TS. Nguyễn Trí Hiếu: "Để không bị động trong tình hình mới, mỗi doanh nghiệp cần có ít nhất 3 kịch bản kinh doanh "
Mỹ tạm gia hạn thời gian áp thuế thêm 90 ngày đối với hàng hóa Việt Nam mở ra cơ hội đối thoại song phương. Triển vọng đàm phán thỏa thuận thương mại song phương trong đó có nội dung thuế quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã được mở ra. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn nghiêm trọng.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế tài chính, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu Việt Nam cho rằng Việt Nam phải có chiến lược ứng phó linh hoạt và tái cơ cấu thị trường, mô hình sản xuất nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững. Đối với các DN cần có ít nhất 3 kịch bản kinh doanh để không bị động.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc Mỹ áp thuế đối ứng lên mặt hàng xuất khẩu của các nước trong đó có Việt Nam sang Mỹ là biện pháp muốn các quốc gia phải nhượng bộ, chủ động đàm phán và đáp ứng một số yêu cầu của Mỹ.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu “chao đảo”.

Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên nghiêm trọng hơn, hai bên tuyên chiến và áp những mức thuế rất cao lên hàng hóa của nhau như hiện tại Mỹ tuyên bố mức thuế quan 145% cho hàng hóa Trung Quốc, ngược lại Trung Quốc cũng tuyên chiến và theo đuổi cuộc thương chiến với mức thuế quan 84% cho hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến cho các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, gián đoạn nguồn nguyên liệu và mất ổn định trong kế hoạch kinh doanh.
Đặc biệt, các doanh nghiệp tại Việt Nam - nơi vốn được xem là điểm đến thay thế cho hàng sản xuất Trung Quốc - cũng không tránh khỏi tác động.
Với vị trí nằm “sát vách” với Trung Quốc, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng hơn thì hàng hóa Trung Quốc sẽ vào Việt Nam nhiều hơn.
Có thể thấy hàng hóa Trung Quốc vận chuyển qua Việt Nam đều thuận tiện về đường bộ, đường xe lửa, đường thủy và đường hàng không. Chưa kể Việt Nam lại là quốc gia đang phát triển, thị trường có nhu cầu tiêu dùng cao, chất lượng sản phẩm Trung Quốc tốt, đi cùng với nó là giá cả phải chăng. Khi hàng hóa Trung Quốc được dịch chuyển tiêu thụ tại Việt một cách đại trà, hàng hóa của Việt Nam sẽ rất khó khăn trong việc cạnh tranh. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến không ít ngành nghề sản xuất tại Việt Nam cũng như nền kinh tế, mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và mức 2 con số trong những năm tiếp theo, ông Hiếu chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế tài chính, trong vòng 90 ngày tới khi lệnh áp thuế đối ứng 46% cho Việt Nam tạm hoãn, Việt Nam cần đề nghị Chính phủ Mỹ giải trình về mức thuế áp cho Việt Nam. Đồng thời Việt Nam cần tích cực, chủ động có nhiều cuộc đàm phán với Mỹ để đưa ra giải pháp phù hợp và cân bằng nhất cho hai bên.
Tiếp đó, Việt Nam cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế cũng như ngành ngoại thương, nhanh chóng tìm những thị trường khác để thay thế phần nào thị trường Mỹ và giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế của Mỹ.
Về phía các doanh nghiệp, ông Hiếu đề xuất các bên cần có phương án chiến lược kinh doanh thích ứng với điều kiện mới cũng như đối phó với những khủng hoảng, bất ngờ, tránh bị động. Theo đó, trên cơ sở bảng cân đối kế toán, tài sản, nợ, lời lỗ, kết quả kinh doanh, bảng cân đối dòng tiền, các doanh nghiệp có thể đưa ra phương án kinh doanh trong 3-5 năm tới. Trong đó cần có giả định về lãi suất trong tương lai, tỷ giá, thị phần của doanh nghiệp, biến động trên thương trường, dòng vốn của doanh nghiệp, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp để có kịch bản tỉ mỉ và tối ưu nhất.
Các kịch bản nên chia ra ba trường hợp là kịch bản tốt nhất, bình thường và xấu nhất để dựa vào những tình huống trên thương trường mà có những biện pháp thực hiện phù hợp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những dự phòng cần thiết trước các diễn biến khó lường sắp tới.
Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam đánh giá lại chiến lược phát triển kinh tế, tập trung vào việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.
Sự thận trọng và chủ động trong từng bước đi sẽ là chìa khóa để Việt Nam biến thách thức thành cơ hội, hướng tới một nền kinh tế ổn định và phát triển bền vững trong tương lai.