Trước áp lực trả nợ trái phiếu, doanh nghiệp đua nhau... khất nợ

Cập nhật: 19:31 | 18/01/2023 Theo dõi KTCK trên

Sau phong trào đồng loạt mua lại trái phiếu trước hạn nhằm vớt vát niềm tin của các nhà đầu tư nhưng cũng khiến “túi tiền” bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp chuyển hưởng sang xu thế mới là phòng trào “khất” nợ.

Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã: DLG) vừa công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc và lãi cho lô trái phiếu mã 30122017-01, phát hành ngày 30/12/2017 và đáo hạn vào ngày 30/12/2022 (kỳ hạn 5 năm). Lô gồm 134 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng, tổng huy động 134 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, kỳ hạn thanh toán lãi 6 tháng/lần.

Thi nhau “khất” nợ

Theo văn bản của Đức Long Gia Lai, công ty còn phải thanh toán số tiền gốc hơn 117 tỷ đồng, lãi hơn 64 tỷ đồng. Hiện, công ty đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào những ngày cuối năm 2022, một doanh nghiệp “họ” Gia Lai khác là Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG cũng có thông báo thời gian thanh toán nợ cho ngân hàng sang quý II/2023. Đây là khoản nợ thông qua hình thức phát hành trái phiếu từ năm 2016 phải thanh toán vào cuối năm 2022 gồm 140,3 tỷ đồng lãi và 881 tỷ đồng gốc.

Theo HAGL, nguyên nhân chậm là nguồn tiền thanh toán từ phía HAGL Agrico (mã: HNG) bởi đây thực chất là trách nhiệm nợ của HAGL Agrico với tài sản cầm cố là diện tích đất HAGL đã chuyên giao cho HAGL Agrico. Trong khi theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HAGL là đơn vị phải công bố thông tin.

Ngoài hai doanh nghiệp “họ” Gia Lai, Công ty CP Trung Nam (Trung Nam Group) cũng là một cái tên “lọt top” chậm trả nợ trái phiếu với số tiền khá lớn, lên tới gần 130 tỷ đồng. Tính từ năm 2019 đến nay, Trung Nam Group đã huy động gần 34.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu.

Ngay trong giai đoạn khó khăn nhất của thị trường hồi đầu năm 2022, Trung Nam Group cũng vẫn “tranh thủ” có 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị huy động 3.230 tỷ đồng. Ước tính tiền lãi trái phiếu mà Trung Nam Group phải trả cho trái chủ, nhà đầu tư mỗi năm lên tới 2.800 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp đồng loạt xin hoãn thanh toán trái phiếu trong thời gian gần đây
Nhiều doanh nghiệp đồng loạt xin hoãn thanh toán trái phiếu trong thời gian gần đây.

Mới đây, một doanh nghiệp bất động sản cũng đã có thông báo về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Cụ thể, lô trái phiếu LDTCH213001 do doanh nghiệp này phát hành riêng lẻ vào ngày 22/11/2021, đáo hạn ngày 22/05/2023 với khối lượng 240 tỷ đồng. Theo dự kiến, ngày 5/1/2023 công ty sẽ thanh toán mua lại trước hạn nhưng đã lùi xuống ngày 15/1.

Theo văn bản công bố thông tin bất thường trên HNX, Công ty CP Hưng Thịnh Incons (mã: HTN) đang chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu HTNBH2122002. Đây là trái phiếu có kỳ hạn một năm và đã đáo hạn vào ngày 31/12/2022 với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 300 tỷ đồng, thời điểm thanh toán theo kế hoạch vào ngày 3/1.

Hưng Thịnh Incons báo cáo đã hoàn trả toàn bộ tiền lãi hơn 8 tỷ đồng vào ngày 3/1. Tuy nhiên, công ty chỉ mới thanh toán được số tiền gốc 90 tỷ đồng (so với tổng nợ gốc 300 tỷ đồng).

Áp lực ngày càng gia tăng

Nhìn vào số lượng trái phiếu đến hạn thanh toán có thể thấy, áp lực trả nợ của các doanh nghiệp trong giai đoạn tới là rất lớn. Câu chuyện tiền đâu trả nợ trong bối cảnh hầu hết các kênh huy động đều đang gặp khó khăn, tín dụng ngân hàng luôn trong xu thế siết chặt đang khiến các doanh nghiệp khá đau đầu.

Xét nguyên nhân chậm thanh toán thời gian qua có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về dòng tiền. Cụ thể, Đức Long Gia Lai cho biết, do ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt… dẫn đến dòng tiền còn hạn chế, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán nợ.

Một doanh nghiệp cũng cho biết nguyên nhân của việc chậm thanh toán là do nhiều tác động không tích cực từ thị trường nên chưa thể sắp xếp được nguồn vốn để thanh toán theo kế hoạch.

Tương tự, "tín dụng bị siết chặt, thị trường vốn khác (như chứng khoán, trái phiếu) bị nhiều tác động không tích cực, các chủ đầu tư không thu xếp kịp nguồn vốn để thanh toán cho Hưng Thịnh Incons, dẫn đến nguồn tiền của tổ chức phát hành thanh toán cho trái chủ bị chậm so với kế hoạch" cũng là nguyên nhân khiến Hưng Thịnh Incons chậm thanh toán. Lộ trình thanh toán mới sẽ được thực hiện trong tháng 3/2023.

Thực tế, trong bối cảnh thị trường trái phiếu đang khiến các nhà đầu tư mất niềm tin không thể phát hành đảo nợ, thị trường chứng khoán trồi sụt, tín dụng ngân hàng siết chặt…việc dòng tiền gặp khó là điều đương nhiên. Việc lấy đâu ra tiền thanh toán nợ đến hạn đang khiến các doanh nghiệp “đau đầu”.

Trong khi đó, trong tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị gần 17.500 tỷ đồng, chủ yếu tại nhóm bất động sản và xây dựng.

Cụ thể, tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn (chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn). Còn doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 34% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn).

Tính cả số lượng trái phiếu mua lại trước hạn, áp lực thanh toán của doanh nghiệp lớn hơn nhiều. Nhiều người đặt ra câu hỏi, nếu không thu xếp được dòng tiền, liệu sắp tới sẽ diễn ra làn sóng “khất” nợ trên diện rộng?

Tuệ Minh