Hàng hóa - Giá cả

Trung Quốc, Nga đều tăng mạnh xuất khẩu một mặt hàng đến Việt Nam, nước ta tiêu thụ gấp 3 lần trung bình thế giới

Hoàng Anh 21/05/2025 14:01

Trung Quốc, Nga và Lào hiện là 3 nhà cung cấp lớn nhất của Việt Nam ở mặt hàng này.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2025 Việt Nam nhập khẩu hơn 498 nghìn tấn phân bón với trị giá hơn 158 triệu USD, tăng 3% về lượng và tăng 10% về kim ngạch so với tháng trước đó.

Lũy kế trong 4 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu phân bón đạt trên 1,84 triệu tấn, trị giá hơn 586 triệu USD, tăng 15,7% về lượng và tăng 16% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân 318 USD/tấn, và tăng 0,3% về giá so với 4 tháng đầu năm 2024.

Xét về thị trường, Trung Quốc đang trở thành nhà cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam với hơn 769 nghìn tấn, trị giá hơn 192 triệu USD, tăng 17% về lượng và tăng 15% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, tương đương 250 USD/tấn.

b1.png

Đứng thứ 2 là thị trường Nga với hơn 248 nghìn tấn, trị giá hơn 127 triệu USD, tăng 2,6% về lượng, tăng 10,6% về kim ngạch so với 4T/2024. Giá trung bình 515 USD/tấn, tăng gần 8%.

Lào là nhà cung cấp phân bón lớn thứ 3 của Việt Nam với hơn 153 nghìn tấn, trị giá hơn 40 triệu USD, tăng mạnh 41% về lượng và tăng 40% về trị giá so với cùng kỳ. Giá giảm nhẹ 1%, tương ứng 266 USD/tấn.

Theo đánh giá của FAO, phân bón đóng vai trò quan trọng vì góp từ 30-60% giá trị đầu vào của vật tư nông nghiệp và làm tăng năng suất cây trồng ở mức 40-50%. Dự báo nhu cầu tiêu thụ phân ure sẽ tăng 6% trong giai đoạn 2024-2028, trong khi phân lân phụ thuộc vào những thay đổi trong chiến lược xuất khẩu của Trung Quốc và Maroc. Riêng nhu cầu phốt phát sẽ vẫn chịu áp lực vào năm 2025, tăng trưởng nhẹ dưới 2% vào năm 2026.

Theo Bộ NN&PTNT, nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng 10,5 - 11 triệu tấn các loại mỗi năm bao gồm các loại: urê, DAP, NPK, Kali... Trong đó, phân urê chiếm tỷ trọng sản xuất lớn, tổng công suất ước đạt 3 triệu tấn/năm, với phần lớn nguyên liệu đầu vào khai thác trong nước từ các mỏ khí như Bạch Hổ, Nam Côn Sơn. Tuy nhiên, Việt Nam đang sử dụng với mức bón cao hơn nhiều quốc gia và gấp 3 lần trung bình của thế giới.

Nhằm xây dựng nền nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm, theo hướng tuần hoàn và tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, Bộ NNPTNT đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu nâng tỉ lệ sử dụng phân bón hữu cơ lên ít nhất 30% vào năm 2030.

Tầm nhìn đến 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành quốc gia có tỉ lệ sử dụng phân bón hữu cơ cao trong khu vực, diện tích trồng trọt có sử dụng phân bón hữu cơ chiếm 50%; 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương; 100% nguồn nguyên liệu sẵn có từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt… được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong cả quy mô nông hộ và sản xuất công nghiệp.

Tại thị trường nội địa, giá của các loại phân bón phổ biến như phân Urê Cà Mau và Phú Mỹ đang dao động trong khoảng 600.000 – 650.000 đồng cho mỗi bao 50kg. Phân DAP Hồng Hà có giá từ 1,05 – 1,1 triệu đồng/bao 50kg. Kali có giá khoảng 500.000 – 560.000 đồng/bao 50kg. Còn đối với phân NPK 16-16-8, mức giá rơi vào khoảng 650.000 – 750.000 đồng/bao 50kg, phân bón lá 120.000/kg.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Trung Quốc, Nga đều tăng mạnh xuất khẩu một mặt hàng đến Việt Nam, nước ta tiêu thụ gấp 3 lần trung bình thế giới
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO