Trường học danh giá giữa lòng Hà Nội đào tạo những "người gánh sứ mệnh": Học phí tăng, áp lực cực hạn cả đầu vào lẫn đầu ra
Trường học này chỉ đào tạo những nhân tài, điểm chuẩn lẫn học phí cao ngất ngưởng.
Trong cộng đồng học sinh – sinh viên, những phép so sánh giữa các trường đại học Việt Nam với các "ông lớn" học thuật quốc tế luôn là chủ đề hấp dẫn: FTU là "Harvard Chùa Láng" vì tính toàn cầu và sinh viên năng động, NEU được ví như Stanford vì tinh thần khởi nghiệp, còn Bách khoa Hà Nội gắn với hình ảnh MIT nhờ tính chuyên môn sâu và đầu ra chất lượng.

Thế nhưng, với Trường Đại học Y Hà Nội – ngôi trường mang tính "thiêng liêng" của ngành y thì không dễ để tìm một cái tên đối sánh phù hợp nếu chỉ xét đến danh tiếng. Thay vào đó, khi đặt lên bàn cân những yếu tố như tinh thần học thuật nghiêm túc, truyền thống lâu đời, sự cống hiến cho sức khỏe cộng đồng và đào tạo nhân lực y tế tinh hoa, một cái tên nổi bật lên: Johns Hopkins University – biểu tượng toàn cầu về giáo dục y khoa.
Vì sao Trường Đại học Y Hà Nội được ví như “Johns Hopkins của Việt Nam”?
Đại học Johns Hopkins (Mỹ) ra đời năm 1876, được xem là nơi mở ra mô hình đại học nghiên cứu đầu tiên của Mỹ. Trường luôn xếp hạng cao toàn cầu về y học, y tế công cộng và điều dưỡng.

Còn tại Việt Nam, ĐH Y Hà Nội chính là cái tên đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bất kỳ ai khi nhắc đến việc đào tạo bác sĩ. Với hơn 120 năm hình thành và phát triển, ngôi trường này đã đóng góp hàng chục nghìn bác sĩ, y tá, chuyên gia y tế cho đất nước. Nơi đây cũng là nơi đặt nền móng cho nhiều chuyên ngành y học hiện đại của Việt Nam từ lâm sàng, y học cơ sở đến y tế dự phòng.
Học tập “căng như dây đàn”, đầu vào lẫn đầu ra đều khắc nghiệt
Sinh viên Đại học Y Hà Nội được ví như những "chiến binh áo blouse" từ trên ghế giảng đường. Họ trải qua 6 năm đào tạo liên tục, với lịch học kín, kỳ thi dày đặc, áp lực thực tập bệnh viện và trực đêm triền miên.
Tương tự tại Johns Hopkins, sinh viên không chỉ học kiến thức chuyên môn mà còn phải gắn liền với nghiên cứu, khám chữa bệnh và đóng góp cho chính sách y tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những người tốt nghiệp từ hai ngôi trường này thường không ồn ào nhưng luôn là chỗ dựa chuyên môn vững chắc trong mọi cuộc khủng hoảng y tế.
Không “ồn ào” như các trường thiên về truyền thông, sinh viên và giảng viên Đại học Y Hà Nội âm thầm học tập, giảng dạy và cống hiến. Trong các chiến dịch tiêm chủng, dịch bệnh, thiên tai, vùng sâu vùng xa hay tiền tuyến chống dịch, dấu chân của người Đại học Y Hà Nội luôn có mặt. Đó cũng là lý do trường được Bộ Y tế, các bệnh viện lớn và các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Tương tự, Johns Hopkins là ngôi trường đóng vai trò trọng yếu trong nghiên cứu vaccine, chính sách y tế toàn cầu và đào tạo chuyên gia hàng đầu.

Một thế kỷ cống hiến thầm lặng: Dấu ấn rực rỡ trong lịch sử y học Việt Nam
Từ khi được thành lập thời thuộc Pháp đến nay, Đại học Y Hà Nội đã trải qua các giai đoạn lịch sử đầy biến động: từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, đến giai đoạn đổi mới và hội nhập. Dù ở giai đoạn nào, nhà trường vẫn gắn bó với sứ mệnh đào tạo nhân lực y tế và đóng góp cho sự phát triển của y học nước nhà.
Trường là nơi khởi nguồn cho nhiều chuyên ngành y học hiện đại Việt Nam. Trong chiến tranh, những người con của Đại học Y Hà Nội luôn có mặt nơi tuyến đầu. Trong hòa bình, họ là các chuyên gia, giáo sư, bác sĩ đầu ngành không chỉ hành nghề mà còn làm khoa học và đào tạo thế hệ kế cận.
Hiện tại, trường tiếp tục giữ vai trò là đơn vị trọng điểm quốc gia về đào tạo và nghiên cứu y học, nhất là trong các lĩnh vực y học hiện đại, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực y tế ở các vùng sâu, vùng xa.
Điểm chuẩn “khét tiếng”, học phí tăng theo chương trình học chuyên sâu
Đại học Y Hà Nội luôn thuộc nhóm đầu về điểm chuẩn khối B00 (Toán, Hóa, Sinh). Trong 3 năm gần nhất:
Năm 2022: Ngành Y khoa lấy 28,15 điểm
Năm 2023: Giảm nhẹ xuống 27,73 điểm
Năm 2024: Tăng lên mức cao nhất 28,27 điểm
Ngành Răng – Hàm – Mặt, Kỹ thuật xét nghiệm, Y học cổ truyền, Khúc xạ nhãn khoa… đều giữ mặt bằng trên 25 điểm. Đặc biệt, năm 2025 trường mở thêm 2 ngành mới là Công tác xã hội và Kỹ thuật hình ảnh y học.
Năm nay, trường tuyển 1.910 chỉ tiêu, trong đó 40% dành cho tuyển thẳng. Ngành Y khoa vẫn chiếm số lượng lớn nhất với 167 thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện.
STT | Chương trình đào tạo | Điểm chuẩn 2022 | Điểm chuẩn 2023 | Điểm chuẩn 2024 |
1 | Y khoa | 28,15 | 27,73 | 28,27 |
2 | Y học cổ truyền | 25,25 | 24,77 | 25,29 |
3 | Răng hàm mặt | 27,7 | 27,5 | 27,67 |
4 | Y học dự phòng | 23,15 | 22,3 | 22,94 |
5 | Điều dưỡng chương trình tiên tiến | 24,7 | 21 | 24,59 |
6 | Hộ sinh | 22,95 | ||
7 | Dinh dưỡng | 23,25 | 23,19 | 23,33 |
8 | Kỹ thuật phục hình răng | 24,15 | ||
9 | Kỹ thuật xét nghiệm y học | 25,55 | 24,85 | 25,35 |
10 | Kỹ thuật phục hồi chức năng | 22,7 | 24,07 | |
11 | Khúc xạ nhãn khoa | 25,8 | 25,4 | 25,38 |
12 | Y tế công cộng | 21,5 | 20,7 | 22,85 |
13 | Tâm lý học | B00: 25,46 C00: 28,83 D01: 26,86 | ||
14 | Y khoa phân hiệu Thanh Hóa | 26,8 | 26,39 | 26,76 |
15 | Điều dưỡng phân hiệu Thanh Hóa | 19 | 19 | 20,25 |
16 | Kỹ thuật xét nghiệm y học phân hiệu Thanh Hóa | 19 | ||
17 | Kỹ thuật phục hồi chức năng phân hiệu Thanh Hóa | 19 |
Về học phí năm học 2025–2026, mức thu dự kiến tăng so với năm trước:
Y khoa, Răng – Hàm – Mặt, Y học cổ truyền: 62,2 triệu đồng/năm (tăng khoảng 7 triệu)
Khúc xạ, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm, Hình ảnh y học: 47,2 triệu đồng/năm (tăng 5,4 triệu)
Tâm lý học: 16,9 triệu đồng/năm (tăng 1,9 triệu)
Không giống Harvard hay Stanford của Việt Nam, những ngôi trường truyền cảm hứng vì sự năng động, đổi mới Đại học Y Hà Nội là phiên bản Johns Hopkins thầm lặng: bền bỉ, cống hiến và điềm tĩnh đào tạo thế hệ thầy thuốc cho đất nước. Giữa thời đại truyền thông phát triển, nơi đây vẫn giữ mình với sự nghiêm túc và tận tâm hiếm có, xứng đáng là cột trụ vững chắc của y học Việt Nam.