Trồng đúng thứ hợp gió biển, nông dân Ninh Bình mang về hàng trăm triệu/vụ, ai ăn cũng nhớ, bán bao nhiêu cũng hết
Loại nông sản này đang bước vào mùa thu hoạch rộ với năng suất cao, giá bán tốt, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân Ninh Bình.
Dưa lê Kim Sơn: Ngọt trái – đậm niềm vui
Những ngày giữa tháng 5, vùng bãi ngang ven biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình) trở thành tâm điểm nhộn nhịp với mùa thu hoạch dưa lê. Trên khắp các cánh đồng Kim Trung, Kim Đông hay các xóm ven đầm, tiếng cười nói của nông dân xen lẫn âm thanh mua bán tấp nập tạo nên không khí hân hoan hiếm thấy. Với sản lượng cao, chất lượng vượt trội và giá bán tốt, mùa dưa năm nay đang mở ra nhiều kỳ vọng về một vụ mùa "trúng cả mùa lẫn giá".

Lợi thế về thổ nhưỡng bãi bồi giàu phù sa và khí hậu biển mặn mòi đã tạo điều kiện để cây dưa lê phát triển khỏe, cho trái tròn, to, hương thơm đặc trưng và vị ngọt đậm sâu. Đây là điểm khác biệt khiến dưa lê Kim Sơn trở thành đặc sản nổi tiếng được thị trường ưa chuộng. “Dưa có giá nhỉnh hơn nơi khác nhưng khách vẫn đặt hàng nhiều, ngày nào tôi cũng gom được 4-5 tấn xuất đi các tỉnh”, chị Hoài – một thương lái tại Kim Trung cho biết.
Năm nay, thời tiết thuận lợi càng giúp cây dưa phát triển mạnh, ít sâu bệnh. Bà con nông dân phấn khởi vì sản lượng tăng, chất lượng cao, đầu ra tốt. “Với 6 sào dưa, mỗi ngày gia đình tôi thu hoạch 2-3 tạ, thương lái đến tận ruộng mua hết. Năm nay chắc chắn lãi trên 100 triệu đồng”, bà Trần Thị Nga chia sẻ trong niềm vui rạng rỡ.

Không chỉ dừng ở yếu tố tự nhiên, nông dân nơi đây cũng ứng dụng kỹ thuật mới, từ trồng gối vụ, phủ nilon đến hệ thống tưới tiết kiệm, giúp tăng hiệu quả canh tác. Đồng thời, quy trình chăm sóc cũng cẩn trọng hơn do phần lớn diện tích trồng quanh các đầm tôm, nơi cần hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật để không ảnh hưởng đến thủy sản.
Trăn trở chuyện đầu ra và thương hiệu
Dù dưa lê Kim Sơn có chất lượng cao và giá bán khá tốt, tuy nhiên phần lớn sản phẩm hiện vẫn tiêu thụ qua thương lái nhỏ lẻ, chưa có sự tham gia chính thức của doanh nghiệp. Anh Trần Văn Sơn – một nông dân trồng dưa tại Kim Đông bày tỏ: “Dưa mình ngon, giá tốt nhưng bán vẫn phụ thuộc thương lái. Nếu có doanh nghiệp vào thu mua, đóng gói, xây dựng thương hiệu thì giá trị sẽ còn cao hơn nữa.”

Thực tế, thiếu liên kết sản xuất theo chuỗi và chưa có nhãn hiệu thương mại là điểm yếu cố hữu khiến dưa lê Kim Sơn khó vươn xa, dù chất lượng đã được khẳng định. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, việc dưa chưa có tem mác truy xuất là một rào cản lớn trong việc tiếp cận thị trường hiện đại.
Ông Vũ Trường Thu – Chủ tịch UBND xã Kim Trung nhìn nhận: “Chúng tôi đang tập trung hỗ trợ bà con nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Đồng thời khuyến khích mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu cho dưa lê bãi ngang.”
Việc xây dựng thương hiệu không chỉ là câu chuyện nhãn mác, mà còn là giải pháp nâng cao giá trị bền vững, bảo vệ người trồng trước biến động thị trường. Cần sự phối hợp giữa nông dân – chính quyền – doanh nghiệp để thực hiện quy trình tiêu chuẩn, đăng ký bảo hộ thương hiệu, đầu tư vào bao bì, bảo quản sau thu hoạch và xây dựng kênh phân phối chuyên nghiệp.