Mô hình mới

Trở về quê hương, nông dân Vũng Tàu "lái máy bay" để làm giàu, thu nhập tăng cao ngất ngưởng

Nguyễn Trang 24/05/2025 11:53

Từ mô hình nhỏ lẻ, dịch vụ bay nông dân trẻ Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát triển thành tổ hợp tác quy mô, tạo việc nguồn thu nhập cho thanh niên địa phương.

Từ kỹ sư trẻ đến người dẫn đầu ứng dụng drone trong nông nghiệp

Cuối năm 2021, chàng kỹ sư trẻ Đoàn Nhất Phương trở về quê hương Long Đất (Bà Rịa - Vũng Tàu) sau thời gian học tập và tích lũy kinh nghiệm, mang theo khát vọng hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Không lựa chọn con đường công sở như nhiều người cùng trang lứa, anh Phương quyết định đầu tư vào lĩnh vực còn khá mới mẻ ở nông thôn: dịch vụ bay phun thuốc bằng thiết bị không người lái (drone).

Anh Đoàn Nhất Phương điều khiển drone phun thuốc diệt ốc bưu vàng để nông dân chuẩn bị xuống giống vụ lúa Hè Thu 2025 tại cánh đồng thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức
Anh Đoàn Nhất Phương điều khiển drone phun thuốc diệt ốc bưu vàng để nông dân chuẩn bị xuống giống vụ lúa Hè Thu 2025 tại cánh đồng thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)

Ban đầu, anh Phương mạnh dạn chi hơn một tỷ đồng để mua ba drone loại công suất phun 10–20 lít/máy. Đây là thiết bị mà phần lớn nông dân địa phương còn xa lạ. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, hiệu quả của chúng đã được chứng minh qua năng suất và chi phí. Vụ Đông Xuân 2021–2022, dịch vụ drone của anh đã thực hiện phun thuốc trên hơn 500ha lúa.

Theo mô tả của anh Phương, quy trình vận hành drone khá đơn giản nhưng hiệu quả. Kỹ thuật viên chỉ cần đứng trên bờ, điều khiển máy bay đến ruộng lúa và bấm nút để thiết bị tự động phun thuốc. Trung bình một drone chỉ mất 30 phút để xử lý diện tích 1ha. Lượng thuốc phun mịn, đều, giúp thẩm thấu tốt vào thân, lá cây, nâng cao hiệu quả bảo vệ thực vật.

Đặc biệt, thiết bị còn tích hợp camera ghi hình từ trên cao, phân tích vùng xanh đậm – nhạt để nhận diện tình trạng sinh trưởng của cây. Dữ liệu này giúp nông dân dễ dàng khoanh vùng khu vực cây bệnh, kịp thời xử lý, tiết kiệm đáng kể chi phí và công sức.

Mở rộng tổ hợp tác, lan tỏa mô hình nông nghiệp thông minh

Thành công ban đầu đã tạo tiền đề để anh Phương mở rộng quy mô. Giữa năm 2024, anh vận động hơn 20 nông dân trẻ cùng chí hướng tham gia thành lập Tổ hợp tác dịch vụ bay nông nghiệp với sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện. Công ty TNHH Thương mại – Kỹ thuật SunBright do anh sáng lập hiện sở hữu 6 thiết bị drone hiện đại, bao gồm 2 máy T25, 2 máy T40 và 2 máy T50 (loại 50 lít), tổng mức đầu tư gần 4 tỷ đồng.

Tổ hợp tác chia thành 6 đội bay chuyên nghiệp, mỗi đội gồm 2 người đảm nhận các khâu như điều khiển, sạc pin, pha thuốc, vận hành máy. Mô hình hoạt động bài bản, chuyên môn hóa từng khâu, tạo điều kiện để mỗi thành viên có thu nhập ổn định từ 7 – 9 triệu đồng/tháng, cao hơn vào mùa cao điểm.

Không chỉ dừng lại ở phun thuốc trừ sâu, đội bay còn thực hiện các nhiệm vụ khác như gieo sạ, bón phân, phun vi sinh và hỗ trợ giám sát đồng ruộng qua dữ liệu hình ảnh. Nhờ vậy, dịch vụ này nhanh chóng được nông dân địa phương tin tưởng lựa chọn.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, một nông dân tại xã Tam An cho biết: “Từ ngày sử dụng drone, chúng tôi không còn phải lội ruộng vác từng bình thuốc nặng nhọc. Chi phí thuê cũng rẻ hơn một nửa so với thuê lao động thủ công. Đặc biệt, sức khỏe được bảo vệ vì không còn tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật”.

Theo tính toán, chi phí sử dụng drone vào khoảng 300.000 đồng/ha, rẻ hơn nhiều so với mức gần 600.000 đồng/ha khi thuê lao động truyền thống. Đồng thời, việc sử dụng drone giúp giảm tới 90% lượng nước và 30% thuốc bảo vệ thực vật, mang lại hiệu quả bền vững hơn về môi trường và kinh tế.

Trong thời gian tới, anh Phương đặt mục tiêu thành lập hợp tác xã chuyên về dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng vùng hoạt động đến 1.000ha cây ăn trái tại Long Khánh (Đồng Nai) và các cánh đồng lúa ở tỉnh Bình Thuận. Song song đó, anh sẽ triển khai cung cấp vật tư nông nghiệp, thiết bị bay và đào tạo kỹ thuật cho thanh niên địa phương, góp phần xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ.

Ông Huỳnh Văn Sơ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Đất đánh giá: “Mô hình của anh Phương không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm rủi ro dịch bệnh và là hướng đi phù hợp với xu thế hiện đại hóa nông nghiệp hiện nay.”

      Nổi bật
          Mới nhất
          Trở về quê hương, nông dân Vũng Tàu "lái máy bay" để làm giàu, thu nhập tăng cao ngất ngưởng
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO