Triển vọng giá phân bón phục hồi, Đạm Phú Mỹ (DPM) đặt kế hoạch lãi 542 tỷ đồng

Cập nhật: 15:04 | 12/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Với triển vọng giá phân bón hồi phục sau giai đoạn khó khăn, ông lớn Đạm Phú Mỹ được kỳ vọng sẽ đem về khoản lợi nhuận tích cực trong năm 2024.

Trở lại với năm 2023, đại diện Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, HOSE: DPM) cho rằng thị trường phân bón thế giới tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến khó nắm bắt từ chính trị và sự thay đổi chính sách xuất khẩu của một số quốc gia. Bối cảnh này đã dẫn đến tình trạng dư cung và giảm giá bán các loại phân bón một cách đáng kể so với mức nền đỉnh cao năm 2022.

Song song với việc chịu ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, thị trường phân bón nội địa cũng phải đối mặt với các vấn đề như chính sách thuế VAT, tăng chi phí đầu vào và cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất, dẫn đến giảm mạnh giá bán các loại phân bón, hóa chất trong nước.

Triển vọng giá phân bón phục hồi, Đạm Phú Mỹ (DPM) đặt kế hoạch lãi 542 tỷ đồng
Diễn biến cổ phiếu DPM trên thị trường chứng khoán ngày 12/03.

Giữa bối cảnh khó khăn, Đạm Phú Mỹ đem về doanh thu thuần gần 13.600 tỷ đồng và lãi ròng hơn 530 tỷ đồng trong năm 2023.

Trong bức tranh kinh doanh năm 2023, tình hình tài chính tương đối tích cực với phần lớn tài sản ngắn hạn là tiền mặt. Cuối năm 2023, Đạm Phú Mỹ nắm giữ gần 9.600 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó 70% là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.

Về kế hoạch cho năm nay, ban điều hành Đạm Phú Mỹ đã đặt ra kế hoạch kinh doanh khá thận trọng với doanh thu dự kiến là 12.800 tỷ đồng và lãi ròng đem về 542 tỷ đồng (tăng 2% so với năm 2023).

Đối với kế hoạch sản xuất kinh doanh, công ty dự kiến bán 870.000 tấn ure và 143.100 tấn NPK. Còn mảng phân phối lợi nhuận, DPM dự định chi trả cổ tức tiền mặt 15% cho năm 2024.

Trong năm 2024, doanh nghiệp dự định chi hơn 666 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản, trang thiết bị và đầu tư góp vốn vào các đơn vị thành viên.

Doanh thu của DPM sẽ hồi phục theo giá phân bón?

Phân tích tình hình năm 2024, Công ty CK KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng El Nino sẽ đạt đỉnh trong quý 1/2024, sau đó yếu dần và chuyển sang các pha trung tính và La Nina trong phần còn lại của năm.

Hiện tượng tranh chấp nguồn khí đầu vào giữa các doanh nghiệp điện khí và đạm sẽ bớt nghiêm trọng hơn so với năm 2023. Từ đó, chi phí khí thiên nhiên đầu vào cho DPM được dự báo có thể giảm nhẹ khoảng 3% so với cùng kỳ trong 2024. Bên cạnh đó, giá lúa gạo, lúa mì và ngô trong năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao so với trung bình 10 năm. Nguồn cung của các sản phẩm trên đang ở trong trạng thái thắt chặt, các quốc gia sẽ có động lực để gia tăng sản lượng nông sản, từ đó đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ và hỗ trợ giá phân ure.

Nhìn chung, năm 2024, nhóm nghiên cứu đến từ KBSV dự báo hoạt động kinh doanh của DPM sẽ hồi phục nhờ mức tăng của giá ure. Đồng thời, biên lãi gộp được kỳ vọng hồi phục nhờ giá bán tăng và giá khí đầu vào giảm nhẹ.

Tại một diễn biến khác, nhằm kiện toàn các chức danh lãnh đạo cao cấp của Đạm Phú Mỹ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã điều động ông Nguyễn Xuân Hòa - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP PVI (PVI Holdings, HOSE: PVI) tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy và giữ chức Bí thư Đảng ủy Đạm Phú Mỹ. Đồng thời, ông Hòa cũng được ủy quyền quản lý phần vốn góp của PVN tại Đạm Phú Mỹ. PVN đang sở hữu gần 60% vốn Đạm Phú Mỹ

Đồng thời, tại PVI Holdings, HĐQT thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVI Holdings đối với ông Nguyễn Xuân Hòa. Thời điểm nghị quyết có hiệu lực là kể từ sau khi ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của PVI thông qua công tác nhân sự theo thẩm quyền.

Từ ngày công bố thông tin miễn nhiệm cho đến khi được ĐHĐCĐ phê chuẩn vào ngày 21/3, ông Nguyễn Xuân Hòa vẫn tiếp tục đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc PVI. Ông Nguyễn Xuân Hòa sinh ngày 1/7/1972, quê quán tại Hải Dương. Ông có trình độ Cử nhân Tài chính Kế toán, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh; lý luận chính trị và quản trị doanh nghiệp ở bậc cao cấp.

Ông công tác trong ngành dầu khí Việt Nam từ năm 1994, bắt đầu công việc tại PV Gas. Lãnh đạo PVI đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Phó Tổng Giám đốc kiêm Uỷ viên HĐTV PV Gas, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PV Power, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tại PVI, từ ngày 29/3/2019 đến ngày 16/1/2020, ông Hòa nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Từ 2020, ông làm Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT và bắt đầu kiêm vị trí Tổng Giám đốc từ năm 2021 tới nay.

Tổng Giám đốc cũng là người đại diện phần vốn góp của PVN tại PVI. Cơ cấu cổ đông công ty gồm PVN sở hữu gần 82 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ nắm giữ 35%; 2 tổ chức nước ngoài HDI Global SE và Funderburk Lighthouse Limited lần lượt sở hữu 38,89% và 12,61%.

Đưa vay nợ tài chính về con số 0, Đạm Phú Mỹ được kỳ vọng nhiều hơn ở 2024?

Tại thời điểm cuối năm 2023, Đạm Phú Mỹ đã hoàn thành việc chi trả 500 tỷ đồng nợ vay tài chính nhưng lợi nhuận ...

Đường Quảng Ngãi chuẩn bị chia nốt 40% cổ tức, muốn phát hành thêm 11 triệu cổ phiếu ESOP

Dự kiến ngày 26/4, Đường Quảng Ngãi sẽ chia nốt 20% cổ tức bằng tiền còn lại trong tổng số 40% như đề xuất trước ...

Thanh khoản cải thiện, VN-Index phục hồi mạnh mẽ

Trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán tiếp tục hồi phục với thanh khoản cải thiện.

Đức Huy