Nhịp sống số

Trung Quốc thử nghiệm thành công cấy chip vào não người

Nhược Vy 23/07/2025 14:00

Trung Quốc vừa ghi dấu ấn với chip não Beinao-1, thiết bị BCI hoạt động không dây, có khả năng giải mã tín hiệu thần kinh.

Bước tiến công nghệ não: Trung Quốc bám sát Mỹ trong lĩnh vực BCI

Trung Quốc vừa ghi dấu mốc đáng chú ý trong lĩnh vực BCI (giao diện não – máy tính) khi Đài Truyền hình Bắc Kinh phát sóng hình ảnh về quá trình thử nghiệm công nghệ này trên người. Tâm điểm là chip Beinao-1, có kích thước bằng đồng xu, hoạt động không dây và có khả năng giải mã tín hiệu não thành văn bản, lời nói hoặc cử động cơ thể.

chip Beinao-1
Cấu tạo chip Beinao-1 tròn nhỏ

Dẫn đầu nhóm nghiên cứu là Giáo sư Luo Minmin – Giám đốc Viện nghiên cứu não bộ Trung Quốc (CIBR), người từng lấy bằng Tiến sĩ thần kinh học tại Mỹ. Theo GS. Luo, hiện đơn vị đang “quá tải yêu cầu đăng ký thử nghiệm” từ các bệnh nhân mắc bệnh thoái hóa thần kinh như ALS.

Một bệnh nhân ALS ngoài 60 tuổi là người thứ ba được cấy chip. Trước đây, bà hoàn toàn không thể giao tiếp. Sau ca cấy ghép, bà đã có thể phát ra các câu nói đơn giản.

Thử nghiệm chip Trung Quốc
Trung Quốc đang có những bước tiến nhanh chóng về công nghệ, nhất là trong cuộc đua chip với Mỹ

Tính đến tháng 5/2025, đã có tổng cộng 5 ca cấy chip Beinao-1 thành công tại Trung Quốc (con số ngang bằng với Neuralink). Một đối thủ khác là Synchron, được hậu thuẫn bởi Jeff Bezos và Bill Gates hiện đã thử nghiệm trên 10 bệnh nhân tại Mỹ và Australia.

Hệ sinh thái công nghệ não: Cuộc đua công nghệ toàn cầu

Beinao-1 được phát triển bởi NeuCyber NeuroTech – startup được CIBR ươm tạo từ năm 2023. Dự án này là một phần của chiến lược dài hạn nhằm giúp Trung Quốc trở thành cường quốc công nghệ toàn cầu, đồng thời tăng cường chủ quyền công nghệ trong lĩnh vực y sinh.

Trung Quốc khởi động muộn hơn Mỹ trong lĩnh vực công nghệ não. Trong khi Mỹ triển khai Sáng kiến Não bộ (BRAIN Initiative) từ năm 2013 với hơn 3 tỷ USD đầu tư, Trung Quốc mới bắt đầu từ năm 2016. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng gần đây cho thấy tốc độ phát triển đáng gờm.

“Tuy chậm chân hơn, Trung Quốc đang rút ngắn khoảng cách nhờ các khoản đầu tư lớn và sự hỗ trợ chính sách liên tục”, Lily Lin – cựu trợ lý nghiên cứu tại một viện khoa học thần kinh tại Bắc Kinh nhận định.

Luo Minmin trong buổi phỏng vấn với CNN tại phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu não bộ Trung Quốc, tại Bắc Kinh, Trung Quốc
Giáo sư Luo Minmin trong buổi phỏng vấn với CNN tại phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu não bộ Trung Quốc

Về công nghệ, GS. Luo cho biết khó có thể so sánh trực tiếp Beinao-1 và Neuralink vì sự khác biệt về thiết kế. Beinao-1 ưu tiên thu tín hiệu từ vùng não rộng hơn (dù độ chính xác thấp hơn ở từng neuron), còn Neuralink tập trung cao độ để điều khiển chính xác hơn. “Đó là so sánh giữa táo và cam,” ông nói.

Triển vọng toàn cầu của chip não Trung Quốc

Theo thống kê từ Precedence Research, thị trường giao diện não – máy tính toàn cầu có thể đạt giá trị 12,4 tỷ USD vào năm 2034, tăng gấp gần 5 lần so với mức 2,6 tỷ USD của năm 2024. Đây là lĩnh vực hứa hẹn không chỉ về mặt kinh tế mà còn là cuộc đua công nghệ – địa chính trị giữa các siêu cường.

Trung Quốc coi BCI là một trong các công nghệ lõi có thể nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và y học chính xác. GS. Luo kỳ vọng chip Beinao-1 nếu tiếp tục chứng minh được độ an toàn và hiệu quả có thể ứng dụng lâm sàng rộng rãi trên toàn cầu, chứ không chỉ gói gọn trong phạm vi thử nghiệm nội địa.

Ngoài công dụng y tế, BCI cũng mở ra triển vọng sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng, giáo dục, và thậm chí là mở rộng khả năng tương tác con người.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Trung Quốc thử nghiệm thành công cấy chip vào não người
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO