Trung An (TAR) chốt quyền trả cổ tức 2021 bằng cổ phiếu

Cập nhật: 10:40 | 07/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX – TAR) mới công bố nghị quyết HĐQT về việc chốt danh sách trả cổ tức năm 2021.

Trung An (TAR) báo lãi gấp 2,5 lần, dòng tiền kinh doanh âm 615 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Cụ thể, Trung An dự kiến phát hành hơn 7,1 triệu cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 10:1 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 01 cổ phiếu mới). Ngày chốt danh sách là 11/11. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 71,2 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2021.

Trung An (TAR) chốt quyền trả cổ tức 2021 bằng cổ phiếu
Lợi nhuận sau thuế của Trung An còn hơn 2 tỷ - giảm tới 94,5%. Hình minh họa

Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý 3/2022, Trung An ghi nhận doanh thu đạt gần 499 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, giá vốn hàng bán tiết chế hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận gộp vẫn sụt giảm sâu từ 71 tỷ đồng xuống chỉ còn 38 tỷ đồng vào quý III/2022.

Trong kỳ, doanh thu tài chính, chi phí bán hàng của công ty lần lượt giảm so với quý 3/2021 về mức 0,36 tỷ và 8,4 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 30% so với cùng kỳ năm trước lên 22,7 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên mức 5,7 tỷ đồng.

Sau cùng, Trung An báo lãi trước thuế đạt hơn 2,1 tỷ trong khi cùng kỳ ghi nhận tới 39,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế còn hơn 2 tỷ - giảm tới 94,5% so với quý 3 năm ngoái và giảm 91,5% so với quý liền trước. Đáng nói, đây cũng là mức lãi thấp nhất công ty từng ghi nhận kể từ con số lãi 1 tỷ hồi quý 2/2019 (12 quý).

Được biết, sau khi lập đỉnh lịch sử về cả doanh thu và lợi nhuận trong quý 4/2021 với lần lượt 1.165 tỷ và 43,7 tỷ đồng, tình hình kinh doanh của Trung An đã lao dốc mạnh với doanh thu giảm 57% và lợi nhuận giảm hơn 95% từ đỉnh.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Trung An đạt 2.222 tỷ đồng, tăng 23,5%. Sau khi khấu trừ các chi phí, công ty báo lãi 52 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Trung An đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 47% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Trung An là 2.751 tỷ đồng, tăng 37,5% so với đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm đa số với 74%, tương đương 2.037,8 tỷ đồng. Chỉ số hàng tồn kho tính đến cuối tháng 9 của công ty đạt 1.451 tỷ đồng, tăng 43%, chủ yếu đến từ nguyên liệu, vật liệu.

Trung An (TAR) chốt quyền trả cổ tức 2021 bằng cổ phiếu

Dư nợ phải trả đến cuối kỳ của Trung An ở mức 1.570 tỷ đồng, tăng 19% so với số đầu năm. Trong đó, các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đến cuối tháng 9 là 1.373 tỷ đồng, cao hơn đầu năm 15%.

Nguồn vốn chủ sở của Gạo Trung An tính đến cuối kỳ đạt 1.180 tỷ đồng, tăng 82% so với số đầu năm. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu tăng từ gần 462 tỷ đồng lên gần 712 tỷ đồng, tăng từ đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông và cuối tháng 9 vừa qua.

Trên thị trường chứng khoán, tính từ mức 42.500 đồng/cp hồi đầu năm, trong phiên sáng 7/11 cổ phiếu TAR đã mất tới 67% thị giá và đang giao dịch tại mức 14.000 đồng/cp, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên đạt hơn 845 nghìn đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu TAR thời gian gần đây. Nguồn: TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu TAR thời gian gần đây. Nguồn: TradingView

Sự sa sút mạnh về mảng xuất khẩu

Trong báo cáo ngành gạo mới đây, Chứng khoán Mirae Asset cho biết, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 5,443 triệu tấn, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,64 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Mirae Asset dự báo, sản lượng gạo xuất khẩu Việt Nam năm 2022 đạt 6,6 triệu tấn, tăng gần 7% cùng kỳ và năm 2023 đạt 6,8 triệu tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm, nhờ điều kiện thị trường thuận lợi khi Ấn Độ giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Philippines.

Về giá trị xuất khẩu, Mirae Asset dự báo, giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 3,23 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm, do giá bán trung bình giảm 7,2% chỉ đạt 490 USD/tấn. Tuy nhiên, năm 2023 dự báo giá trị xuất khẩu sẽ phục hồi lên mức 3,47 tỷ USD, tăng 7,2% nhờ giá bán cải thiện tích cực.

Theo Chứng khoán Mirae Asset, Công ty sở hữu thương hiệu gạo Trung An với 6 nhà máy xay xát đặt tại Cần Thơ. Thương hiệu gạo Trung An đã hợp tác chiến lược, phân phối trên hệ thống siêu thị Winmart khắp cả nước. Thị trường nội địa chiếm 84% doanh thu năm 2021, trong khi 16% doanh thu đến từ xuất khẩu tại 12 nước. Trong đó, thị trường Hàn Quốc là thị trường lớn nhất chiếm 47% doanh thu xuất khẩu. Định hướng đến năm 2030, sản lượng gạo của Trung An sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước. Trong đó, 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu.

Mirae Asset dự báo năm 2022, doanh thu và lãi ròng thuộc công ty mẹ đạt 4.101 và 177 tỷ đồng, tăng 31,4% và 99,9% cùng kỳ. Dự báo doanh thu và lãi ròng thuộc công ty mẹ năm 2023 lần lượt đạt 4.479 tỷ và 221 tỷ đồng, tăng 9,2% và 24,5% cùng kỳ, nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 10,4% lên 10,8% và doanh thu gạo nội địa tăng trưởng 5,2%YoY, trong khi xuất khẩu tăng trưởng 25%YoY.

Trước đó từ tháng 8/2020, Trung An cũng đã xuất khẩu gạo mang thương hiệu Trung An vào thị trường châu Âu. Đại diện công ty từng chia sẻ, hiện toàn bộ gạo của Công ty bán vào châu Âu đều được đóng bao bì nhãn mác thương hiệu Trung An. Sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Trung An hiện chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của công ty. Hiện TAR đã phát triển được hơn 30.000 ha vùng nguyên liệu liên kết.

Mặc dù vậy, thuyết minh doanh thu ghi nhận tại báo cáo tài chính quý 3 của TAR lại cho thấy sự lao dốc mạnh về doanh thu xuất khẩu với chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng - giảm tới 65% so với quý 3/2021 và chỉ chiếm 4% cơ cấu tổng doanh thu của công ty. Con số ghi nhận trong quý 3 thậm chí đã giảm tới 92,6% so với quý trước đó.

Được biết năm 2021, Trung An ghi nhận 586 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu - chiếm gần 19% cơ cấu tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Sự sa sút mạnh về mảng xuất khẩu đã tạo ra cú sốc lợi nhuận đối với Trung An trong quý 3 này - nhất là khi biên lãi cao hơn ở mảng xuất khẩu. Điều này hoàn toàn có thể lý giải trong bối cảnh thương mại thế giới đang gặp khó khăn - nhất là sau khi xung đột giữa Nga - Ukraine bùng phát hồi đầu năm.

Mặc dù ngành xuất khẩu gạo hồi tháng 9 vừa qua bất ngờ nóng lên và được giới phân tích kỳ vọng có lợi cho doanh nghiệp gạo Việt sau khi các lệnh tiết cung từ Ấn Độ song việc hàng không thể xuất đi khiến mức tồn kho khủng của Trung An đang trở thành vấn đề đáng quan ngại.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Mía đường Cao Bằng (CBS) sắp chia cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 30%

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/11, cổ phiếu CBS tăng 3,08% lên mức 56.900 đồng/cp. Khối lượng giao dịch ...

Daseco tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt, tỷ lệ 15%

Công ty CP Công viên nước Đầm Sen (Daseco, HoSE: DSN) vừa thông báo về ngày đăng ký cuối cùng thực hiện chi trả tạm ...

Lịch chốt quyền trả cổ tức bằng tiền của 8 doanh nghiệp trong tháng 11, 12

Tới đây, nhiều doanh nghiệp sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức tiền mặt năm 2021, 2022. Đáng chú ý có ...

Quỳnh Nga

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm