Trung tâm Sao Mai: Nguyện mang lại cho các trẻ khuyết tật ánh sáng và tương lai

Cập nhật: 09:30 | 15/07/2020 Theo dõi KTCK trên

Bác sĩ Đỗ Thúy Lan (72 tuổi) – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Sao Mai (Trung tâm tư vấn phát triển sớm và chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ - tự kỷ) nguyện mang lại cho các trẻ khuyết tật ánh sáng và tương lai.

Nguyễn Thúy Hằng: Chọn cho mình một con đường riêng khác biệt

3 cô gái đa tài xây dựng cộng đồng đầu tiên dành cho phụ nữ

Tường Barber: Chuyên tâm đào tạo và cắt tóc miễn phí cho người dân

Thành lập trung tâm cho trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ

Trung tâm Sao Mai thành lập từ năm 1995, khi đó, bác sĩ Thúy Lan còn đang là Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hồng Mai, Hà Nội). Theo bác sĩ Thúy Lan, đối với trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ là giáo dục chứ không hẳn là y tế.

Ngày còn làm Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà nội (Sài Đồng, Gia Lâm), kiêm Trưởng trạm Bảo vệ sức khỏe tâm thần Hà Nội, Trạm quản lý mạng lưới phòng khám Tâm thần ngoại trú các quận, huyện ở Hà Nội, bác sĩ Thúy Lan gặp rất nhiều trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ, cha mẹ hỏi phương pháp điều trị cho con họ. Các bác sĩ của bệnh viện đều sử dụng thuốc hướng thần cho các trẻ này.

trung tam sao mai nguyen mang lai cho cac tre khuyet tat anh sang va tuong lai
Bác sĩ Thúy Lan nhận tài trợ của tổ chức Mỹ tặng Trung tâm Sao Mai

Sau năm 1992, bác sĩ Thúy Lan nhận học bổng đi học ở Hà Lan, lúc đó mới có khái niệm về tự kỷ còn trước đều quy về bị bệnh tâm thần. Đến năm 2002, Nhà nước cấp đất và nhận tài trợ của Mỹ, bác sĩ Thúy Lan xây dựng Trung tâm Sao Mai giống mô hình của nước ngoài thiết kế gồm bể bơi, phòng tập, lớp học, các phòng trị liệu cá nhân, phục hồi chức năng, tâm vận động…

Từ ngày đó, vị bác sĩ cần mẫn vừa điều hành tại Bệnh viện Tâm thần, vừa khám, tư vấn gia đình và điều hành các giáo viên dạy dỗ các trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ tại Trung tâm Sao Mai. Đến năm 2004, bác sĩ Thúy Lan nghỉ hưu và dành toàn tâm toàn ý cho Trung tâm Sao Mai.

Năm 2010, Trung tâm Sao Mai hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp xã hội, thu học phí để trả lương cho gần 90 giáo viên, nhân viên của trung tâm. Có những thời điểm cao nhất là 220 học sinh học bán trú. Với những trường hợp đặc biệt khó khăn được trung tâm hỗ trợ học phí bằng cách giảm hoặc miễn học phí.

trung tam sao mai nguyen mang lai cho cac tre khuyet tat anh sang va tuong lai
Bác sĩ Thúy Lan thăm khám cho học sinh

Các học sinh ở đây được chia theo tuổi đời, tuổi khôn, bé với bé, nặng với nặng, nhẹ với nhẹ, tự kỷ học với nhau, chậm hiểu học với nhau, bại não học với nhau, Down học với nhau. Trung tâm có 18 lớp tại 4 tầng học, 11 phòng trị liệu ngôn ngữ giao tiếp, 10 phòng trị liệu Denver, 1 phòng lớn trị liệu tâm vận động, 1 phòng lớn trị liệu phục hồi chức năng, 2 phòng điều hòa giác quan, 1 phòng trị liệu mỹ thuật, 2 bể bơi thủy trị liệu, 1 hội trường lớn, phòng làm bánh, bếp ăn, vườn rau và quán cà phê thực hành kỹ năng sống, sân chơi trong nhà.

Trẻ đến đây đa số là chậm phát triển ngôn ngữ, tự kỷ, không giao tiếp, được các cô giáo, nhân viên ở đây dạy phát triển ngôn ngữ - giao tiếp, kỹ năng xã hội - sử dụng các giác quan để nhận biết mọi thứ xung quanh, vận động tinh (viết), vận động thô (đi lại, chạy nhảy).

Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các học sinh đi dã ngoại, bảo tàng, siêu thị,… để giúp học sinh nâng cao nhận thức - kiến thức, ra ngoài xã hội khám phá thiên nhiên và xã hội xung quanh.

Hoàn thiện các kỹ năng cơ bản nhất để có đời sống độc lập

Có 3 lớp kỹ năng sống để dạy các trẻ có khả năng hòa nhập cộng đồng. Các học sinh không theo được chương trình văn hóa của Bộ Giáo dục và đào tạo do càng lên cao càng đòi hỏi tư duy trìu tượng vì vậy dù đã học qua lớp 6, 7, 8 nhưng phải vào đây học văn hóa phù hợp với khả năng để phục vụ cho cuộc sống của chính các thanh thiếu niên khuyết tật trí tuệ và tự kỷ. Dạy các kỹ năng sống để phục vụ bản thân và gia đình hàng ngày như rửa rau, nhặt rau, vo gạo, cắm cơm, rán trứng, kho thịt,…

Thường bác sĩ Thúy Lan hay nói với phụ huynh rằng: “Đến khi bố mẹ không còn nữa, con cháu không tự chăm sóc bản thân, không biết tự vệ sinh, nấu ăn, nó sẽ là gánh nặng đối với anh chị em của cháu. Anh chị em còn vướng bận với gia đình của họ thì làm sao có thể trông một người anh/chị/em khuyết tật trí tuệ và tự kỷ không biết tự chăm sóc bản thân. Không được giáo dục từ nhỏ và can thiệp sớm thì sau này sẽ trở thành bệnh nhân của bệnh viện tâm thần”.

trung tam sao mai nguyen mang lai cho cac tre khuyet tat anh sang va tuong lai

Những đứa trẻ này không bao giờ có thể học văn hóa với trẻ thường được vì trí tuệ phát triển thấp hơn, cho dù có can thiệp sớm chỉ giảm các khiếm khuyết và phát triển một số kỹ năng nhưng tuổi đời cao nhưng tuổi khôn lại thấp cộng với các kỹ năng phát triển không đồng đều. Trẻ này chỉ phát triển tư duy cụ thể chứ không thể hiểu về các lĩnh vực đòi hỏi tư duy trừu tượng.

Nhiều phụ huynh khi đưa con đến đây, sau khi khám đánh giá và được tư vấn họ đều trào nước mắt vì không nghĩ rằng con mình bị như vậy. Đến đây, trẻ được đi con đường tốt nhất cho chính mình sau này, tự lập để sau này không là gánh nặng của gia đình, xã hội. Có những phụ huynh không tin và vẫn để con học hòa nhập và trị liệu giờ, đến khi con được 8, 10, thậm chí 16 tuổi quay lại trung tâm thì đã quá muộn đặc biệt với trường hợp nặng.

Tùy mức độ nặng nhẹ, có những trẻ học trong vòng 1 - 2 năm có nhiều tiến bộ trung tâm sẽ tư vấn và làm lễ ra học hòa nhập, do được kích thích sự phát triển sớm trước 36 tháng tuổi, tuy vậy trẻ vẫn cần được sự hỗ trợ để có thể theo kịp các bạn trong lớp, nhưng tỷ lệ học hết cấp 1 thì không nhiều. Cũng có những trường hợp học ở trung tâm đến năm 17, 18 tuổi cho ra trường và trở về nhà. Hoặc được cha mẹ hướng nghề làm bánh, nấu ăn, pha chế, nail, rửa xe... thì các thanh niên này có thu nhập để tự nuôi sống bản thân.

trung tam sao mai nguyen mang lai cho cac tre khuyet tat anh sang va tuong lai
Quàn cà phê của Trung tâm Sao Mai

Nhờ có sự tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, trung tâm mở rộng thêm lớp học làm bánh, các cô giáo được cử đi học và về dạy cho học viên. Quà chiều 1 tuần 3 buổi đều do các học viên của trung tâm làm ra. Bánh do học sinh làm ra cũng được bán cho khách ở quán cà phê của trung tâm. Hầu hết các học sinh được học và làm bánh, phục vụ quán cà phê. Các em đã phát triển thêm về mặt tư duy và cảm xúc rất tốt, giảm hẳn các hành vi không mong muốn, giao tiếp với mọi người xung quanh, bạn, cô giáo, khách hàng… tốt lên rất nhiều.

Năm 2019, Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam có dự án dạy sử dụng máy tính, trung tâm cũng cử 7 cháu đi học, học sinh học nhanh, có thể đánh được văn bản thì trung tâm sẽ sử dụng và trả tiền lương. Hiện tại các học sinh lớn đang phục vụ khách, đánh văn bản, photo, in ấn… tại quán cà phê của trung tâm.

trung tam sao mai nguyen mang lai cho cac tre khuyet tat anh sang va tuong lai

Những hoạt động kể trên đều để kích thích và phát triển về mặt tư duy cho trẻ, hoàn thiện các kỹ năng cơ bản nhất để có đời sống độc lập.

Khó khăn khi không có sự thấu hiểu của phụ huynh học viên

“Ngày mới thành lập trung tâm, có một phụ huynh nhà ở Bạch Mai, làm nghề bán xôi, đến và nói với tôi rằng: ‘Chị giúp em, chồng em là người chậm phát triển trí tuệ, con gái và con trai em cũng bị, cả nhà chỉ trông chờ vào gánh xôi của em để nuôi cả nhà. Giờ em mong chị giúp cho em dạy cháu trai 5 tuổi này biết tính tiền để sau này em có yếu hơn thì cháu vẫn có thể đi bán xôi thay em’. Lúc đó, tôi ra điều kiện cho giáo viên phải dậy sử dụng đồng tiền. Mỗi lần cô giáo đưa cậu bé đó ra chợ dạy cách sử dụng đồng tiền, biết mặc cả”, bác sĩ Thúy Lan nhớ lại.

Sau đó, bác bĩ Thúy Lan cho đi học hòa nhập, đỗ được cấp 1, cho tham gia các CLB của trẻ khuyết tật, học kịch câm, tham gia nhiều các hoạt động để phát triển hơn. Giờ đây, cậu bé đó làm bảo vệ cho một công ty và đã có gia đình có hai con khỏe mạnh bình thường và sống hòa nhập cộng đồng.

trung tam sao mai nguyen mang lai cho cac tre khuyet tat anh sang va tuong lai

Không chỉ vậy, bác sĩ Thúy Lan còn gặp các trường hợp phụ huynh kỳ vọng ở con, đòi hỏi, hạch sách với giáo viên gây áp lực bắt dạy theo nhu cầu của mình. Làm nghề, tâm huyết với nghề và yêu trẻ khiến bác sĩ Thúy Lan và các cô giáo ở đây không tránh khỏi nhưng áp lực từ phía cha mẹ học sinh.

Chị Nguyễn Thị Việt Đức (SN 1979) – Chuyên viên phục hồi chức năng cho trẻ bại não, trị liệu giác quan, vận động cho các trẻ tự kỷ, chậm phát triển đã làm tại trung tâm 18 năm chia sẻ: “Mỗi một trẻ đến đều để lại ấn tượng đặc biệt đối với các cô giáo, nhân viên ở trung tâm. Rất nhiều trường hợp có kỷ niệm đặc biệt đối với trẻ khuyết tật. Ngày mới mở trung tâm, có tiếp nhận một cô bé tên Trang bị đa tật (khiếm thị cả 2 mắt, khiếm thính, bại não), được các cô giáo ở đây chăm sóc rất nhiệt tình từ việc ăn uống, vệ sinh, dạy cách nhận thức, chuyển động của cơ thể, các vật dụng xung quanh để đến được các vị trí an toàn như ghế ngồi, giường nằm, khi đói thì có các dấu hiệu đưa ra để cho các cô biết. Sau khi can thiệp ở đây khoảng 3 năm, Trang đã biết thể hiện nhu cầu tối thiểu để báo cho người nhà biết”.

Ngoài ra, chị Việt Đức cũng gặp phải trường hợp phụ huynh học sinh không tin vào trình độ năng lực của các cô giáo. Họ đưa ra những lời thách đố nếu con, cháu họ có thể đi được thì tặng cô một nửa chiếc ô tô... Các cô giáo ở đây sử dụng hết tâm huyết dành cho cậu bé đó, mong muốn các học sinh có thể học được ít nhiều. Sau này, cậu bé đó đã đi được, nói được và ra học hòa nhập.

trung tam sao mai nguyen mang lai cho cac tre khuyet tat anh sang va tuong lai

Có những trẻ tự kỷ nhìn rất xinh xắn nhưng khó ăn chỉ ăn cơm với muối vừng, không nói, không giao tiếp, không chơi với bạn chỉ chơi tha thẩn một mình… sau một thời gian, các con đều có thể ăn được với các loại thức ăn đa dạng, nói được, chạy nhảy vui chơi cùng cô và bạn.

Các cô giáo ở đây đều làm việc với phụ huynh để cùng xây dựng chương trình giáo án cho con họ, để đạt kết quả tối ưu nhất dành cho trẻ khiến trẻ phát triển nhanh nhất. “Mong muốn được giúp đỡ các học sinh nhiều hơn, phụ huynh thấu hiểu về con họ và công việc của các giáo viên, nhân viên đang làm. Những mong muốn của họ đối với con cũng chính là mong muốn của các cô giáo, nhân viên của trung tâm dành tất cả cho các con. Việc dạy cho các con rất vất vả và khó khăn, nếu phụ huynh mà không thấu hiểu, không hỗ trợ và giúp đỡ thì sẽ khó có sự gắn kết để các con có thể phát triển toàn diện hơn”, chị Việt Đức chia sẻ.

trung tam sao mai nguyen mang lai cho cac tre khuyet tat anh sang va tuong lai

Trung tâm Sao Mai là nơi giúp trẻ tự kỷ tuổi vị thành niên có cơ hội được học nghề, khẳng định giá trị bản thân để có thể sống tự lập và hòa nhập cộng đồng xã hội. Tạo cơ hội hòa nhập, thay đổi chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ và gia đình họ đồng thời nâng cao nhận thức, kỹ năng chăm sóc, can thiệp trẻ của các gia đình, tổ chức trong cộng đồng.

Bằng tín, tâm, tình, trách nhiệm và sáng tạo, họ - những con người đang giúp ích cho xã hội. Giúp xã hội giải quyết vấn đề giáo dục đặc biệt hướng đến giáo dục hòa nhập cho trẻ chậm phát triển trí tuệ và tự kỷ. Can thiệp sớm giúp giảm thiểu các khiếm khuyết và hướng tới cuộc sống độc lập khi trưởng thành của trẻ là mục tiêu mà Trung tâm Sao Mai đã đang hướng tới.

Ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp từ ngày còn ngồi trên ghế giảng đường

Từ bỏ mức lương hấp dẫn, anh Nguyễn Văn Hải (SN 1989) tại Hà Nội khởi nghiệp lĩnh vực nội thất, hiện đang rất phát ...

Mong muốn tiếp cận thị trường một cách chủ động của CEO ngành thực phẩm

Anh Trương Thế Tiến (SN 1987) - CEO công ty TNHH Thực phẩm ISITO tại TP.HCM với hướng đi tiếp cận thị trường quốc tế ...

Niềm đam mê “xây nhà gỗ” của chàng trai đất Hà Nam

Anh Phạm Hồng Quân (SN 1990) tại Hà Nam quyết tâm theo học nghề để khởi nghiệp với niềm đam mê “xây nhà gỗ”.

Nguyễn Trang

Tin cũ hơn
Xem thêm