TS Nguyễn Hữu Huân: Chứng khoán khó tăng điểm do dòng tiền hạn hẹp

Cập nhật: 13:15 | 17/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, trong kịch bản xấu, thị trường chứng khoán có thể tiếp tục giảm sâu. Còn với kịch bản khả quan, thị trường sẽ đi ngang, song thanh khoản sẽ ở mức thấp.

TS.Nguyễn Hữu Huân: 'Chúng ta cần chuẩn bị tâm thế cho một thời kỳ tiền đắt'
Quỹ ngoại tăng cường mua ròng, bắt đầu chu kỳ 'xén lông cừu' mới?

PV: 2022 là một năm sóng gió của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi thăng hoa đầu năm và lao dốc cuối năm. Ông dự báo thị trường sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới?

TS Nguyễn Hữu Huân: Thị trường chứng khoán có chu kỳ. Sau một năm 2021 thăng hoa, đầu năm 2022 khối ngoại bắt đầu bán ròng. Lực mua của nhà đầu tư nội địa không đủ lớn để hấp thụ, vì không có nhiều tiền và tâm lý lướt sóng chiếm chủ yếu. Tất yếu là thị trường suy giảm và giảm cực mạnh. Điều này tương tự như giai đoạn 2007 – 2009.

Theo đánh giá của tôi thì thời gian tới, thị trường sẽ tiếp tục giảm, dù trong trung hạn có những phiên hồi phục. Diễn biến này tương ứng với chu kỳ kinh tế.

Nói sâu hơn thì thời gian gần đây, chúng ta thấy khối ngoại bắt đầu mua ròng trở lại, nhưng người mua không đến từ các quốc gia phát triển mà lại đến từ các quốc gia đang phát triển, như Thái Lan, Đài Loan. Với khối ngoại này, giá cứ giảm thì họ sẽ nhảy vào mua. Vì vậy, từ mốc 1.000 điểm trở xuống, khối ngoại đã bắt đầu mua vào.

Tín hiệu khối ngoại mua vào đã hỗ trợ cho thị trường không tiếp tục giảm mạnh như trước, nhưng lực cầu trong nước vẫn rất thấp nên rủi ro thị trường giảm tiếp là hiện hữu.

Kịch bản xấu nhất của thị trường là giảm sâu tương tự như giai đoạn 2007 – 2009. Khi đó thị trường đã rơi từ 1.170 điểm xuống 235 điểm. Tất nhiên, kịch bản này sẽ chỉ xảy ra khi xuất hiện quá nhiều tin xấu.

Còn triển vọng lạc quan thì thị trường sẽ dao động ở vùng 800 – 900 điểm trong trung hạn, dù có những phiên hồi phục xen kẽ.

TS
TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng lãi suất tăng lên, dòng vốn đảo chiều, chảy từ chỗ có lãi thấp sang chỗ có lãi cao, chảy từ nơi rủi ro sang nơi an toàn.

PV: Ông đã nói lực cầu trong nước là không đủ để đưa thị trường đi lên, xin giải thích rõ hơn?

TS Nguyễn Hữu Huân: Đa số nhà đầu tư trong nước hiện đang trong tình trạng bị kẹp hàng hoặc chấp nhận cắt lỗ. Mức lỗ phổ biến là 50% - 70%, thậm chí lỗ đến 90% với những người sử dụng margin.

Cách đây 15 năm, tình hình cũng tương tự, các nhà đầu tư cũng lỗ đậm như thế, thời đó thanh khoản cũng cực kỳ tệ hại khi giảm từ 2.000 – 3.000 tỷ đồng/phiên xuống chỉ còn hơn 100 tỷ đồng/phiên, cổ phiếu chất sàn, gần như trắng bên mua.

Bây giờ thì chưa đến mức trắng bên mua nhưng thời gian tới, có thể chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng đó, vì lực cầu nội địa yếu đi.

Đừng nhìn vào con số 5 triệu nhà đầu tư mới tham gia thị trường trong 2 năm đại dịch. Con số đó không phản ánh sự trưởng thành của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nó chỉ đơn giản là trong đại dịch, người dân không biết đầu tư gì thì nhảy vào chứng khoán.

Hiện nay, lãi suất tăng lên, dòng vốn đảo chiều, chảy từ chỗ có lãi thấp sang chỗ có lãi cao, chảy từ nơi rủi ro sang nơi an toàn. Lãi tiền gửi lên tới 9% - 10% thì người dân sẽ có tâm lý gửi tiền lấy lãi, thay vì tiếp tục đầu tư vào chứng khoán mà không chắc chắn lỗ, lãi sẽ ra sao. Đó là chưa kể một số người mua chứng khoán mà bị lỗ sâu, một khi đã rút khỏi thị trường thì gần như không trở lại.

PV: Khó khăn nào cũng chứa đựng những cơ hội tiềm ẩn. Liệu trong bối cảnh như hiện nay, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở đâu?

TS Nguyễn Hữu Huân: Kinh tế vĩ mô vẫn có cửa sáng nhưng chứng khoán thì khó khăn. Đa số nhà đầu tư hiện nay trong tình thế chờ đợi hoặc rút lui. Khả năng thị trường trong ngắn hạn sẽ ở trạng thái đi ngang, nhưng thanh khoản sẽ rất thấp. Giai đoạn trước, thanh khoản ở mức 20.000 – 30.000 tỷ đồng/phiên thì giờ chỉ còn 8.000 - 10.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí thấp hơn nữa. Thanh khoản ở mức này thì chỉ có thể chờ đợi dòng tiền quay trở lại từ khối ngoại.

Với bối cảnh đó thì rất khó để đưa ra khuyến nghị về ngành/nhóm ngành khả quan. Tuy vậy, tôi cho rằng có thể cân nhắc đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu, khi họ đang được hưởng lợi từ tỷ giá, nhưng đó phải là các doanh nghiệp chủ động được nguồn cung trong nước. Nhóm khác là du lịch, việc kiểm soát được đại dịch đã mở ra cho du lịch giai đoạn hồi phục và phát triển mạnh mẽ. Đi liền với du lịch là nhóm bán lẻ, F&B…

Xin cảm ơn ông!

Hải Thu