này, nhưng hiện nay có hơn 2.000 công cụ AI khác tham gia vào quá trình tạo ảnh – từ ứng dụng cá nhân đến nền tảng chuyên nghiệp. Thống kê của ArtSmart cho thấy, trong giai đoạn 2022–2024, có tới 71% ảnh trên mạng xã hội là sản phẩm của AI, và con số này lên tới 77% ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo chuyên gia công nghệ Bernard Marr, "AI đang biến mạng xã hội thành một cuộc triển lãm sáng tạo số, nhưng cũng xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo".

Lừa đảo deepfake tăng hơn 2.000%: Mặt trái của trí tuệ nhân tạo

Cùng với sự phổ biến của AI tạo sinh, các nguy cơ an ninh số cũng ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của công ty Signicat (Na Uy), các vụ lừa đảo deepfake đã tăng 2.137% trong vòng ba năm. Trước 2022, mức tăng chỉ ở mức 0,01%, nhưng đến giai đoạn 2022–2024, công nghệ làm giả giọng nói, hình ảnh và video bằng AI đã trở thành một trong ba hình thức gian lận phổ biến nhất.

Đây là lời cảnh báo mạnh mẽ cho các nhà hoạch định chính sách toàn cầu về sự cần thiết phải xây dựng khung pháp lý kiểm soát AI, nhằm buộc doanh nghiệp và người dùng có trách nhiệm hơn khi sử dụng công nghệ này.

Cuộc đua nghìn tỷ: Trí tuệ nhân tạo trở thành tâm điểm đầu tư toàn cầu

Theo Business Insider, riêng trong năm 2025, các "ông lớn" công nghệ như Microsoft, Google, Apple, Amazon, Meta và OpenAI sẽ chi tổng cộng 320 tỷ USD cho nghiên cứu và triển khai các mô hình AI – con số vượt cả GDP của nhiều quốc gia đang phát triển.

Sự đầu tư khổng lồ này không chỉ thể hiện tầm quan trọng chiến lược của AI mà còn cho thấy đây là cuộc đua công nghệ sống còn trong định hình vị thế thị trường tương lai.

Cùng lúc, báo cáo của Statista cho thấy thị trường dịch vụ AI toàn cầu năm 2025 sẽ đạt 243 tỷ USD, và dự kiến chạm mốc 826,7 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm gần 28%.

AI Agent và AI trên thiết bị: Hai xu thế nổi bật năm 2025

Theo Deloitte Global, 25% doanh nghiệp sẽ bắt đầu triển khai AI Agent trong năm 2025. Đây là những hệ thống có thể tự thiết kế quy trình, xử lý các tác vụ phức tạp thay con người chứ không chỉ đơn giản hóa công việc như các công cụ AI hiện nay.

Ở lĩnh vực tiêu dùng, báo cáo của Deloitte cũng dự đoán 30% smartphone ra mắt năm 2025 sẽ có khả năng chạy mô hình AI trực tiếp trên thiết bị, thay vì phải phụ thuộc vào hạ tầng đám mây. Với laptop, tỷ lệ này có thể lên tới 50%.

Sự chuyển dịch từ AI đám mây sang AI cục bộ trên thiết bị cá nhân được kỳ vọng sẽ cải thiện hiệu năng, tăng độ ổn định và đặc biệt là bảo vệ quyền riêng tư tốt hơn.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Từ ảnh ảo đến giọng nói giả, từ AI Agent đến smartphone thông minh: Trí tuệ nhân tạo đang tái cấu trúc thế giới?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO