"Trong nguy có cơ" khi thị trường bất động sản trầm lắng

Cập nhật: 07:00 | 06/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Đầu tư bất động sản từ những năm 2008 cho đến nay, trải qua nhiều gia đoạn thăng trầm của thị trường bất động sản, tôi đã tích lũy được những kinh nghiệm “thực chiến” và mong muốn chia sẻ tới các nhà đầu tư.

Những bài học đắt giá của nhà đầu tư bất động sản đi lên từ thất bại. (Ảnh minh họa)

Cần hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy, trong bối cảnh thị trường còn nhiều rủi ro. Ảnh minh họa

Là một nhà đầu tư bất động sản tay ngang, tôi biết đến thị trường giàu tiềm năng này qua những người anh em, bạn bè từ năm 2008. Nói là tay ngang vì ở thời điểm đó, tôi đang làm việc tại một ngân hàng thương mại.

Lúc bấy giờ thị trường bất động sản đang phát triển rất mạnh, rầm rộ với quy mô vô cùng lớn. Trước sự hưng phấn của toàn thị trường, gần như tôi đầu tư đâu cũng thắng đó. Dễ dàng tới mức, tôi không cần bận tâm đến bất động sản có đủ điều kiện pháp lý hay không. Đơn giản cứ mua được là sẽ thắng.

Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, giai đoạn 2010-2011, thị trường thoái trào, “đóng băng” không có thanh khoản. Với việc nắm giữ các bất động sản không có pháp lý rõ ràng, chủ yếu chỉ giấy viết tay, thuộc các khu vực đất vùng ven Hà Nội như Quốc Oai, Thạch Thất… tôi lâm vào đường cùng, cạn dòng tiền và đứng trước nguy cơ vỡ nợ. May mắn thay, gia đình và bạn bè tôi đã tận tình hỗ trợ, để giúp tôi vượt qua cú sốc ấy!

Mãi đến đầu năm 2015, thị trường bất động sản mới ấm dần và phục hồi trở lại. Cuối năm 2015 cũng là lúc tôi nghỉ công việc ở một tập đoàn lớn và quay sang làm sale bất động sản. Với nền tàng kiến thức từ ngành luật tôi được học trên giảng đường, cùng với những bài học đắt giá từ thất bại năm 2010-2011, tôi bắt nhịp khá nhanh so với lứa nhân viên bất động sản mới. Kinh nghiệm trong nghề cứ xây đắp dần, giúp tư duy đầu tư của tôi phát triển theo hướng khoa học hơn, nắm bắt được những cơ hội đầu tư quý báu, ổn định.

Tôi đặc biệt quan tâm tới sản phẩm địa ốc có tính thanh khoản tốt, vị trí đắc địa, chủ đầu tư uy tín, tính pháp lý cao. Tôi nhận thấy việc chi tiền cho các sản phẩm này sẽ đem đến tỷ lệ thành công cao vượt trội so với các bất động sản rủi ro khác.

Thời gian thấm thoát trôi. Trong cuộc hành trình gắn bó với bất động sản, tôi được chứng kiến thêm một lần thị trường suy giảm vào năm 2018. Khi đó, đa phần nhà đầu tư đều thua lỗ giống tôi hồi 2011, nguyên nhân vẫn là vì trót mua những khu đất không có tính thanh khoản, điển hình như Phú Quốc (Kiên Giang). Tôi cũng có thời gian “nếm mật nằm gai” tại Phú Quốc vài tháng để tìm hiểu, và nhận ra rằng vùng đất này lúc đó tiềm ẩn nhiều rủi ro, đa phần đã bị “thổi giá”, thanh khoản “ảo”.

Nhờ những kinh nghiệm tích lũy của mình, tôi không chạy theo đám đông và thẳng thừng từ chối những cơ hội mua đất ở Phú Quốc. Thay vào đó, tôi chọn mua đất ở những khu vực có tính bền vững hơn, như ở Thanh Hóa. Không chỉ vì đó là quê hương tôi, mà vì định giá lúc bấy giờ là rất rẻ.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến cả nền kinh tế lao đao, liên tiếp là các biện pháp “lock down” được Chính phủ triển khai trên phạm vi cả nước. Tiếp cận nhiều luồng thông tin, cả trên mạng và đời thực, tôi nhận ra rằng việc người dân “đóng cửa, cài then” quá lâu khiến họ nảy sinh suy nghĩ sẽ chuyển nơi ở, muốn sinh sống ở khu vực vùng ven nhiều hơn, để tránh đi sự ngột ngạt của nơi thành thị.

Các khu đất ven Thủ đô như Ba Vì, Hòa Bình, Sóc Sơn… được săn đón. Tương tự, các khu vực lân cận TP.HCM, Vũng Tàu, Long An… cũng trở thành tâm điểm của nhà đầu tư, lượng giao dịch tăng đột biến. Nắm bắt được xu hướng đó, tôi quyết định rót tiền và chỉ hai năm sau, tôi đã có thành quả khi giá đất tại đây cứ tăng theo từng ngày.

Tuy nhiên, quả thực không có nhiều người được may mắn như tôi. Trên thực tế, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Hàng loạt các trở ngại như việc “van tín dụng” chảy vào bất động sản chỉ mở “nhỏ giọt”, lạm phát tăng mạnh trên toàn cầu, xu thế nâng lãi suất đã lan sang kinh tế Việt Nam và không cho phân lô tách thửa là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ngủ đông” của thị trường. Nhưng tôi cũng cho rằng, thực trạng này sẽ không kéo dài lâu, nếu nhà đầu tư có giải pháp hợp lý, thì vẫn có thể xuống tiền với mục tiêu chiến lược dài hạn.

Với kinh nghiệm “thực chiến” của mình, trên quan điểm lạc quan, tôi cho rằng “trong nguy có cơ”, nếu sử dụng đồng tiền đúng cách, thì bất chấp thị trường có đi xuống, ta vẫn nắm trong tay cơ hội thắng rõ ràng.

Thứ nhất, xác định đầu tư bất động sản là đầu tư dài hạn, tối thiểu 2 năm trở lên.

Thứ hai, nên chọn mua khu đất có pháp lý rõ ràng, không thuộc quy hoạch của nhà nước.

Thứ ba, hãy quan tâm đến những dự án của chủ đầu tư lớn, có thương hiệu, uy tín trên thị trường. Đặc biệt cần hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy, trong bối cảnh thị trường còn nhiều rủi ro.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư, mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư.

Nếu bạn muốn kể câu chuyện đầu tư của mình, hãy viết bài dự thi vào gửi vào địa chỉ Email: [email protected]; tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ”

Nguyễn Thanh An (CEO sàn giao dịch bất động sản)